Bật mí từ những người ăn ngủ với đường hoa Nguyễn Huệ

30/01/2014 05:30 GMT+7

(TNO) Từ nhiều năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ đã là nét đặc trưng đón tết của TP.HCM. Thế nhưng, ít người biết, ‘đặc sản’ đó được tạo nên bởi những bàn tay, những chăm chút thầm lặng của những con người ăn ngủ với đường hoa.

(TNO) Những ngày giáp Tết này, đường hoa Nguyễn Huệ lộng lẫy sắc hoa, dập dìu du khách đến du xuân, chụp hình. Từ nhiều năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ đã là nét đặc trưng đón tết của TP.HCM. Thế nhưng, ít người biết, ‘đặc sản’ đó được tạo nên bởi những bàn tay, những chăm chút thầm lặng của những con người ăn ngủ với đường hoa.

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 1
Nghệ nhân Minh Phương tạo dáng cho các chú ngựa của đại cảnh đường hoa Tết Giáp Ngọ 2014 từ những khối mốp lớn

Hơn chục năm nay, có rất nhiều bàn tay nghệ nhân trở nên gắn bó với đường hoa Nguyễn Huệ. Đặc biệt hơn, nhờ đường hoa mà nhiều nghệ nhân và cả chính các công nhân đã khám phá được khả năng của mình và trở thành nghệ nhân làm đẹp cho thành phố mỗi độ xuân về.

Chất liệu là điều khó nhất

Nghệ nhân Minh Phương và nhóm anh em khoảng 8 người cùng làm việc với ông đã gắn bó làm đường hoa Nguyễn Huệ 7-8 năm nay. Mỗi năm nhóm nghệ nhân của ông đều đảm nhận phân cảnh quan trọng nhất của đường hoa. Đó là đại cảnh mở đầu đường hoa, với hình ảnh linh vật cầm tinh của năm.

Từ bản thiết kế năm Giáp Ngọ, nghệ sĩ Minh Phương đã làm ra một bản phác thảo. Sau đó, từng chú ngựa dũng mãnh của năm nay lần lượt được các nghệ nhân thai nghén, dựng hình.

Theo nghệ nhân Minh Phương: Qua gần chục năm làm đường hoa thì khó nhất vẫn là tìm kiếm chất liệu để truyền tải ý tưởng. Ý tưởng có thể  rất nhiều nhưng phải làm cho nó phù hợp với tiêu chí chung là dùng chất liệu dân gian, chất liệu truyền thống VN.

Nghệ nhân Minh Phương bật mí: “Về mặt kỹ thuật thì năm nay chất liệu chỉ là mốp và phủ thạch cao, sau đó sơn giả gốm thôi nên dễ hơn mọi năm về mặt tạo hình. Nhưng về mặt kỹ thuật làm thì khó hơn mọi năm vì các chú ngựa không chạy mà phải bay. Để gắn con ngựa hổng khỏi mặt đất mà đẹp là một thách thức về mặt kỹ thuật”.

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 2
Ông Lê Mạnh Hùng, nhân viên của làng du lịch Bình Quới, cứ mỗi năm đến tết lại trở thành nghệ nhân làm đường hoa, đang chăm chút làm những chú ngựa con ngộ nghĩnh

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 3
Đan nan tre thành những giỏ hoa khổng lồ

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 4

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 5
Chăm sóc hoa trên đường hoa Nguyễn Huệ mỗi ngày

Bật mí từ những con người ‘đường hoa’ Nguyễn Huệ 6
Tái hiện miền quê sông nước Nam bộ giữa đường hoa Nguyễn Huệ

Đến bây giờ, khi đường hoa xuân Giáp Ngọ đã ra mắt công chúng, có thể nói nhóm nghệ nhân của ông Minh Phương đã thành công. Đàn ngựa năm con đang dũng mãnh tung vó kéo đồng hồ bay trên đường hoa Nguyễn Huệ. Hình ảnh năm con ngựa chạy ra từ đồng hồ là biểu tượng cho giá trị của thời gian, sự phát triển và hội nhập.

Những công nhân hóa thành... nghệ nhân

Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Long, vốn là công nhân bảo trì của Khu du lịch Văn Thánh (Saigontourist). Khi Khu du lịch Bình Quới được thành phố giao thi công đường hoa Nguyễn Huệ thì “nhân viên của làng du lịch nên phải có trách nhiệm”.

Từ đó anh Long đã gắn bó 5 năm với đường hoa Nguyễn Huệ. Làm đường hoa lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ nhưng mỗi năm công việc cũng quen dần và anh Long tự dưng trở thành nghệ nhân làm đường hoa.

