Ba mẹ ‘dụ’ con nít bằng tiền: Choáng với 2.000 USD cho cậu học sinh

05/01/2018 10:16 GMT+7

Tôi thật bàng hoàng khi hôm qua con trai tôi thông báo Bảo, bạn cùng lớp được ba mẹ cho 2.000 USD, chúng cùng nhau đi đổi được 46 triệu VND.

Không quá ngạc nhiên với hiện trạng này ở Việt Nam nhưng cho con số tiền lớn như thế thì lần đầu tôi mới gặp.
Hồi con còn học tiểu học, tôi từng chứng kiến chuyện tương tự. Đó là ngôi trường ở trung tâm TP.HCM, nơi tập trung những bậc phu huynh đa phần giàu có. Một ngày đầu năm, bé H. khóc lóc về báo với mẹ là mất tiền. Lớp liền tức khắc vào cuộc điều tra khi phụ huynh lên báo cáo với giáo viên và ban giám hiệu. Chuyện là, bé H. khoe bố có lì xì tờ 100 USD sau Tết, lớp toàn các bé con nhà khá giả nên chắc hẳn không ai lấy, điều này càng được khẳng định khi thầy chủ nhiệm hỏi từng em trong lớp. Thế thì, suy ra là người ngoài. Mọi người cũng có nghĩ tới cô bảo mẫu nhưng “một mất, mười ngờ” không biết lấy bằng chứng đâu. Cuối buổi học hôm đó bé H. mất luôn chiếc cặp cùng tờ tiền mệnh giá không nhỏ trên.
Mỗi buổi sáng khi các bé đến trường, hình ảnh phụ huynh dúi vội vào tay con vài tờ tiền cho tiêu vặt và ăn sáng là chuyện không hiếm ở ngôi trường kia, tuy nhiên, nhiều người còn đưa cho con những tờ tiền mệnh giá lớn như 100, 200, 500 ngàn đồng, rồi trẻ sẽ làm gì với nó, tiêu hết vào căn tin cũng không xuể cho một ngày.
Rồi con tôi lên cấp 2, tôi cố gắng xin cho con học khu trung tâm, gần cơ quan cho tiện đưa đón, và đây cũng là ngôi trường tập trung các gia đình khá giả. Chuyện tương tự đã lặp lại, nhưng cấp độ cao hơn.
Trẻ đi học nhưng thường xuyên mang theo điện thoại đời mới và đắt tiền như iPhone, Samsung… Biết vậy, giám thị trường đưa ra nội quy không cho trẻ dùng điện thoại trong giờ học, tuy nhiên vì nhu cầu liên lạc khi đưa đón của phu huynh nên trẻ vẫn dùng trong khung giờ còn lại. Thế là tình trạng mất cắp điện thoại xảy ra.
Trường trung học thì trẻ trong trường và ngoài trường vào ra khá dễ dàng nên ban giám hiệu càng khó quản lý, điều này càng đẩy các giáo viên vào thế khó, và những buổi họp phụ huynh càng thêm căng thẳng bởi tranh cãi và điều tra về vấn nạn này.
Con tôi chủ yếu ăn sáng ở nhà, nhưng lâu lâu con lại muốn tham gia cùng các bạn nên tôi cho 15.000 - 20.000 VND. Tuy nhiên, lâu lâu lại thấy con cầm tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng về nhà nói là bạn gửi, có khi vài tờ, tôi đành giữ cho con nhưng nhắc con trả bạn. Ngạc nhiên là, người bạn đó lại hầu như không quan tâm.
Có lần con đưa về tờ 20 bảng anh, quy ra tiền Việt cũng không nhỏ. Con nói là nhặt được tiền trong nhà vệ sinh và nhóm bạn muốn dùng nó để mua quà vặt, tôi thử ra chợ Bến Thành đổi, thì bất ngờ, đó là tiền thật. Hẳn là phụ huynh nào cho con để sưu tầm tiền sau chuyến du lịch nước ngoài.
Tôi dạy con rất kỹ về việc chi tiêu và quản lý tài chính. Con làm việc nhà mỗi ngày thì đến tháng mẹ phát lương là 200.000 VND, con đi phục vụ quán ăn bên ngoài mỗi tháng được trả lương 1 triệu VND. Người phương Tây dạy trẻ rằng, cách kiếm tiền hay nhất là làm dịch vụ, công việc nhân văn nhất là phục vụ người khác.
Với thu nhập trên, con tôi muốn mua đôi giày mới cần kiên nhẫn chờ, muốn mua laptop cần tiết kiệm vài tháng. Thế nhưng, khi tôi vừa đi công tác một tuần về thì thấy con có 3 cái điện thoại mới, đôi giày và laptop mới. Tôi ráng gặng hỏi thì con nói là bạn Bảo cho mượn, lúc đầu con không chịu nhưng sau bạn nói sẵn mua cho bạn thì mua luôn cho con.
Cao điểm là mới đây, con về nhà và bảo, mẹ mai con về trễ nhé. Bạn Bảo mới được bố mẹ cho 2.000 USD, sau giờ học con cần đi shopping với bạn, hiện tụi con vẫn chưa biết mua gì nhưng cần mua một cái iPhone mới và vài phụ kiện thì mới hết được số tiền trên.
Tôi quá sốc, chỉ muốn con ngưng chơi với bé Bảo, nhưng có lần từng mời bé đến nhà thấy gương mặt ngây thơ của Bảo, tôi lại thương. Tò mò muốn biết bố mẹ bé làm nghề gì, nghĩ gì mà thờ ơ với tương lai con trẻ như thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.