Bảo vệ già ở Sài Gòn bị dàn cảnh trộm xe SH: Không nhận thêm tiền, giúp lại người khác

16/03/2019 12:16 GMT+7

Ông bảo vệ già ở Sài Gòn bị dàn cảnh trộm xe SH Mode được dân mạng quyên góp tiền để đền xe. Khi số tiền ủng hộ vượt số tiền đền, ông đã xin không nhận nữa và đi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác.

Mấy ngày nay, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về ông Nguyễn Quốc Hưng (68 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế), bảo vệ của một quán cà phê ở TP.HCM ngồi thẫn thờ vì bị dàn cảnh trộm xe SH Mode.
[VIDEO] Câu chuyện đẹp của ông bảo vệ nghèo bị dàn cảnh cướp xe SH
Ông Hưng tâm sự vì nhà quá nghèo nên không biết phải làm bảo vệ trong bao lâu mới đủ đền chiếc xe tay ga đắt tiền, trong khi ông còn phải nuôi người con trai trầm cảm, vợ và con gái thì đi bán vé số.
Hai ngày sau, người ta lại thấy ông tươi cười trong các đoạn clip được dân mạng quay lại nói rằng: “Tôi xin không nhận tiền nữa, vì số tiền tôi được ủng hộ đã vượt qua số tiền đền xe. Xin cảm ơn cộng đồng mạng rất nhiều”.
Dù biết ông Hưng đã đủ tiền đền xe nhưng nhiều người vẫn đến chia sẻ, ủng hộ ông Vũ Phượng
Tối 15.3, khi chúng tôi đến quán cà phê mà ông Hưng làm bảo vệ, vẫn có những bạn trẻ chạy xe đến tận nơi tặng để tìm gặp ông. Dù ông đã nói là đã đủ tiền đền xe nhưng mọi người vẫn muốn gửi tặng ông một khoản tiền để ông lo toan cuộc sống gia đình. Và càng ấm lòng hơn khi ông Hưng cho biết đã tặng lại một khoản tiền cho những hoàn cảnh khó khăn khác.

Hạnh phúc bất ngờ

Ông Hưng làm bảo vệ ở quán cà phê từ 18 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, rồi từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì chuyển ca sang một quán nhậu khác. Ông kể: "Tối 10.3, khi mất chiếc xe của khách tôi không thiết ăn uống gì nữa. Nhân viên kêu tôi ăn cơm mà tôi cũng ăn không nổi, ngủ cũng không được, cả đêm thức trắng, lo lắng". Nghe đâu chiếc xe tầm trên dưới 40 triệu đồng, ông nhẩm tính với mức lương của mình, trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt chắc 1 – 2 năm mới trả hết.
“Mấy người ở quán biết hoàn cảnh của tôi nên đăng lên mạng, ai ngờ rằng nhờ đó mà tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cộng đồng mạng, các nhà hảo tâm. Tới đêm 11.3 tôi vô ca, nhiều người tới tặng tiền nói chia sẻ với tôi. Tôi không dám mang tiền về nhà mà được bao nhiêu thì gửi ở quán hết. Đêm 12 thì mấy cháu nhân viên nói chú ơi gần đủ tiền mua xe rồi. Vậy nên tôi nhờ mấy cháu quay clip để tôi nói cảm ơn và xin không nhận sự ủng hộ của mọi người nữa”, ông Hưng kể lại.
Bên cạnh những người tới trực tiếp quán, cũng có những người thông qua tài khoản ngân hàng của một người quen mà ban đầu ông Hưng giới thiệu để ủng hộ. Tới nay, ông Hưng áng chừng mình đã nhận được hơn 100 triệu đồng.
“Có nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ đến số tiền lớn như thế này. Tôi hạnh phúc, may mắn lắm mới được mọi người giúp đỡ. Tôi không ngờ là chỉ sau 2 ngày đã đủ số tiền đền xe”, ông bộc bạch.
Đỗ Khắc Sơn, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đại diện nhóm bạn của mình đến ủng hộ ông Hưng cũng chia sẻ: “Em là sinh viên và cũng làm qua nhiều nghề nên em hiểu được công việc khó khăn của chú. Em cũng biết chú được nhiều người giúp đỡ rồi nhưng em muốn ủng hộ chú một chút để chú cải thiện cuộc sống gia đình”.

