Bạn đọc báo Thanh Niên cứu trợ lũ lụt miền Trung: Ấm áp tình nghĩa đồng bào

19/10/2016 08:16 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự xúc động, hướng về đồng bào miền Trung đang gặp thiên tai hoạn nạn sau khi đọc các bài viết Lũ vừa qua bão sắp đến và Chia sẻ cùng miền Trung đăng trên Thanh Niên ngày 18.10.

Dự báo lũ cần kịp thời
Người dân một số tỉnh miền Trung phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ lũ là do không nắm được thông tin kịp thời về diễn tiến thời tiết cũng như tình trạng xả lũ. Tôi mong sao công tác dự báo thời tiết của VN ta có thể dự báo được từng khu vực nhỏ, không chỉ các cơn bão, nắng mưa mà còn dự báo được lượng mưa từng vùng trong từng ngày.
Bên cạnh đó, với những vùng hay có lũ, đơn vị dự báo cần kết hợp với tổng đài điện thoại để nhắn tin dự báo mưa, lượng mưa, tình hình lũ… đến với từng thuê bao điện thoại di động của người dân (sau khi dân đăng ký). Việc thông báo qua điện thoại cũng cần được thực hiện khi có xả lũ từ thủy điện. Được như vậy thì người dân mới kịp thời ứng phó với lũ, bão, xả lũ từ thủy điện, hạn chế thấp nhất tổn thất.
Nguyễn Văn Phương
(P.3, Q.6, TP.HCM)
Chú ý đến vùng bị cô lập
Theo tôi, các tỉnh bị lũ vừa qua và các địa phương sắp đón một lượng mưa lớn khi bão vào đất liền, cần phải chú ý đến các vùng bị lũ chia cắt, cô lập. Ở miền Trung địa hình khá phức tạp, nên khi có lũ lụt thường có những khu vực gặp khó khăn, cách trở và đói khát. Những nguồn tài trợ cần phải ưu tiên cho đồng bào ở những nơi này để không diễn ra tình trạng các đoàn cứu trợ chỉ đến nơi đường sá đi lại thuận lợi. Muốn làm được điều này, có thể huy động lực lượng quân đội để cứu trợ kịp thời cho bà con.
Xuân Ân
(H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Xin hãy chia sẻ
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống rất hay của dân tộc ta. Trước tình trạng khốn khó của đồng bào miền Trung hiện nay, thiết nghĩ mỗi chúng ta cần nhanh chóng, kịp thời chia sẻ bằng vật chất và tinh thần. Đồng thời ở tầm quốc gia, tôi mong rằng phải có một động thái kiên quyết với các nhà máy thủy điện, đảm bảo quy trình xả lũ. Không để người dân lâm vào tình trạng trở tay không kịp. Ai xả lũ mà không có kế hoạch, thông báo trước thì phải bị xử lý hình sự. Vì thực tế cho thấy, xả lũ vô trách nhiệm đã cướp đi biết bao sinh mạng, thiệt hại biết bao tài sản của người dân trên diện rộng…
Phan Vinh
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Võ Kim Yến
Lũ lớn vừa dứt, người dân miền Trung lại sắp đối diện với cơn bão mạnh sắp tiến vào đất liền. Bà con đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Mong sao công tác cứu hộ cứu nạn ở trung ương và địa phương có bão sắp vào hoạt động tốt nhất; việc cảnh báo, tuyên truyền đến người dân, nhất là người dân ở vùng lũ đang bị mất điện được nhanh chóng, kịp thời. Nếu không chuẩn bị tốt, khi bão ập vào những vùng vừa qua đợt lũ thì người dân sẽ dễ mất sạch tài sản, thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe, tính mạng con người.
Võ Kim Yến
 (
TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Nguyễn Thị Mai Ly
Hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp, giúp đỡ đồng bào vùng lũ miền Trung. Đây là truyền thống tốt đẹp của người dân VN ta.
Tấm lòng đó thật đáng quý. Tuy nhiên, trong công tác cứu trợ, tặng quà cũng cần phải có sự bố trí, điều phối của địa phương cho tốt nhằm tránh trường hợp có địa phương thì dân nhận được nhiều sự hỗ trợ (do đi lại thuận lợi, được báo chí đưa tin nhiều), có nơi dù khó khăn, thiệt hại nặng nhưng ít được các mạnh thường quân, các đoàn cứu trợ đến.
Nguyễn Thị Mai Ly 
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.