Ba đêm lội rừng tìm... Tuộc A Loang

13/02/2017 14:05 GMT+7

Tuộc A Loang trong tiếng Pru Vân Kiều có nghĩa là... thuyền độc mộc. Và nếu không có 3 đêm lội rừng đến rã cả chân thì hẳn đến giờ Bảo tàng Quảng Trị, một trong những bảo tàng được cho là hoành tráng ở miền Trung, khó có thể có hiện vật quý này để trưng bày...

Thấy hiện vật trước mắt mà... chịu!
Hơn 10 năm công tác trong ngành bảo tàng nhưng với chị Trần Thị Nhàn, cán bộ phòng nghiên cứu sưu tầm trưng bày (Bảo tàng tỉnh Quảng Trị) những ngày đầu chập chững vào nghề vẫn ghi dấu những kỷ niệm khó phai. Cuộc lội rừng liên tục 3 đêm ở nơi thâm sâu miền núi Hướng Hóa để đưa một chiếc thuyền độc mộc về với bảo tàng là một trong những lần như thế...
Chuyện rằng, cuối tháng 12.2005, chị cùng 2 bậc “đàn anh” của Bảo tàng Quảng Trị lặn lội từ Đông Hà lên sưu tầm hiện vật chuyên đề dân tộc học tại 7 xã vùng Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị, giáp Lào). Những ngày cuối năm mưa dầm dề làm đất đai nhão nhoét nhưng đoàn 3 người vẫn lầm lũi đi, ghé thăm nhiều nóc nhà sàn, ngồi quanh bếp lửa để tỉ tê thăm hỏi về những hiện vật phù hợp với mục đích sưu tầm.
Đến ngày thứ 5 thì họ tìm đến được bản A Ho, cách trung tâm xã Thanh (H.Hướng Hóa) khoảng hơn 4 km, nằm bên dòng Sê Pôn và nghe dân bản kháo nhau rằng ở nhà Hồ Diêm (còn gọi là Pả Dừa) còn lưu giữ một chiếc thuyền độc mộc nguyên bản gần như là duy nhất ở khu vực 7 xã vùng Lìa này. Niềm thích thú đã nhanh chóng đưa bước chân họ đến nhà Hồ Diêm ngay trong một buổi chiều muộn mưa rét...
Nhưng cuộc chuyện trò kéo dài đến đêm vẫn không thu được kết quả vì gia chủ không chịu... đổi chác gì sất. “Người đồng bào vùng cao có truyền thống và nếp nghĩ riêng, họ chưa chắc đã dễ dãi đổi chác những đồ vật mà cha ông để lại. Nếu mà họ nói không thì chẳng có thứ của nã nào thuyết phục được họ gật đầu...”, bà Cái Thị Vượng, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị, người cũng có mặt trong lần sưu tầm đó đúc kết.
Biết vậy, nhưng do đã trót mê... chiếc thuyền độc mộc, khi không mang về được lại cảm thấy bứt rứt khó chịu nên nhóm cán bộ này đã không chịu bỏ cuộc dễ dàng. Dùng sự tác động của biên phòng, chính quyền địa phương mà không được nên họ đã quyết định dùng... sự chân thành để hy vọng có được hiện vật quý. “Chúng tôi phải lội bộ vào... tâm sự với ông Hồ Diêm 2 đêm liên tục sau đó mà phải đi vào ban đêm vì ban ngày gia đình đi rẫy, không gặp được. Giờ nghĩ lại cái cảnh 3 anh em nhỏ bé cùng một cái đèn pin dò dẫm đi giữa rừng trong đêm tối mà... sởn cả da gà. Không hiểu sao cái thời ấy nhiệt tình và liều mạng thế?”, chị Nhàn tặc lưỡi.
Đến đêm thứ 3 thì Hồ Diêm mới bắt đầu thấy thương đám cán bộ dưới xuôi trót yêu cái thuyền độc mộc mà ông đã sử dụng ngót nghét 20 năm qua nên đã... xuôi ý. Sau hồi bàn bạc với cháu con, Hồ Diêm cuối cùng đã gật đầu chịu đổi chiếc thuyền độc mộc với điều kiện cán bộ bảo tàng phải trả số tiền đủ để ông làm một chiếc thuyền mới, bằng nhôm. “Ba anh em chúng tôi lúc đó mừng đến nỗi ôm chầm lấy nhau rồi quyết định gọi người bản đi ra sông vác chiếc thuyền độc mộc về trung tâm xã Thanh ngay trong đêm vì sợ Hồ Diêm đổi ý”, chị Nhàn cho hay.

tin liên quan

Chiêm ngưỡng kho bảo vật khổng lồ giữa Sài Gòn
Quen biết đã lâu nhưng cũng phải mất mấy năm thuyết phục, mới đây ông Trần Anh Tuấn, một doanh nhân ở TP.HCM, mới “xiêu lòng” mở cửa cho chúng tôi khám phá kho bảo vật ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn (TP.HCM).
Khó kiếm được chiếc thứ 2 ở Quảng Trị
Hiện nay, chiếc thuyền độc mộc của Hồ Diêm năm xưa được trưng bày trong khu vực dân tộc học thuộc tầng 1 Bảo tàng Quảng Trị. Nó được đặt ngay dưới mô hình nhà sàn của đồng bào Vân Kiều, xung quanh là những vật dụng quen thuộc khác của tộc người này.
Theo lý lịch hiện vật ghi lại ở bảo tàng thì chiếc thuyền độc mộc dài 6,6m, nơi rộng nhất khoảng 0,7m được làm bằng gỗ nguyên khối, có màu nâu sẫm, hình dáng tương tự một con cá, ở trong lòng thuyền được đẽo các nấc ngang song song để gắn các thanh gỗ vừa tạo sự chắc chắn vừa tạo chỗ ngồi cho người sử dụng. Cũng theo những ghi chép của cán bộ Bảo tàng Quảng Trị từ lời kể lại của Hồ Diêm thì để có một chiếc thuyền lớn như thế này, cần một cây gỗ lớn (đường kính khoảng 2m) và tốt nhất là gỗ lim hoặc gỗ kiền kiền. Chiếc thuyền của ông Diêm làm bằng gỗ kiền kiền lấy từ đất Lào. Muốn làm thuyền phải thuê 4 người thợ làm ròng rã trong 10 ngày với công cụ chủ yếu là rìu, đục, bào cưa. Việc chế tác bắt đầu từ phía ngoài, tức là tạo dáng cho chiếc thuyền trước, sau đó mới tiến hành đục, khoét, trong lòng chiếc thuyền. “Hình dáng chiếc thuyền như một con cá, đầu nhọn đuôi xòe. Đây là một hình thức tạo dáng nhưng đồng thời cũng là kinh nghiệm của người thợ, giúp thuyền lướt nhanh hơn...”, chị Nhàn giảng giải.
Ngày nay, có đi đến tận những bản làng xa xôi nhất của vùng cao Quảng Trị cũng khó để tìm thấy những chiếc thuyền độc mộc nữa. Phần vì những chiếc thuyền làm bằng vật liệu khác rẻ hơn, dễ làm hơn phần vì những cây gỗ lớn để làm thuyền không còn và đặc biệt phần vì những người thợ làm thuyền đã... về với đất hết. “Đến tận bây giờ, mỗi lần nhìn ngắm chiếc thuyền chúng tôi dù vẫn ngán ngẫm với 3 đêm cuốc bộ đến bở hơi tai đó nhưng cũng không thôi hài lòng vì công sức mà mình bỏ ra”, chị Nhàn trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.