Bao giờ cái tai hết khổ?

19/04/2010 14:02 GMT+7

(TNTT>) Nỗi khổ tiếng ồn đô thị thực ra không mới, vì nó đã được định danh như một dạng ô nhiễm. Nhưng bây giờ thì những cái tai ở thành phố khổ hơn, bởi “nguồn ô nhiễm” đã rộng ra.

Những đôi tai chất lượng cao

Michel, một ông bạn người Pháp giỏi tiếng Việt đã khen như thế, khi ngồi cà phê bệt với chúng tôi ở công viên đường Hàn Thuyên. Bạn bảo, cứ ra đường, bạn sợ hai thứ: một là xe chạy tán loạn, hai là còi xe bấm inh tai. Nhưng vì lang thang ở Việt Nam đã hơn ba năm, nên bây giờ tiếng còi xe với anh đã “bé như con mèo”. So với lúc mới qua xứ này, thì con mèo cũng đã oách, vì lúc ấy tiếng còi xe là một con khủng long.

“Do rèn luyện nhiều, tai tớ bây giờ tốt như làm bằng vật liệu chống đạn đấy. Nhưng chả ăn thua gì, vì tai của người Việt Nam làm bằng bê-tông cốt thép”. Cái cách mô tả rất “mắm tôm” của Michel làm tất cả cười ngả nghiêng. Nhưng cười xong thì ngẩn ra: có lẽ ai ở Sài Gòn, Hà Nội… cũng có “kháng thể còi xe” ở mức cao hàng đầu thế giới.

Đáng sợ nhất là còi xe buýt hay xe tải. Chỉ cần một tiếng còi xé tai vang lên, ai nấy đều dạt vào lề. Nếu đi trên xa lộ, xe tải là cả một sự kinh hoàng, và nếu yếu bóng vía, tim của bạn sẽ gõ thình thình, sau khi màng nhĩ kêu ong ong. Nhưng xe tải thì khó gặp hơn xe buýt. Đã kẹt xe, bức bối, lại thêm tiếng còi xe chát chúa, phụ họa bằng tiếng gõ thùng xe ầm ầm của “lơ”, những cái tai chất lượng cao thể nào có ngày cũng điếc.

Mở nhạc và tivi “thủng tường”

Có ở chung cư, mới thấu hiểu nỗi khổ “không nói ra thì không ai biết” của nhạc to. Nhiều gia chủ còn trẻ, mê nhạc “nặng” (rock chẳng hạn), sắm dàn âm thanh khủng nhiều nghìn đô. Mà thiết bị đã khủng thế, chả lẽ chỉ mở kiểu “phe phẩy đuổi ruồi” thì làm sao xứng? Thế là những âm thanh của thiết bị điện tử trong các bản nhạc rock cứ ồ ạt xuyên thủng tường, làm khổ những đôi tai vô tội.

Tương tự dàn nhạc, là tivi mở maximum tiếng. Mà tivi thì âm thanh còn đa dạng hơn dàn nhạc. Giả sử đang ăn cơm, mà tivi nhà hàng xóm kêu thất thanh tiếng còi xe cấp cứu hoặc súng bắn đoàng đoàng lúc 12 giờ đêm, bạn cũng khó phân biệt đấy là phim hay thật. Hậu quả tức thì là hồn vía lên mây, và nhấp nhổm… bỏ chạy cấp kỳ!

Biện pháp chống khổ bắt buộc trong trường hợp này là nói thẳng sự không hài lòng để hàng xóm mở âm thanh vừa đủ nghe. Nếu không, dù có trang bị vật liệu cách âm, bạn cũng không thể sống yên ổn với những chiếc loa trầm mở với âm lượng đủ làm thủng những cái tai bê-tông cốt thép.

Đám tang tân thời

Cái tai khổ trong trường hợp này là ức chế hàng đầu. Vì nghĩa tử là nghĩa tận, mà gia chủ có đám tang thì buồn đau mất mát. Tuy vậy, một đội kèn trống ò í e suốt từ năm giờ chiều đến một giờ sáng thì khó bề thông cảm. Nhà đô thị, nói to tiếng hàng xóm còn nghe, huống chi là kèn trống đã được tăng âm.

Mà lạ, đám tang bây giờ thường kéo dài ba đến năm ngày, có đám dài cả tuần. Công nghệ mai táng hiện đại, khâm liệm kín mít, cũng đỡ ngại uế khí phát tán. Nhưng vụ tiếng ồn từ ò í e thì vô phương chống đỡ. Nhạc công đám ma chơi đủ bài, từ tây, ta tới tàu, từ Voyage à Venise, Happy New Year tới Hoa sứ nhà nàng, rồi Bến Thượng Hải… Quái nhất là đám tang giờ rất khoái cử nhạc tình, nhạc teen, cả nhạc rap nữa. Nếu chẳng may nhà hàng xóm có người đứt số, thì bạn cũng có thể thở dài đánh phịch mỗi khi nhạc nổi lên: “Thà chết sướng hơn”. Nhưng chết thì không chết được, cho nên cứ phải sống mà… thưởng ngoạn!

