>> HOÀI NHÂN

Đêm ấy, anh chỉ là bác sĩ trực. Anh không phụ trách điều trị chính ca bệnh này trước đó.

4 giờ chiều nhận ca, đứa trẻ đã có những dấu hiệu nặng dần. Anh vẫn theo dõi sát sao.

1 giờ sáng, thân hình bé nhỏ tím tái, từng hơi thở gấp gáp, nặng nhọc. Anh tiêm thuốc, đặt nội khí quản, nhưng tình hình càng lúc càng xấu đi.

2 giờ. 3 giờ. Chiếc đồng trên vách nhọc nhằn đếm từng mớ cảm xúc kinh khủng của cha mẹ cô bé. Có một thứ trực giác kỳ lạ giữa những người thân chung máu mủ với nhau, làm cha cô bé liên tục gọi anh. Ông cảm nhận được con mình không ổn. Còn anh, anh tin vào chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Anh nói vài lời trấn an ông.

4 giờ. Hơi thở im bặt. Anh lao vào tiêm thuốc, một sự im lặng đáng sợ. Anh gom góp tất cả bình tĩnh còn lại, gắng sức nhồi tim, hô hấp nhân tạo. Vẫn là một sự lặng im. Anh không nhớ mình đã làm gì thêm nữa. Chỉ nhớ đến khi có một bác sĩ khác nhắc anh, đã hơn 1 tiếng đồng hồ kể từ khi tim cô bé ngưng đập, anh mới buông thõng hai tay.

Anh bước ra báo tử cho gia đình… Trong bàng hoàng, anh vẫn biết mình sắp phải đối diện với sự phẫn uất của cha mẹ, thậm chí hóa thành những cú đánh thẳng vào người. Anh định sẽ đứng đó, lặng im, trả giá. Nhưng không, mẹ cô bé khóc. Còn người đàn ông kia, đột nhiên lùi lại, trân người nhìn thẳng vào mắt anh. Ánh mắt đó không cam tâm. Ánh mắt đó đầy nỗi buồn. Ánh mắt đó, ám ảnh anh cho đến cuối đời.

Anh đã chẩn đoán sai. Một bệnh nhi mắc hội chứng thận hư, thể phức tạp nên suy thận mạn. Cô bé nhập viện đã lâu, nhưng trúng đêm đó trở nặng. Anh thấy cô bé ho, thở mệt, anh cho rằng đó là viêm phổi, chỉ cần điều trị kháng sinh, thở ô-xi. Nếu anh biết chính xác đó là phù phổi để thay đổi một phác đồ điều trị khác, mọi thứ có thể sẽ tốt hơn.

Tốt hơn ở đây, chỉ là không để cô bé ra đi vào hôm đó. Có khả năng sự sống sẽ kéo dài thêm một vài ngày (bởi với bệnh án ấy, trong cơ thể một sinh linh mười mấy tháng tuổi, gần như không khả quan).

Nhưng anh ân hận, bởi với bất kỳ sinh thể nào, một năm hay chỉ một vài ngày, đó vẫn là sự sống.

7 giờ sáng, anh ra về. Một màu đen bao trùm lên tất cả mọi thứ đang hiện diện trước mắt anh. Anh khóc trên một đoạn đường chưa được bao xa. Anh nhớ đến lời thề Hippocrates. Anh nhớ ánh mắt bất nhẫn của người cha. Anh nhớ cô bé nhỏ xíu tím tái, mê man. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy mình thất bại, một cách thảm hại.

Ba mẹ anh đã từng ước mơ làm bác sĩ, và không thành. Tất cả những kỳ vọng đổ dồn vào anh – con trai cả của gia đình. Anh đã từng thích Văn trong những năm cấp ba, nhưng đồng thời những môn tự nhiên cũng chẳng làm khó được một học sinh top đầu của trường như anh. Anh cũng cực mê con nít, và dĩ nhiên, công việc của một bác sĩ nhi sẽ là điều tuyệt vời. Anh đi qua thử thách của trường Y, tốt nghiệp thì vào Nội Trú – nơi của những bác sĩ giỏi nhất.

Tất cả êm đềm, thuận lợi. Nhưng cuối cùng thì sao? Anh đã chẩn đoán sai, đẩy một bệnh nhi bé nhỏ của mình vào cửa tử.

Cha mẹ đứa trẻ, nhất thời đã không chấp nhận được ngay tại thời điểm ấy, họ kiện. Anh đã viết một lá thư nhận lỗi với họ. Anh đã cúi đầu xin lỗi trước khoa. Họ bình tâm lại, tự hiểu rằng sức khỏe của con họ đã đến hồi không thể cầm cự. Câu chuyện đã thuộc về trách nhiệm của bệnh viện, nó vượt ngoài trách nhiệm của anh. Họ tha thứ. Còn anh, vẫn không thể nào tha thứ cho mình. Rất lâu sau đó.

Rất lâu sau đó, anh thường tự nhốt mình trong bốn bức tường, cúi đầu trong sóng gió. Anh rối bời, bỗng thấy cái nghề y đầy khắc nghiệt. Những cảm xúc lật nhanh như chớp. Cứu được một bệnh nhân, anh thấy vui như người ta nói, “hơn xây bảy cảnh chùa”. Nhưng một sai lầm, đưa anh xuống mấy tầng địa ngục. Anh quyết định bỏ học, bỏ nghề. Anh nhận ra mình chưa hề giỏi giang như mình nghĩ. Nếu tiếp tục, anh cũng chẳng còn dũng khí, chẳng còn tỉnh táo. Chẳng còn gì!

