Bán tài sản để chế tạo máy phân loại rác

12/11/2015 09:20 GMT+7

Để nghiên cứu, chế tạo thành công máy tự động phân loại rác thải, kỹ sư Lại Minh Chức 60 tuổi (quê xã Thanh Bình, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã bòn vét mọi tài sản của gia đình đem bán, cầm cố, lấy tiền đầu tư.

Để nghiên cứu, chế tạo thành công máy tự động phân loại rác thải, kỹ sư Lại Minh Chức 60 tuổi (quê xã Thanh Bình, H.Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã bòn vét mọi tài sản của gia đình đem bán, cầm cố, lấy tiền đầu tư.

Kỹ sư Lại Minh Chức bên máy phân loại rác tự động do ông chế tạo - Ảnh nhân vật cung cấpKỹ sư Lại Minh Chức bên máy phân loại rác tự động do ông chế tạo - Ảnh nhân vật cung cấp
Nghỉ việc về quê nghiên cứu
Ông Lại Minh Chức vốn được đào tạo về kỹ thuật xe máy công binh từ trong quân đội, khi ông 17 tuổi. Sau đó ông đã học và tốt nghiệp 2 trường ĐH: ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kinh tế Quốc dân. Trải qua nhiều công việc với nhiều chức danh, nhưng niềm đam mê lớn nhất của ông vẫn là nghiên cứu khoa học. Khi đang làm nghiên cứu viên khoa học tại Trung tâm khoa học Hải Phòng, ông được mời làm chuyên gia công nghệ tại Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây của Công ty CP môi trường xanh Seraphin. Từ đây ý tưởng về việc chế tạo máy phân loại rác tự động của ông bắt đầu hình thành. Ông chia sẻ: “Năm 2007, tôi nhận thấy việc để công nhân phân loại rác bằng tay rất nguy hiểm vì khí thải độc hại và biến công nhân thành trung gian mang dịch bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng. Điều đó, luôn ám ảnh và thúc giục tôi bắt tay vào việc nghiên cứu để tự động hóa khâu phân loại rác thải. Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, tôi đã tự đề xuất nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công những thiết bị của dây chuyền tự động phân loại rác thải đầu tiên”.
Sau đó, ông đến làm việc tại Viện Kiến trúc nhiệt đới - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Ông đã dành 1 năm để thiết kế tổ hợp máy tự động phân loại rác thải thế hệ thứ 2. Ý tưởng thiết kế đã hoàn thành, thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học đã viết xong, nhưng ông không thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bởi có một số người cho rằng “ý tưởng phân loại tự động rác thải chỉ là hoang tưởng vì rác thải sinh hoạt của VN rất hỗn tạp”. Tin tưởng vào khả năng của mình, ông quyết định chuyển hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ông đã từ chối nhận chức Giám đốc Trung tâm Vi khí hậu Kiến trúc và Môi trường, để xin nghỉ tự túc và thành lập Trung Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Môi trường Xây dựng (trực thuộc Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam). Tháng 11.2009, thấy ở quê có nhà máy xử lý rác, thuận tiện cho nghiên cứu, thử nghiệm. Đồng thời có sự ủng hộ, khuyến khích, giúp đỡ của UBND tỉnh Hà Nam và công ty môi trường tỉnh, ông đã về quê “ở ẩn” để thực hiện giấc mơ chế tạo tổ hợp máy tự động phân loại rác thải.
Bán đất, "cầm" sổ đỏ để có “bằng sáng chế”
Ba năm (từ 2009 đến 2011) nghiên cứu thiết kế, chế tạo, nâng cấp và thử nghiệm, ông đã tiêu tốn hơn 3 tỉ đồng. Để có tiền, ông phải bán mảnh đất thừa kế ở quê nhà, thế chấp ngôi nhà mẹ của ông đang ở và vay mượn tiền của anh em. Mẹ già lúc đó 87 tuổi, đã 2 lần mang sổ đỏ của bà đi thế chấp vay vốn ngân hàng cho con trai nghiên cứu khoa học. Vợ chồng cô giáo Lại Thu Mai (55 tuổi) em gái út của ông, tự nguyện bán đi 2 mảnh đất trị giá trên 1 tỉ đồng của mình, để anh trai có tiền hoàn thiện đến cùng công nghệ xử lý rác mới. Bà Mai chia sẻ: “Số tiền đầu tư rất lớn, nhưng gia đình tôi đã bán hết những gì có thể để phục vụ cho việc nghiên cứu của anh. Chị gái cả của tôi có 100 triệu đồng tiền tiết kiệm cũng rút ra đầu tư cho em…”. Nhờ có vốn đầu tư, ông đã chế tạo thành công máy phân loại rác thế hệ thứ 3.
Trước những thành công này, năm 2012, Bộ Công thương, Bộ KH-CN đã kịp thời hỗ trợ Trung tâm khoa học của ông Chức 2,5 tỉ đồng, để ông có thêm kinh phí chế tạo tổ hơp máy tự động phân loại rác thải thế hệ thứ 4.
Sau hơn 6 năm kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm hiệu chỉnh và nâng cấp trong thực tiễn, đến nay tổ hợp tự động máy phân loại rác “made in Việt Nam” đã trình làng với những tính năng đặc biệt, cho phép thay thế hoàn toàn người lao động khỏi môi trường độc hại. Công nghệ thân thiện với môi trường, đã cho ra những kết quả tích cực, tiết kiệm đến 60 - 70% chi phí chế tạo và vận hành so với các công nghệ hiện có…
Đánh giá về công trình khoa học này, GS.TS KH Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN nói: "Hiện nay, ở VN, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chỉ được tiến hành một cách thủ công. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kỹ sư Lại Minh Chức đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tự động, phù hợp với công nghệ xử lý rác hiện đang áp dụng. Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng, cũng như lòng say mê nhiệt tình nghiên cứu của kỹ sư Chức”.
Tổ hợp máy tự động phân loại rác của ông Chức đã được Bộ KH-CN cấp 2 bằng sáng chế độc quyền năm 2012 và 2013; được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tặng bằng khen và hướng dẫn định giá công nghệ phân loại rác thải tự động trị giá 12.24 triệu USD. Đồng thời, ông cũng được trao tặng rất nhiều bằng khen, giải thưởng về khoa học, công nghệ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Mới đây, ngày 29.9.2015 gia đình Bà Đỗ Thi Nho (mẹ của ông Chức – Nhà đầu tư chính để tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học này) đã vinh dự nhận bằng khen và cúp vàng giải thưởng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2011- 2015 của Bộ TN-MT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.