Bác sĩ Hùng Ngô chia sẻ về những 'người nuôi ong' trong tâm dịch Hải Dương

Thu Hằng
Thu Hằng
27/02/2021 15:54 GMT+7

Một ngày của “những người nuôi ong” - bác sĩ hỗ trợ các bệnh nhân nặng trong tâm dịch Hải Dương , bắt đầu từ 6 giờ 30 và kết thúc lúc 18 giờ. Những hôm có ca bệnh nặng, họ cần mẫn làm việc xuyên đêm.

 

Làm việc không ngày nghỉ

Khác với những năm trước, Ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay thật đặc biệt với bác sĩ (BS) Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) - người được cộng đồng mạng biết đến với nick name Facebook là BS Hùng Ngô. 6 giờ 30 phút, anh bắt đầu vào ca trực, đến các giường bệnh thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện (BV) dã chiến Hải Dương.
BS Hùng chia sẻ: “Các bệnh nhân ở đây hợp tác rất tốt và rất tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế. Có những cháu nhỏ còn bú sữa mẹ cũng bị tổn thương phổi. Các bệnh nhân nhỏ tuổi đang được các cô chú nhân viên theo dõi diễn biến bệnh vẫn tham gia học online. Bệnh cảnh của các bệnh nhân không nặng nhưng rất đa dạng khiến các nhân viên khá áp lực và mệt. Đồng nghiệp của tôi hầu hết đều đi khỏi nhà từ trước tết. Họ cần mẫn làm việc suốt từ những ngày đầu có dịch cho đến tận giờ, không có ngày nào nghỉ ngơi”.
 

Những y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ được BS Hùng gọi là "người nuôi ong"

Ảnh NVCC

Tại BV dã chiến, mỗi ngày các y, bác sĩ phải làm việc gần 12 tiếng, bắt đầu từ 6 giờ 30 và kết thúc lúc 18 giờ. Những ngày có bệnh nhân diễn biến xấu, họ ở lại đến khuya. Có khi nửa đêm nhận được cuộc gọi vào khu dã chiến để giải quyết công việc cũng như bổ sung thuốc cho bệnh nhân. BS Hùng chia sẻ: “Áp lực lớn nhất là hàng ngày tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm khá cao. Chỉ sợ chẳng may mình nhiễm rồi lây sang cho người khác thì áy náy lắm”.
Mặc dù công việc vất vả, nhiều áp lực, nhưng các y, bác sĩ vẫn lạc quan, tếu táo ví mình là những “người nuôi ong” trong tâm dịch. BS Hùng bộc bạch: “Bộ đồ bảo hộ tiêu chuẩn màu trắng toát kín mít từ đầu đến chân làm tôi nhớ đến tổ chức SWORD tưởng tượng trong bộ truyện tranh siêu anh hùng của Mavel. Các nhân vật mặc quần áo bảo hộ trong đó được gọi là “người nuôi ong”. Mỗi bộ quần áo tiêu chuẩn như vậy rất đắt tiền và chỉ dùng 1 lần rồi bỏ, vậy nên cần phải hết sức tiết kiệm. Mặc rất bí hơi và nóng, mấy ngày nay, trời nắng các đồng nghiệp nuôi ong ra mồ hôi ướt sũng cả áo”.
Và điều điều đáng sợ nhất với họ không phải là dịch bệnh, không phải là kỳ thị mà là đôi khi rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”.
BS Hùng, tâm sự: “Khi bước chân vào khu bệnh nhân dương tính, điều khiến mỗi “người nuôi ong” sợ hãi không phải việc tiếp xúc gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bởi nếu sợ thì họ đã không vào. Họ cũng không sợ bị kỳ thị, vì đã quen cảnh đi về hàng xóm nhìn thấy liền tự động bịt mũi tránh xa. Sự tra tấn khủng khiếp nhất, tàn tệ nhất trong bộ đồ nuôi ong kín mít cùng cái khẩu trang N95, đó là khi anh bị... ngứa mũi. Cái khẩu trang dầy cộp chỉ cho không khí lọt vào từ từ, không khịt mũi cho đỡ ngứa được, càng không thể thò tay lên mà gãi hay làm cho hết ngứa”.
Một điều may mắn rất lớn với họ là có hậu phương vững chắc luôn sẵn sàng hỗ trợ công việc bất cứ lúc nào. Đội hậu cần lo lắng cho từng bữa ăn và phương tiện sinh hoạt. Chưa kể các nhân viên y tế địa phương, các sinh viên tình nguyện tham gia tại bệnh viện dã chiến rất nhiệt tình và phối hợp chặt chẽ với đoàn chuyên gia để điều chỉnh và theo dõi bệnh nhân Covid-19. 