Theo ông Chiêm Thành Long, Phó Ban tổ chức Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, có khoảng 200 nhân công làm đường hoa Nguyễn Huệ, chủ yếu là nhân viên Làng du lịch Bình Quới, chia thành nhiều nhóm: chuyên về sắt, mây tre nứa lá, tạo hình tạo dáng.

Thựa tế, đối với một số nhân viên thực hiện đường hoa nhiều năm liền, đầu tiên họ chỉ là công nhân bình thường (một số là thợ điện, một số là thợ hồ, thợ mộc). Thế nhưng, khi được giao công việc làm đường hoa thì nảy ra các năng khiếu. Có những người thì giỏi, chuyên làm vật trang trí bằng mây tre nứa lá, tạo những hình rất đẹp. Có những anh chuyên làm về hồ nước, làm thế nào cho nước phun đẹp, tạo dáng cho đẹp. Có người chuyên tạo những tiểu cảnh rất sinh động, bắt mắt.

“Anh em tự sáng tạo, tự tìm tòi với nhau để tạo ra một mô hình, tiểu cảnh rồi từ đó mà thực hiện. Mỗi năm anh em tích lũy kinh nghiệm, dần chuyên nghiệp nên khi kêu thực hiện phần nào thì sẵn sàng làm nhanh chóng và dễ dàng. Từ đó, những công nhân rất bình thường trở thành những nghệ nhân mà chúng tôi gọi vui là những nghệ nhân đèn, nghệ nhân chuyên làm hồ cây kiểng, nghệ nhân tiểu cảnh”, ông Thành Long kể chuyện dàn nghệ nhân đường hoa Nguyễn Huệ.

Là người tạo ra đàn ngựa con ngộ nghĩnh đang ngồi đọc sách, học bài dành cho thiếu nhi trên đường hoa, với ông Lê Mạnh Hùng, nhân viên của làng du lịch Bình Quới cho biết: “Đường hoa Nguyễn Huệ này tôi làm hồi thành lập đến nay. Mỗi năm có một chủa đề riêng nên cảm xúc riêng mỗi năm khác nhau giúp cho mình càng làm hay hơn, đẹp hơn”.

Còn với anh Huỳnh Văn Long: “Năm nay mình cố gắng làm năm con ngựa sao cho nền kinh tế chúng ta phi nhanh như ngựa vậy!”,

Điều đặc biệt hơn của những người lao động bình dị, chân chất là niềm tự hào sau khi con đường đặc trưng Tết của TP được hoàn thành.

“Đến Tết, khi gia đình ra thì mình ra đây chơi, thấy mọi người tham quan tấp nập, nhộn nhịp, mình cũng chỉ cho vợ con “ba làm đoạn này, anh thi công đoạn này”. Cũng tự hào lắm!”, anh Long chia sẻ.

Biến chất liệu dân gian thành tác phẩm nghệ thuật

Theo ông Chiêm Thành Long, ý tưởng chủ đề của đường hoa mỗi năm được góp ý bởi nhiều người, là nhóm thiết kế chung cho đường hoa Nguyễn Huệ. Sau đó từ bản vẽ thiết kế, các phân đoạn, phần việc sẽ được chia nhỏ ra. Để truyền tải từ ý tưởng trên bản vẽ ra thực tế còn là sự góp sức của hơn 200 người.

Hằng năm mỗi một đường hoa sẽ có một chủ đề chính, sẽ là đường dây xuyên suốt cho tất cả mọi nguyên vật liệu trên đường hoa

Những chất liệu, vật dụng đơn giản của Việt Nam được tận dụng đưa vào xây dựng đường hoa để làm nổi bật lên cái hồn của một mô hình, tiểu cảnh. Từ những cái rọ, nơm cá bình dị, những bàn tay khéo léo, sáng tạo đã biến chúng thành cái đèn, giỏ đựng hoa độc đáo.

Trong các tiểu cảnh trồng lúa, trồng tre, tầm vong, trồng bầu trồng bí, người thi công đường hoa phải đặt trồng trước, phải biết khi nào đặt, khi nào đưa ra trang trí để nó không bị môi trường, thời tiết làm hư hỏng, làm xấu đi.

Viên An

>> Đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ trước giờ khai mạc
>> Tất bật thi công đường hoa Nguyễn Huệ
>> Các điểm giữ xe đúng giá tại đường hoa Nguyễn Huệ
>> Cận cảnh những chú ngựa ở đường hoa Nguyễn Huệ
>> Nhiều nét mới ở đường hoa Nguyễn Huệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.