Báo động kháng thuốc ở VN: Siết chặt quản lý kê toa, bán thuốc tùy tiện

22/11/2016 10:02 GMT+7

Để tránh bị vi khuẩn kháng thuốc chữa bệnh, ngoài việc khuyến cáo người bệnh không tự ý mua thuốc kháng sinh, nhiều ý kiến cho rằng quan trọng hơn là siết chặt việc nhà thuốc tùy tiện bán kháng sinh, bác sĩ kê toa không hợp lý, mất an toàn...


PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cho biết hiện khu vực châu Á có khoảng 5 triệu người có nguy cơ tử vong do kháng kháng sinh, trong đó VN là nước có tỷ lệ kháng thuốc gia tăng nhanh.
“Các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kháng thuốc là bác sĩ kê đơn; người sử dụng thuốc - người bệnh và người bán thuốc. Tại tuyến T.Ư, các BV trong tình trạng quá tải, các bác sĩ thiếu thời gian đánh giá tình trạng người bệnh trước khi kê toa, bác sĩ cũng chịu tác động của trình dược viên nên kê toa không hợp lý. Người bệnh thì tự mua thuốc, chữa bệnh; người bán thuốc thì không tuân thủ quy định”, ông Kính nói.

tin liên quan

Báo động kháng thuốc ở Việt Nam
Việt Nam được coi là vùng trũng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh. Việc kháng thuốc khiến bệnh thường kéo dài; ngay cả cảm cúm, viêm họng bây giờ kéo dài cả mấy tuần mới khỏi.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), sở y tế các địa phương cần kiểm tra, có các hình thức quản lý, xử lý nghiêm các nhà thuốc không tuân thủ quy định bán theo đơn. Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng quy định hiện hành chỉ xử phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc quy định phải có đơn, mà không có đơn bác sĩ. “Mức phạt này là quá nhẹ, không có ý nghĩa gì. Cần tăng nặng hình phạt”, bà Lan đề xuất.
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng cần duy trì bình toa thuốc trong BV hằng tháng để mổ xẻ những toa kê bất hợp lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong kê toa thuốc cũng là hình thức giám sát kê toa, thể hiện số lượng thuốc, loại thuốc được dùng, khi BV kiểm tra sẽ đánh giá được loại thuốc kê có phù hợp với tác nhân gây bệnh hay không.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong quy chế kê đơn mà Bộ ban hành có quy định về việc thực hiện bình đơn thuốc, bình bệnh án trong các BV nhằm rút kinh nghiệm về chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị. Khi phát hiện bác sĩ kê đơn chưa hợp lý sẽ nhắc nhở rút kinh nghiệm chuyên môn chứ Bộ không quy định về xử phạt với các tình huống trên.
“Tuy nhiên, mỗi BV có quy chế nội bộ riêng, như: hạ bậc khi bình bầu danh hiệu, thi đua, xét thưởng đối với các bác sĩ không hoàn thành công việc chuyên môn do bị phát hiện kê đơn không hợp lý, chưa đúng với bệnh. Cũng có BV quy định nếu kê đơn thuốc bất hợp lý, bị bảo hiểm xã hội xuất toán khi thanh toán khám chữa bệnh thì bác sĩ kê đơn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khoản xuất toán đó. Hiện tại, nhiều BV áp dụng kê đơn điện tử, bệnh án điện tử giúp công khai, phát hiện kịp thời những bất hợp lý, chưa chuẩn xác khi kê đơn để chấn chỉnh kịp thời”, ông Khoa nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo BV Q.Thủ Đức TP.HCM cho biết để kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh, hạn chế tối đa việc kháng thuốc, BV đã thành lập ban kiểm soát kháng sinh gồm: ban giám đốc, phòng kế hoạch tổng hợp, khoa vi sinh, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dược, khối nội khoa, khối ngoại khoa. Cho toàn bộ nhân viên BV ký cam kết thực hiện đúng chỉ định kháng sinh.
Tương tự, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng cho biết 3 năm qua, BV đã chủ động triển khai chương trình giám sát sử dụng kháng sinh…
Phẫu thuật không kháng sinh
Theo các bác sĩ, khoảng trên 90% ca phẫu thuật bệnh nhân được cho dùng kháng sinh trước và sau phẫu thuật để dự phòng nhiễm trùng vết mổ. Việc chỉ định thuốc kháng sinh cho người bệnh trong trường hợp này nếu không hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ cao kháng thuốc. Chính vì vậy, “Phẫu thuật không kháng sinh” đã được áp dụng tại Đơn vị phẫu thuật tim mạch C8, BV Bạch Mai (Hà Nội). Theo đó, thay vì phải dùng kháng sinh đánh “bao vây” nhiều ngày, chi phí đắt thì bệnh nhân được cho dùng kháng sinh với liều rất thấp trước phẫu thuật để phòng vi khuẩn tại vết mổ. Việc này giúp giảm chi phí điều trị, tăng an toàn cho người bệnh, giảm thời gian nằm viện. Theo TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị C8, để làm được điều đó, đòi hỏi đơn vị điều trị, BV phải thực hiện rất nghiêm ngặt về điều kiện vô trùng; có hệ thống lọc không khí và thường xuyên làm các kiểm tra về điều kiện vô khuẩn không khí của phòng mổ; hậu phẫu. Nhân viên y tế, phẫu thuật viên phải tuân thủ khắt khe về chống nhiễm khuẩn. Chống nhiễm khuẩn tốt sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Nếu chống nhiễm khuẩn không tốt, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng BV, khi đó, chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.