Ba bỏ đi; mẹ vật lộn nuôi 11 người con, đến tiền đón con về cũng không có

16/01/2018 12:06 GMT+7

Từ ngày chồng bỏ đi, chị Hoàng Thị Loan (43 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cùng 11 người con phải vật lộn mưu sinh với đủ thứ nghề. Những đứa trẻ phải cùng mẹ bán vé số thay vì đến trường. Hai người con chị đang ở trung tâm BTXH mà chị cũng không đủ tiền để đón con.

Chị Hoàng Thị Loan là người gốc Sài Gòn. Năm 19 tuổi chị kết hôn cùng một người đàn ông quê Tiền Giang. Sau khi cưới, đứa con đầu tiên chào đời, cứ vậy cách một năm lại có thêm một đứa và chị trở thành mẹ của 11 đứa con hồi nào không hay.
11 đứa con của chị đều không được cắp sách đến trường học chính quy. Còn chị cũng chẳng thể nhớ nổi họ tên đầy đủ của từng đứa một.
VIDEO: Bà mẹ bán vé số một mình nuôi đàn con thơ 11 người
Những đứa con của chị Loan đang được đi học ở các lớp tình thương trong chùa và nhà thờ Ảnh: Vũ Phượng
Một nách 11 người con
Tôi tìm đến căn nhà trọ chật chội của chị Loan vào một buổi trưa những ngày gần cuối năm. Trong căn phòng rộng chừng 12 mét vuông, 4 trong số 11 đứa con của chị đang nằm dài xem ti vi với điệu bộ rất thích thú dù ngoài trời đang nóng hầm hập. Còn chị đang tranh thủ nấu vội bữa ăn trưa để 1 giờ chiều tiếp tục đi bán vé số.

Tới khi xúc cơm ra tô cho các con ăn, chị Loan mới ngượng ngùng mời tôi ngồi bệt xuống sàn nhà. Chị bảo: “Em thông cảm nhé, nhà chị không có bàn ghế gì, mà có cũng chẳng biết kê ở đâu”.
Mà thiệt, trong căn phòng bé xíu đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc ti vi cũ và tấm nệm đã ngả màu thời gian.
Khi tôi hỏi về lý do chị phải sống cùng với các con mà không có chồng ở bên, chị Loan ngậm ngùi một lát rồi bắt đầu kể: "Nhiều lần tôi khuyên ổng không được thì cãi nhau. Vậy nên tôi dẫn theo 3 đứa con lớn nhất về lại Sài Gòn, những đứa còn lại gửi họ hàng bên chồng nuôi giúp”, kể đến đây, nước mắt chị lưng tròng, giọng chị cũng nghẹn lại.
Chị Loan đi bán vé số nhưng trưa cũng tranh thủ về nhà nấu cơm cho các con Ảnh: Vũ Phượng
Theo lời chị Loan, từ đó cứ 1 tháng 2 lần chị về quê thăm các con. Mỗi lần về là mấy đứa nhỏ lại khóc lóc đòi theo mẹ, chị dù đau đứt ruột nhưng cũng không dám đón các con lên vì sợ các con phải khổ.
Tới khi tìm được những mối quen để bán vé số và làm thêm đủ thứ việc thì chị đủ tiền thuê một căn nhà trọ và được chủ nhà đồng ý cho trả góp theo ngày. Chị lập tức về quê đón hết các con lên Sài Gòn.
Giờ tôi chỉ cầu cho sau này tôi chết đi rồi thì mấy đứa nhỏ cũng có được cái nghề để tự nuôi sống mình. Con mình không được đi học thì chỉ mong nó sống tốt chứ không dám mong nó thành tài như con người ta…

