Ba mẹ già mong con... gõ cửa

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
20/09/2020 11:21 GMT+7

Sinh con ra, mong con khôn lớn từng ngày. Đến khi con trưởng thành, ở riêng, ba mẹ già sống với nhau, từng ngày mong con... gõ cửa về thăm.

Chuyện trong phim

Trong bộ phim Quý ông hoàn hảo được ưa chuộng của đạo diễn Diêu Hiểu Phong (Trung Quốc) có đoạn nói về người đàn ông ngoài 60 tuổi. Từ khi vợ mất đến hai năm sau, ông không làm được việc gì. Mỗi lần nhớ bà, ông về ngồi ở bậc thềm ngõ vào ngôi nhà cũ (bây giờ đã là nhà người khác). Ông ngồi như thế cho đến đêm mới về.
Ông bà có một đứa con trai độc nhất là bác sĩ nha khoa nổi tiếng, có phòng nha hiện đại, thành đạt khi chưa đầy 30 tuổi. Anh này nổi tiếng không chỉ vì nghề chính mà nhờ cả nghề phụ tư vấn tình yêu.
Ba anh một mình ở căn hộ. Mỗi lần có tiếng gõ cửa là ông mừng rơn. Nhưng đó không phải là con trai ông.
Ông cứ quanh quẩn trong nhà, đếm ngược thời gian và chờ con.
Trong văn học nghệ thuật, hình tượng nhân vật được xây dựng từ thực tế cuộc sống. Trường hợp trên không hoàn toàn giống hầu hết những người già nhưng những người già đều thấy mình trong đó.

Chuyện ngoài đời

Truyền thống tứ đại đồng đường đang dần bị thay thế bởi những gia đình độc lập. Hầu hết giới trẻ bây giờ khi lập gia đình đều muốn sống riêng. Do công việc, do cách sống thích tự do, không bị xung đột thế hệ... Cũng không sai nhưng mà lại phát sinh những điều... chưa đúng.
Trừ những gia đình ổn thỏa, còn thì, rất nhiều người có thể gọi là gặp “bi kịch tuổi già”. Có hai dạng, một là, về già mới lên phố ở cùng con; hai là, nghỉ hưu thì về làm ô sin cho con.
Vợ chồng Tuyến và Minh lập nghiệp ở thành phố, thu nhập tương đối ổn để có thể thuê một căn hộ. Khi vợ chuẩn bị sinh, Tuyến đón mẹ ra phố ở cùng để chăm em bé, ba ở lại quê. Chăm đứa trẻ đầu đến tuổi đi mẫu giáo bà lại chuẩn bị chăm đứa thứ hai. Suốt ngày bà quanh quẩn trong căn hộ lầu 5 và cái chợ xép đầu ngõ. Còn ông ở quê lo vườn tược, gà qué... Vợ chồng già quan trọng nhất là nương tựa vào nhau, nhưng giờ hai ông bà hai nơi.
Không ít người vào tầm tuổi đó, dù sống lâu ở thành phố cũng có hoàn cảnh khá giống nhau, là khi nghỉ làm việc thì chuyển sang làm... ô sin cho con. Suốt ngày bận bịu với cháu. Bà thì chăm nom, ông thì đưa đón, không thể thảnh thơi.
Ông Lạc, bà Huê ở khu phố tôi là như thế. Ông bà coi đó là niềm vui tuổi già, rất đúng. Trẻ khoe con, già khoe cháu. Đó thực sự là niềm vui. Nhưng thỉnh thoảng, ông Lạc vẫn tâm tư, có chút trách cứ con trai và con dâu rằng, ba mẹ chăm con cháu là điều đương nhiên, nhưng con không thể coi ba mẹ phải làm ô sin là... đương nhiên. Ông bà không một phút thảnh thơi cùng nhau đi thăm thú bà con, bạn bè... vì con đi làm về ăn xong là vứt hết ở đó, đóng cửa phòng cầm điện thoại.
Trường hợp ông bà Hòa thì khác. Nhà có điều kiện hơn nên con cái ở riêng, hai ông bà ở với nhau. Sáng ra cùng đi bộ, về ăn sáng, ông mở ti vi xem thời sự thì bà đi chợ, đi chợ về thì chuẩn bị cơm trưa... Tuổi già cũng không còn thích đi chỗ này chỗ khác, chỉ quanh quẩn ở nhà. Vì thế, ông bà rất thích hội họp. Không có cuộc họp nào của tổ dân phố mà hai ông bà vắng mặt. Đó như là nơi gặp gỡ, giao lưu.
Một lần, anh Tân tổ trưởng hỏi, sao lâu không thấy thằng Thanh, con Hải về chơi. Chắc cũng lâu rồi ông bà nhỉ?
Ông bảo, từ tết đến giờ, cũng 9 tháng. Bà thì mắt đỏ hoe.
Đành rằng gia đình ai cũng bị cuốn vào cuộc mưu sinh, cuộc sống, tiền bạc và danh vọng, vì trẻ cho nên không thấu hiểu người già. Không phải bất hiếu nhưng có sự chủ quan, lơ là điều quan trọng nhất cuộc đời, đó là ba mẹ.
Mỗi mùa Vu lan, ngày của mẹ, ngày của cha… lại giật mình, giật mình để đôi khi chỉ “báo hiếu”... trên mạng. Trong lúc đáng ra, mỗi ngày đều là Vu lan…
Người lớn tuổi tự trào: “Thất bại nhất của đời người là tuổi già, thất bại nhất của tuổi già là không được con cháu quan tâm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.