Bất an xe máy 'độ' ở miền quê

12/07/2017 13:02 GMT+7

Mặc dù không được phép lưu hành nhưng những chiếc xe máy độ chế vẫn ngang nhiên lưu thông tại các nẻo đường nông thôn ở tỉnh Bình Phước.

Về thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, H.Bù Gia Mập (Bình Phước) chúng tôi không khó để bắt gặp những chiếc xe máy độ: không đèn, không còi, thậm chí không phanh chạy ngang nhiên trên đường, gây ra rất nhiều nỗi lo lắng, bất an cho người tham gia giao thông.
Không riêng gì đám trẻ trâu sử dụng loại xe này mà hầu như thanh niên nào cũng có một chiếc xe được độ chế để đi lại và thồ hàng, loại phương tiện mà người dân nơi đây gọi là xe cảo.
Anh Điểu Thiện (ngụ thôn Bù Rên) cho hay xe cảo là loại phương tiện không thể thiếu đối với người dân nơi đây bởi nó khá thuận lợi và phù hợp cho việc đi nương rẫy. “Xe này độ lên cao đi đỡ đụng phải đá mỗi khi lên dốc, thậm chí đi còn an toàn hơn các loại phương tiện khác”, anh Điểu Thiện hồn nhiên nói.
Bất an xe máy “độ” ở miền quê 1
“Luật giao thông đường bộ quy định rất rõ chủ phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất, hoặc thiết kế cải tạo phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được phép lưu thông”, ông Nguyễn Văn Phước
Một chiếc xe cảo chỉ có giá chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng. Gần như tất cả những chiếc xe cảo đều có tuổi đời trên chục năm, nhiều phụ tùng xe đã xuống cấp, hư hỏng nên chủ phương tiện giữ lại phần khung và động cơ hoặc “cải tiến” cho đơn giản, gọn gàng hơn như tháo hết yếm, hộp số, biển số.
Các bộ phận trên xe cảo đều được độ chế lại để tăng khả năng chở hàng lên gấp 2- 3 lần. Thông thường, một chiếc xe cảo có thể chở được số hàng với trọng lượng từ 300-400kg và đa phần là không có giấy tờ.
Cứ mỗi lần xe máy tự chế tham gia giao thông là người người dân đều lo ngại. Bởi chỉ riêng tiếng động cơ của nó cũng đã là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phước - Phó trưởng Công an xã Bù Gia Mập, thừa nhận tình trạng trên và cho biết các loại xe cảo hiện đang lưu thông tại địa phương công an xã không thể xử lý. “Chúng tôi chỉ phạt và tuyên truyền để bà con chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông. Do đây là phương tiện đi làm nương rẫy chủ yếu của bà con người dân tộc nên việc xử lý gặp nhiều trở ngại, vượt quá thẩm quyền của công an địa phương” ông Phước nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.