[ẢNH] Người Sài Gòn tấp nập xách giỏ đi 'chợ quê' ngay trung tâm thành phố

Hoài Nhân
Hoài Nhân
07/01/2019 19:32 GMT+7

Người Sài Gòn bỗng xúng xính áo dài, xách giỏ đi “chợ quê” giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Như tách hẳn với những con đường ồn ào, phiên chợ họp thật giản đơn dưới tán râm một cây đa cổ thụ ngay Q.1.

 “Chợ quê giữa phố” đúng nghĩa là một khu chợ ở các vùng quê. Ngay lối vào là gian hàng áo dài, sách truyện, đồ thủ công mỹ nghệ các vùng miền. Cạnh bên là những chiếc chõng tre bày bánh ít, bánh giò, khoai lang, khoai mì nấu thơm phức! Cách đó lại là một hàng bán rau củ quả “cây nhà lá vườn”. Tất cả gợi nhắc về những vùng quê yên bình trong ký ức những con người xa xứ.
Đây là một hoạt động của Hội quán các bà mẹ, do các thành viên cùng nhau tổ chức ở số 7 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. “Phiên chợ diễn ra vào sáng chủ nhật hàng tuần, tập trung phục vụ các mặt hàng thực phẩm, đồ thủ công trên tinh thần “xanh – sạch – an toàn” từ các vùng quê. Trong đó, còn có nhiều sản phẩm đến từ những làng nghề nổi tiếng", chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cho biết.
Phiên chợ tấp nập từ 7 - 10 giờ sáng. Một không gian dân dã với những chiếc chõng tre, mẹt, thúng,... HOÀI NHÂN
Người dân được mua rau củ quả sạch trồng theo phương pháp hữu cơ: cây trồng hút chất dinh dưỡng tự nhiên cùng những dưỡng chất bổ sung từ phân chuồng, phân xanh, vỏ trứng gà và rác phân hủy từ nhà bếp; đất được xử lý và làm sạch trước khi xuống giống; người trồng làm cỏ mỗi ngày và làm bằng tay;... HOÀI NHÂN
Khoai lang, khoai mì nấu - một trong những thức quà ngon nhất của lũ trẻ vùng quê HOÀI NHÂN
Giỏ mây, giỏ lục bình, đồ gốm, thìa gỗ dừa... HOÀI NHÂN
Chị Huỳnh Thị Quốc Trị, thành viên Hội quán các bà mẹ, cũng chia sẻ: “Hiện mình đang quản lý gian hàng đồ gốm và rau củ quả trong phiên chợ. Đây là 2 dự án của mình, với mục đích khôi phục lại ngành nghề gốm dân tộc Churu và cải thiện chất lượng cuộc sống qua phương pháp trồng rau hữu cơ. Hai dự án này đều được thực hiện tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm sẽ được chuyển trực tiếp vào đây để bán hàng ngày và đặc biệt là trong phiên chợ quê này”.
"Mình quê Trà Vinh, lên Sài Gòn cũng mấy chục năm rồi. Tình cờ nghe những người bạn giới thiệu phiên chợ này, đến thử thì thấy nhiều thứ quen thuộc của quê ngoại ngày xưa nên thích lắm, tuần nào cũng đi. Không chỉ hiểu thêm về những giá trị văn hóa làng quê xưa, còn được mua rau củ tươi sạch đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Mình hay mua luôn mấy ký rau củ để dành cả nhà ăn trong tuần. Thỉnh thoảng mình cũng dắt cậu con trai nhỏ theo để hiểu hơn về những phiên chợ quê", cô Nguyễn Kim Ngọc (51 tuổi, ngụ Q.5) chia sẻ.
Phiên chợ nhỏ thu hút hàng trăm lượt người tìm đến HOÀI NHÂN
Tập tành cho thế hệ sau nấu món cơm nếp HOÀI NHÂN
Bữa sáng đơn giản với bún riêu, bánh chưng, bánh dày, bánh ít, bánh tét,... HOÀI NHÂN
Những cô bé say sưa đọc sách bên gian hàng của mẹ HOÀI NHÂN
Chị Huỳnh Thị Quốc Trị, thành viên Hội quán, bên gian hàng đồ gốm thuộc dự án "Khôi phục ngành nghề gốm mộc dân tộc Churu" của mình HOÀI NHÂN
Những người bán sử dụng túi giấy đựng để đảm bảo thân thiện với môi trường HOÀI NHÂN
Những khung cảnh yên bình dưới tán một cây đa cổ thụ HOÀI NHÂN
Ngoài ra, Hội quán còn phối hợp với những đơn vị khác để tổ chức các hoạt động trải nghiệm lồng ghép trong các phiên chợ. Qua đó, các bạn trẻ có thể khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, sản phẩm làng nghề, đặc sản truyền thống của dân tộc… thông qua sự hướng dẫn của nghệ nhân và những người có kinh nghiệm.
Cụ thể, phiên “Chợ quê giữa phố” ngày 6.1 đi kèm một sự kiện đặc biệt mang tên “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sự kiện chỉ đơn giản là một chiếc chiếu tre, cho mọi người cùng ngồi ở một góc kể chuyện sự tích, học têm trầu để hiểu những ý tứ được cuộn lại trong từng miếng trầu nho nhỏ. Sự kiện được thực hiện bởi Làng Yên, một tổ chức hướng về việc chia sẻ các giá trị văn hóa Việt Nam.
“Chương trình “Miếng trầu là đâu câu chuyện” nằm trong chuỗi sự kiện hướng về văn hóa Việt Nam của dự án Làng Yên. Cái tên Làng Yên là tụi mình muốn ví von về hình ảnh yên bình của những vùng quê. Phối hợp với Hội quán các bà mẹ, Làng Yên sẽ tổ chức mỗi tháng một sự kiện trong “Chợ quê giữa phố”, nhằm duy trì và phát huy những giá trị truyền thống đẹp đẽ, nhất là cho các bạn trẻ”, bạn Vũ Nguyễn Hồng Loan (sinh viên trường ĐHKHXH&NV TP.HCM), một trong những người khởi động dự án Làng Yên, chia sẻ.
Nhiều người quây quần trên chiếc chiếu tre để nghe chuyện trầu cau HOÀI NHÂN
Những vật dụng têm trầu giờ đây chỉ còn thấy ở những vùng quê xa xôi HOÀI NHÂN
Cô sinh viên Vũ Nguyễn Hồng Loan, một trong những người trẻ khởi xướng dự án Làng Yên, nhằm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc HOÀI NHÂN
Nhiều bạn trẻ thích thú khi tự tay têm được trầu cánh phượng HOÀI NHÂN
Những người cao tuổi móm mém miếng trầu và bắt đầu những câu chuyện xưa - nay HOÀI NHÂN
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.