Chị Hoàng Thị Loan

Chị trải lòng: “Làm liều lắm mới dám đón hết các con lên. Mấy đứa con như hiểu hoàn cảnh nên chỉ ở nhà chơi với nhau. Lâu lâu ra đường nói mẹ, mẹ con cũng muốn được đi học như bạn này.. tôi nghe mà đau lòng lắm. Những lúc vậy chỉ biết trách lòng người sao phụ bạc, có trăng thì quên đèn. Mà trách thì trách vậy, người ta vẫn vui vẻ hạnh phúc, còn mình nước mắt cứ rơi hoài thôi…”.
Con vào trung tâm, mẹ không tiền xét nghiệm ADN
Vừa quay trở lại Sài Gòn, 4 người con lớn nhất của chị liền xin mẹ ra ở riêng để tự lo cho nhau, mà quan trọng nhất là để nhường chỗ cho các em ngủ.
Cũng vì không được đi học từ nhỏ nên các con của chị Loan đều không biết chữ mà phải làm việc tay chân, ai thuê gì làm đó, sau khi lo tiền nhà trọ, ăn uống cho bản thân thì cũng chẳng thể phụ với mẹ đồng nào để chăm lo cho các em.
Vậy là một mình chị Loan phải gồng gánh nuôi 7 người con còn lại bằng xấp vé số mà chị đi bộ hàng chục km mỗi ngày để bán.
“Ngày nào hên thì bán được 120 tờ, ế thì 100 tờ đổ lại mà tôi phải chừa tiền trả tiền nhà trọ nên chỉ mua rau với một chút thịt về bằm nhỏ ra cho mấy đứa ăn cơm. Những đứa con hiểu hoàn cảnh nên cũng không đòi hỏi gì”, chị kể.
Tới giờ đi bán nhưng Hưng vẫn còn "ngái ngủ" và mắt đang hướng về chiếc ti vi chiếu bộ phim hoạt hình Ảnh: Vũ Phượng
Cũng vì không được đến trường nên những đứa con của chị Loan không được lanh lẹ mà hơi lầm lì ít nói và phản ứng cũng chậm. Thậm chí, khi tôi hỏi “Con họ tên là gì?”, các bé cũng không biết phải trả lời ra sao.
Mới đây, được sự giới thiệu của một số người, những đứa trẻ mới được tới học ở các lớp tình thương ở chùa và nhà thờ, rồi cuối tuần lại lủi thủi cầm xấp vé số đi bán phụ mẹ để kiếm thêm chút tiền mua thức ăn.
Chị Loan tâm sự tiếp: “Cách đây hơn một tháng, hai thằng nhỏ nhất là 5 tuổi với 3 tuổi ở nhà trốn ra siêu thị coi người ta chơi game. Sau đó siêu thị đóng cửa mà không về nhà chỉ đứng đó khóc nên công an đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Tôi đến nhận lại con nhưng người ta không cho vì bé 3 tuổi không có giấy khai sinh. Họ yêu cầu tôi phải xét nghiệm ADN mà chi phí xét nghiệm ADN không biết đến bao giờ tôi mới để dành đủ nên vẫn đứt ruột phải để con trong đó”.
Bé Hoàng có phần nhanh nhẹn hơn anh trai Hưng. Tới giờ mẹ kêu đi bán vé số, Hoàng hồn nhiên để đầu trần cầm xấp vé số ra khỏi nhà Ảnh: Vũ Phượng
Tôi hỏi chị có ước mong gì cho các con của mình không thì người mẹ với gương mặt khắc khổ và đen sạm vì nắng vì gió lại hít một hơi thật dài rồi nói: “Giờ tôi chỉ cầu cho sau này tôi chết đi rồi thì mấy đứa nhỏ cũng có được cái nghề để tự nuôi sống mình. Con mình không được đi học thì chỉ mong nó sống tốt chứ không dám mong nó thành tài như con người ta…”
Từng câu nói của chị Loan nghe thật xót xa. Chị cũng như bao người mẹ khác, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình. Vậy nhưng có những thứ điều kiện không cho phép chị cũng chẳng biết phải làm sao.
Cuộc sống của mấy mẹ con cứ vậy trôi qua, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa với nhau mà chưa thể hiểu và chia sẻ được với nỗi lòng của người mẹ như chị Loan. Rồi tương lai của những đứa trẻ con chị Loan sẽ đi về đâu?
Hoàng hiếu động nhưng rất nghe lời mẹ Ảnh: Vũ Phượng
Hai con của chị Loan (ngoài cùng bên trái và ngoài cùng bên phải) đang ở trong trung tâm mà chị chưa đón về được Ảnh: Vũ Phượng
Nhiều khi Hoàng đòi mẹ cho vào thăm 2 em vì nhớ nhưng ngay cả chị Loan cũng chưa được trung tâm cho gặp mặt 2 con của mình từ ngày các bé được đưa vào đến nay Ảnh: Vũ Phượng
Chị Loan nhiều lúc buồn, nhiều lúc tủi thân, nhiều lúc muốn gục ngã nhưng không biết tâm sự cùng ai... Chị đang lo lắng không biết khi nào mới đủ tiền làm xét nghiệm ADN để đón con về Ảnh: Vũ Phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.