Cho đến lúc anh gục đầu để nước mắt chảy xuôi, trước mặt một người thầy đáng kính của mình trong nghề, anh mới nghe rằng: “Con buồn vì nhìn vào lỗi sai. Nhưng con có biết, tự nhìn vào lỗi sai, tức là con vẫn còn can đảm. Không mấy ai đủ dũng khí để làm việc đó, nên con thấy đó, thường sẽ là sự thoái thác, đổ lỗi. Con sẽ trưởng thành hơn sau sai lầm này. Sự trưởng thành đó là liều thuốc tốt nhất để cứu lấy biết bao nhiêu bệnh nhân đang chờ con sau này. Đứng dậy và bước tiếp, ngay từ giờ”.

Và anh đứng dậy, nhưng không phải ngay từ lúc đó. Anh dần dần đứng dậy, từ tâm niệm phải làm những điều tốt đẹp hơn nữa, hơn nữa, mỗi ngày.

Tôi tình cờ biết được câu chuyện về anh qua một bài viết của người khác chấp bút. Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện, cố thuyết phục gặp anh. Anh từ chối, mãi rất lâu sau đó mới nhận lời.

Nhưng đáng ra, tự tôi đã không đủ thuyết phục tôi để viết những dòng này từ lời kể của anh, cho đến lúc tôi tận mắt thấy cái cách anh vỗ về, chăm lo những bệnh nhi mà anh vẫn luôn gọi là “con”.

Tôi tìm hỏi nhiều bà mẹ, họ đều nói về một bác sĩ T. “cực kỳ có tâm” mỗi lần con họ bị bệnh. Tôi tìm xem lại nhiều chương trình truyền hình, tọa đàm, trò chuyện về sức khỏe mà anh tham gia, nhiều không kể hết. Hàng loạt những bài viết, những vlog dạy cách chữa bệnh dí dỏm, hiệu quả được các cha mẹ truyền tai nhau. Anh là một bác sĩ tài năng và đa năng, nếu không muốn nói là “nổi tiếng”.

Tôi nhìn rất kỹ vào đôi mắt anh trong những chương trình, ngẫm rất lâu về những gì anh nói, anh viết. Tôi tin mình đã thấy trong chiếc áo blouse trắng những tâm huyết, những nhiệt thành, không phải lỗi lầm.

“Vui nhất, nhớ nhất là khi mình cứu được một đứa bé 9 tháng tuổi bị tim, qua cơn thập tử nhất sinh. Giờ con đã 5 tuổi rồi, trời ơi dễ thương! Mình dặn con ăn cơm giỏi, thế là ngày nào em cũng bắt mẹ quay clip ăn cơm để gửi mình coi, miệng tíu tíu gọi bác T., bác T. suốt. Con vẫn phải đi phẫu thuật nong động mạch mỗi năm, nhưng bao giờ cũng cười tíu tít. Những thiên thần nhỏ đã dạy mình nhiều điều, bằng những nụ cười, bằng sự hồn nhiên, dù có khi đã cận kề cái chết”, anh nói với tôi lúc nghỉ tay trong phòng khám.

Vừa kể, anh vừa nhanh nhảu đưa tôi xem đoạn clip đứa bé suy tim ấy. Nhưng khá khó tìm, khi chiếc điện thoại của anh lưu đầy những gương mặt bé nhỏ. Đứa hát trong lúc bệnh ho sù sụ. Đứa đọc thơ trước khi đi ngủ. Đứa làm trò để “con gửi tặng bác T.”. Vậy là anh lại lần lượt kể về từng đứa, một cách đầy hồ hởi và phấn khởi.

Bất giác, tôi hỏi: “Còn đứa bé kia?”. Tôi nghĩ anh sẽ không hiểu, nhưng không, anh ngước mặt xa xăm, rồi hạ giọng: “Đó là một cô bé rất nhỏ nhắn, tay chân chằng chịt sẹo vì chạy thận. Em mặc nguyên bộ đồ trắng ngả kem, tay dài, tối hôm đó”. Hóa ra, ký ức vẫn còn vẹn nguyên, ngay cả lúc anh đang vui vẻ nhất.

Tôi lại hỏi: “Liệu anh có nghĩ một ngày, sẽ có một cuộc gặp với cha mẹ cô bé?”.

Anh im lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi: “Giờ có thể tra hồ sơ mười mấy năm trước, để có thông tin liên lạc. Nhưng… mình chưa dám đối mặt lại lần nữa. Không phải vì sợ, mà vì không biết qua chừng ấy thời gian, họ đã thực sự, thực sự nguôi ngoai chưa. Dù chưa hay đã rồi, thì việc bắt họ thêm một lần khơi lại chuyện cũ, đều chẳng nên…”.

“Thế anh đã thực sự nguôi ngoai chưa?”, tôi hỏi.

“Cái chết đầu tiên” của bệnh nhân giống như một thứ ung thư quái gở trên người mình, sẽ không bao giờ khỏi. Mình vẫn đang phải vượt qua nó, bằng cách làm những điều tốt đẹp hơn, cho mọi người, cho những bệnh nhân tiếp theo. Có một thứ chẳng bao giờ cho phép mình sai sót nữa, là ánh mắt người cha đêm đó. Kể từ đêm đó, ánh mắt đã luôn đợi nhìn mình ở một góc nào đó của lương tâm”, anh nói.

Cũng kể từ đêm đó, anh tự nhủ, anh có thể đầy chuyên môn, có thể nhiều kinh nghiệm, nhưng anh sẽ luôn tin vào cảm nhận của người thân.

Có những lỗi lầm dạy người ta lớn. Có những lỗi lầm không bao giờ được phép lặp lại, với cái nghề như anh.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hoài Nhân

Báo Thanh Niên
26.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.