Hành động cao đẹp

Sáng ngày 13.3, hai người phụ nữ mang đến tặng ông số tiền 29 triệu đồng. Chị nói đây là số tiền chị quyên góp được sau khi chia sẻ câu chuyện của ông nên phải tận tay mang đến trao cho ông.
Bà Trung cùng đứa cháu ngoại có vấn đề về não Vũ Phượng
Ông chia sẻ: “Tôi xin từ chối không nhận vì mới tối qua nhân viên nói đã đủ tiền đền xe. Mà hai người phụ nữ nói tôi đủ tiền đền xe rồi thì cứ nhận để lo cho cuộc sống gia đình. Nghe vậy, tôi xin phép nhận 9 triệu rồi đi cùng hai cô qua trường tình thương Ái Linh (nơi cháu gái của ông Hưng được học miễn phí) để tặng trường 10 triệu. Còn 10 triệu tôi nói hai cô biết trường hợp nào thì giới thiệu giúp để tặng luôn. Hai cô nói có em bé đang mổ thận ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng chưa đủ tiền. Tôi nói vậy thì tốt quá, tính mạng con người là quan trọng, vì gần tới giờ đón cháu và xa chỗ tôi quá nên tôi nhờ hai cô mang đi gửi tặng giúp”.
Ông cũng thật thà chia sẻ, với số tiền ông nhận được hiện nay, sau khi bồi thường xe xong, ông xin phép giữ lại một khoản cho gia đình phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Còn lại, ông sẽ tìm những hoàn cảnh khó khăn khác để chia sẻ.
Tuổi cũng đã cao, ông Hưng mong muốn được chuyển qua làm ca ngày để đêm về trọn giấc, nhưng vì công ty bảo vệ sắp xếp ca nên không xin thay đổi được. Vậy là mỗi đêm ông vẫn gồng mình để hoàn thành công việc. Hành động chia sẻ vừa qua của ông khiến ai nấy đều ấm lòng. 

3 thế hệ ở trọ trong 20 mét vuông 

Theo địa chỉ ông Hưng cho, khoảng 9 giờ tối, tôi tìm về căn nhà trọ của gia đình ông ở đường Hoàng Hữu Nam (Q.9, TP.HCM). Bà Trần Thị Kim Trung (68 tuổi, vợ ông) lúc đó cũng vừa đi bán vé số về tới và đang nằm nghỉ vì chân đau nhức.
Căn nhà trọ của gia đình 6 người Vũ Phượng
Bà Trung cho biết, cả gia đình bà vào Sài Gòn tới nay vừa tròn một năm. Căn nhà trọ chưa đầy 20 mét vuông là nơi ở của gia đình ba thế hệ gồm vợ chồng ông bà, hai người con và hai cháu gái.
“Thời gian đầu vào Sài Gòn, con trai thì chỉ ở nhà vì nó bị trầm cảm xưa giờ, vợ chồng tôi và con gái đi bán vé số. Mà ông bán chậm lắm, ngày có 30 vé, mỗi vé lời 1.100 đồng nên ông chuyển qua làm bảo vệ. Vậy mà cũng có thời gian bảo vệ cho công ty kia 5 tháng không thấy trả lương, phải xin qua công ty khác. Hai đứa cháu thì một đứa não có vấn đề nên trường không nhận, một đứa học lớp tình thương cho biết con chữ”, bà tâm sự.
Nhớ lại hôm vừa mất xe của khách, bà bảo về nhà không hề nghe chồng nói gì. Chỉ nghe loáng thoáng ông Hưng nói với người con trầm cảm: “Chắc cha đi tù thôi, chứ tiền đâu mà đền chiếc xe mấy chục triệu của khách”.
Nói rồi bà xuýt xoa: “Cũng may, cuộc sống này còn nhiều người tốt lắm. Ông chồng tôi khi được giúp đủ tiền đền xe rồi xin không nhận nữa, mà nhiều người nói ổng cứ nhận để về lo cho gia đình. Tôi cũng nói chồng, ai giúp thì mình nói rõ là đủ tiền đền xe rồi để tránh hiểu lầm”.
Vậy mới thấy, mạng xã hội không chỉ toàn là những câu chuyện tiêu cực mà còn rất nhiều những hành động đẹp. Mọi người đều sẵn sàng chung tay giúp đỡ một hoàn cảnh không quen không biết, đơn giản đó là sự tin tưởng, chia sẻ cùng nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Người nhận được sự chia sẻ lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Cứ vậy, tình yêu thương lại được lan tỏa trong cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.