Đừng chia sẻ những thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội kiến nhiều người hoang mang 

Ngay từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi dịch Covid-19 bùng phát, các y, bác sĩ BV Bạch Mai chia nhau đi hỗ trợ các tỉnh có dịch, trong đó Hải Dương là địa phương có diễn biến phức tạp nhất. “Anh em tại Khoa Cấp cứu A9 luôn luôn sẵn sàng lên đường bất kể lúc nào. Khi bệnh nhân tại BV dã chiến số 2 có biểu hiện nặng lên, Ban giám đốc đã phân công tôi xuống hỗ trợ đội hồi sức làm việc. Không như những đợt trước, sự hiểu biết về “con Covid" đến nay đã rõ ràng một phần, phác đồ điều trị cũng tốt hơn. Kèm theo kinh nghiệm đúc kết từ 2 làn sóng trước nên chúng tôi cũng tự tin hơn trong việc theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19”, BS Hùng nói.

2 ngày một lần, các y, bác sĩ trong tâm dịch phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Ảnh NVCC

Khi được lệnh đi là xách vali lên đường, chưa rõ ngày về, BS Hùng và các đồng nghiệp đều hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt để họ lại được về với gia đình.
“Lúc ra khỏi nhà, gia đình cũng chỉ nghĩ rằng tôi đi công tác đâu đó như những lần trước, bởi tôi không muốn mọi người phải lo lắng cho mình. Đối với tôi, việc đi chống dịch vừa là sứ mệnh vừa là nhiệm vụ cũng như công việc của một người bác sĩ. Tôi vui vì tôi làm tốt công việc của mình. Bệnh nhân nặng nhất BV dã chiến đã bỏ máy thở và rút ống nội khí quản thành công. Buổi chiều về cởi bộ đồ nuôi ong, ngồi một mình chờ xe đến đón, bên kia bức tường nhà ai chó kêu, lợn kêu quả thật tôi bắt đầu thấy nhớ nhà”, anh tâm sự.
Theo BS Hùng, nước Mỹ vừa treo cờ rủ tưởng nhớ 500.000 nạn nhân của Covid-19, con số lớn hơn nhiều lần nạn nhân của một cuộc chiến tranh. Mỗi ngày anh cóp nhặt những mẩu chuyện ghi lại nhật ký trong tâm dịch chia sẻ trên mạng xã hội cũng là cách để lan toản năng lượng tích cực đến mọi người.
“Với tôi, mỗi sinh mạng đều là đáng quý. Vậy nên, tôi luôn luôn mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Một mình ngành y không làm được điều đó mà cần sự chung tay của tất cả mọi người. Hãy tuân thủ thực hiện đúng các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, đừng lên mạng xã hội chia sẻ những thông tin Covid-19 không có kiểm chứng khiến mọi người hoang mang. Chỉ cần làm tốt điều đó, tôi tin chúng ta sẽ chiến thắng”, bác sĩ Hùng nhắn nhủ.
Nhân ngày 27.7, dù vẫn đang ở tuyến đầu chống dịch, làm việc không có ngày nghỉ nhưng BS Ngô Đức Hùng vẫn dành lời cảm ơn tới các đồng nghiệp đang trực chiến ở cơ quan "cũ".
“Khi chia nhau đi chống dịch, các đồng nghiệp ở nhà cũng phải gánh thêm phần việc của mình, lịch trực dày lên trong khi số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị không đổi. Những hy sinh thầm lặng ấy khiến tôi rất muốn cám ơn họ, những đồng nghiệp của mình”, BS Hùng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.