Cũng có gia chủ đám tang lịch sự, sang hàng xóm xin lỗi trước vì sự ồn ào. Nhưng dù có xin lỗi, những vụ oanh tạc bằng thanh âm kéo dài lê thê cũng khiến bà con cô bác mặt dài như cái bơm.

Cái tai khổ bởi cái mồm

Nỗi khổ này là thường xuyên nhất, nhưng ít được để ý nhất. Bởi đơn giản mồm thì ai cũng có, và ngày nào người ta cũng nói. Và vì cuộc sống là cân bằng, nên sự nói ít của một số người này dồn hết sang “đài phát thanh” của một số người khác. “Người ta có mắt có môi, khi buồn thì khóc khi vui thì cười”. Nghe đơn giản vậy, nhưng sự thể thì phức tạp hơn nhiều.

Sự ồn ào quá đáng của người xứ ta đã được người xứ ngoại đúc kết: “Nếu một đám đông nói to, cười to và khạc nhổ lung tung, đấy chắc chắn là người Việt”. Định dạng thế thì đáng xấu hổ, nhưng lại không sai so với thực tế. Nói ầm ĩ, cười ha hả cũng là biểu hiện bất lịch sự ở đám đông, vì làm phiền quyền yên tĩnh của người xung quanh. Lý giải về chuyện này, một nhà tâm lý học cho rằng có thể bản chất của nó lại là kém tự tin. Khi không tự tin, hoặc người ta sẽ co lại, hoặc cố tình “phồng to” mình lên.

Sự ầm ĩ từ cái mồm, trong những đám đông thông thường không được đo bằng decibel. Tuy vậy, tác hại của nó thì khó tả. Người quen nói to thường có tai không tốt lắm, nên họ không có ý thức rằng mình đang làm ồn. Và để “không lép vế”, người đối thoại cũng có xu hướng vô thức là tăng âm lượng tương xứng. Thế là đột nhiên một cuộc nói chuyện lại giống một đám cãi nhau.

Thói quen kiểm soát và điều chỉnh âm lượng của người xứ ta không tốt lắm. Lý do là: 1- xã hội không dị ứng với chuyện làm ồn như là làm phiền người khác; 2- không được điều chỉnh thói quen từ nhỏ; 3- thích nghi với sự ồn ào của môi trường sống, giao tiếp. Những điều đó làm “nạn um sùm” vẫn cứ tồn tại và ngày càng “lậm”, khi hằng ngày người ta phải cạnh tranh sinh tồn với những nguồn ô nhiễm âm thanh khác. Và trở lại với câu hỏi từ tít bài, thì phải thú thật rằng “không thể biết”!

Nguyễn Văn Nhâm (25 tuổi, nhân viên kỹ thuật)

Tôi đã quá quen với tiếng ồn và tai tôi cũng như có vẻ như đã thích nghi dần với tiếng karaoke giữa trưa, tiếng còi xe tải lúc đêm tối.Tiếng ồn đô thị dù muốn hay không thì cũng đành chịu bởi dường như đã là nét không thể xóa bỏ nổi của đời sống ở thành phố chúng ta… Tôi vẫn đang nuôi mộng mai này về quê tìm chốn thảnh thơi, yên tĩnh, nhưng có lẽ phải 30 năm nữa.

Vũ Thị Thúy Hằng (31 tuổi, nhân viên ngân hàng) 



Tôi sợ nhất là những nhà hàng ăn uống hát với nhau. Tiếng hát cây nhà lá vườn não nuột hay sôi động, giựt giựt nghe phát sợ. Và karaoke tại nhà, chẳng khác gì một hình thức tra tấn hợp pháp đối với những người hàng xóm xung quanh, nhất là khi có tiệc và rượu vào thì mọi người hát càng… sung, đôi khi thâu đêm suốt sáng mỗi cuối tuần khiến nhà nhà đầy bức xúc…

Khánh Liên (Võ Văn Tần, Q.3) 

Tiếng ồn đô thị ngày nay là một tai nạn của đời sống hiện đại. Thành phố càng lớn, càng đông đúc thì tiếng ồn cũng tỉ lệ thuận. Tại TP.HCM chẳng hạn, ngoài đường xe cộ ồn ã, nhấn còi tin tin suốt đêm ngày. Thành phố đông người, chật hẹp nên tiếng ồn vì thế dường như lớn hơn. Nhiều khi ngang qua các nhà hàng ăn uống hát với nhau có thể nghe nhiều âm thanh chát chúa vọng ra.

Việt Cường (Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) 

Khu nhà tôi ở là một khu chung cư, nhà nọ cách nhà kia chỉ một bức tường mỏng vì vậy tiếng ồn là không thể tránh khỏi. Tôi sợ nhất là mỗi khi nhà hàng xóm có đám ma và thế là trống kèn vài ba hôm ồn ã. Đêm đến tôi luôn xác định tư tưởng trước là sẽ mất ngủ. Đó là chưa kể tiếng người nói chuyện điện thoại đầu cầu thang oang oang, tiếng ti vi, tiếng nhạc xập xình thâu đêm.

M.Anh

Vũ Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.