Bánh thuẫn xứ Cù Lao Chàm hối hả 'chạy đua' với giao thừa Kỷ Hợi

Huy Đạt
Huy Đạt
04/02/2019 14:02 GMT+7

Hơn 10 năm qua, khi thời khắc giao thừa chỉ còn đếm ngược bằng giờ thì những người phụ nữ làm nghề đổ bánh thuẫn trên đảo Cù Lao Chàm vẫn tất bật nổi lửa xuyên thời khắc giao thừa để kịp giao bánh.

Cùng với bánh tét, dưa món, chả giò… bánh thuẫn là món tết không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, mâm bánh kẹo đãi khách trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Nguyên liệu chính của món bánh thuẫn này rất đơn giản với bột, trứng và những chiếc khuôn bánh. Người làm bánh khéo léo đổ bột đã pha vào khuôn, cho vào nồi nướng bằng than củi theo cách thủ công truyền thống.

Có mặt tại Bãi Làng (Cù Lao Chàm) ngày 3.2 (ngày 29 Tết), điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi ngay khi bước lên cầu cảng, đó là một Cù Lao Chàm nhộn nhịp, ngập tràn sắc hoa, hương vị Tết đã len lỏi khắp mọi ngỏ ngách trên đảo.

Những ngày lễ tết, từ TP.Hội An trở về Cù Lao Chàm, Thảo lại tất bật lao vào đổ bánh thuẫn phụ giúp ba mẹ ẢNH: HUY ĐẠT
Bột được người thợ làm bánh khéo léo đổ vào khuôn với mức vừa đủ ẢNH: HUY ĐẠT

Đến với lò bánh thuẫn của chị Hà Thị Thương (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp), cảm nhận được mùi thơm từ bột, mùi trứng gà, thoang thoảng khắp từ đầu đến cuối con hẻm nhỏ dẫn vào nhà. Vội lấy những chiếc bánh thuẫn nóng hổi nằm trong khuôn ra, chị Thương cho biết từ hôm 20 tháng Chạp đến nay, gia đình chị phải nổi lửa trắng đêm để nướng bánh để kịp giao hàng. Đơn hàng kéo dài đến mùng 2 Tết Nguyên đán.

“Bình thường gia đình tôi làm bánh với số lượng 5 kg trứng, 5 kg bột và 5 kg đường để pha thành bột bánh thuẫn. Từ hôm 20 tháng Chạp đến nay, số lượng tăng gấp đôi, có ngày gấp ba. Cả nhà phải thức trắng đêm để đổ bánh cho kịp. Ngày thường thì có bán lẻ, nhưng ngày Tết thì phải làm theo người ta đặt, đa số họ mang vào đất liền làm quà”, chị Thương nói.

Chị cho biết thêm, những năm gần đây người dân xứ đảo Cù Lao Chàm đi khắp nơi mưu sinh, làm ăn và học tập nên cứ độ Tết đến thì điện thoại về đặt bánh thuẫn. Nhiều người đặt để đầu năm mang theo, rời khỏi đảo làm quà khắp mọi miền.

"Đã đồng ý nhận đổ bánh cho người ta làm quà, đầu năm không thể thất hứa, lỡ hẹn nên phải cố làm cho kịp giao. Cũng có nhiều hướng dẫn viên đặt mua để làm quà gửi đi Hàn Quốc, Nhật Bản", chị Thương nói.

Kẻ rãnh trong khuôn để bột có thể nở bung đều khi được nướng trên bếp ẢNH: HUY ĐẠT
Bột có màu vàng đặc trưng của trứng và đường HUY ĐẠT

Theo Chị Thương, người có hơn 10 năm làm bánh thuẫn cho biết làm bánh thuẫn rất đơn giản nhưng để cho ra những chiếc bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa ngày tết thì không phải dễ chút nào.

Công đoạn đầu tiên được cho là khó nhất là lúc pha bột, đánh bột. Bột dùng để đúc bánh là bột năng, bột huỳnh tinh được pha với nhau theo một tỷ lệ hợp lý. Trứng để làm bánh là trứng gà, trứng vịt hoặc có thể trộn cả 2 theo ý thích của người mua. Trứng cho vào với đường và đánh tan sau đó đánh chung với bột.

Bánh thuẫn được nướng đều cả 2 mặt ẢNH: HUY ĐẠT
Việc làm bánh tuy đơn giản, nhưng khâu trộn bột và canh lửa là công việc không hề dễ HUY ĐẠT

Cứ đến dịp lễ tết, được nghỉ học em Huỳnh Hà Phương Thảo (16 tuổi, con gái chị Thương, hiện đang học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Trãi) lại vượt sóng trên những chuyến tàu để về với gia đình. Bởi lẽ, ngoài xã đảo Tân Hiệp không có trường THPT, học sinh từ lớp 10 phải vào đất liền theo học. Thảo cho biết, cũng không nhớ từ khi nào, lúc còn nhỏ Thảo đã phụ giúp ba mẹ làm bánh.

“Công việc của em là canh than cháy đều cả bên dưới và bên trên nồi. Khi bánh bắt đầu tỏa mùi thơm phức, thì lấy bánh ra khỏi nồi. Những ngày này công việc nhiều kể không hết, cả nhà ngồi làm bánh mà sốt ruột lắm. Gần giao thừa rồi…”, Thảo cười nói.

Bánh thuẫn ngon phải bung như cánh hoa mai và có màu vàng ươm trên bề mặt, bánh có màu vàng đều và không bị cháy xém.

Khuôn bánh được nướng 2 mặt bằng than củi  HUY ĐẠT
Khuôn bánh thuẫn ở đảo Cù Lao Chàm, có phần khác với chiếc khuôn đồng với những ô nhỏ mang hình dáng khác nhau ở đất liền ẢNH: HUY ĐAT
Những ngày Tết đã cận kề, đi bất cứ con đường nào ở xã đảo, cũng sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn, được thưởng thức vị ngon của bánh đặc trưng của xứ Quảng ẢNH: HUY ĐẠT
 
Chị Thương cho biết, hơn 10 năm nay cứ đến dịp Tết Nguyên đán là gia đình lại tất bật công việc đổ bánh thuẫn. "Năm nay tôi quyết định không bán lẻ nữa, người xung quanh đảo đến mua lẻ, mình bán rồi lại thiếu hàng giao cho khách ở xa. Rứa rồi lại đổ bánh qua tới năm mới cũng không kịp", chị Thương tâm sự. ẢNH: HUY ĐẠT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.