An toàn ăn uống

31/01/2016 14:50 GMT+7

Một lần theo dõi một phóng sự trên ti vi, tôi thấy ở một tỉnh nổi tiếng có loại trà ngon nhưng cách 'sản xuất' trà khiến người ta kinh hãi.

Một lần theo dõi một phóng sự trên ti vi, tôi thấy ở một tỉnh nổi tiếng có loại trà ngon nhưng cách 'sản xuất' trà khiến người ta kinh hãi.

Ảnh: Đào Ngọc ThạchẢnh: Đào Ngọc Thạch
Trà được đổ ra đầy trên nền lát gạch men (chắc là đã được lau sạch) và anh chị em công nhân thoải mái lấy chân trần giậm lên lá trà (chắc là để cho lá dập ra). Trong toàn quy trình sản xuất, chẳng thấy anh chị em nào đeo khẩu trang hay găng tay để bảo đảm vệ sinh cho sản phẩm - vốn là thứ thức uống được coi là tốt cho sức khỏe và được nhiều người ưa chuộng.
Tôi không mong những người nước ngoài xem được những hình ảnh đáng sợ này. Giả thiết rằng họ xem được, chắc họ phải tởn tới già và e rằng họ đâm ra nghi ngờ tất cả các loại trà ngon danh tiếng của ta. Có làm bán thủ công thì cũng nên một vừa hai phải, làm sao mà cứ dẫm đạp lên trà. Riêng tôi - một người dễ tính thuộc loại ăn cái gì cũng được và uống cái gì cũng được, tôi đã kính cẩn nói lời chia tay vĩnh viễn với loại trà đó. Hình ảnh phản cảm được chiếu trên ti vi cứ ám ảnh tâm trí tôi suốt và giả thiết bây giờ đơn vị sản xuất kia đã chuyển qua sử dụng một quy trình sản xuất hiện đại, tôi cũng sẽ vĩnh viễn giã từ món trà đó.
Khái niệm vệ sinh, an toàn thực phẩm (kể cả thức uống) không phải là cái gì mới mẻ. Người sản xuất, người chế biến, người phân phối, người kinh doanh đều phải có nghĩa vụ pháp luật và đạo đức phải bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng sẽ sử dụng món hàng hóa của mình. Điều đáng tiếc là trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng lấy lý do lực lượng mỏng, công việc nhiều nên đã lơi lỏng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các loại đồ ăn thức uống mất vệ sinh an toàn. Hàng gian, hàng giả, hàng mất vệ sinh, hàng bẩn xuất hiện khắp nơi, vừa dối trá đối với người tiêu dùng vừa gây thiệt hại sức khỏe cho chính người sản xuất. Những đoàn phối hợp liên ngành 389 đã tích cực tung quân đi xử phạt các nơi, thậm chí qua năm 2016 có thể đề xuất xử lý hình sự nhưng những gì xảy ra cho thấy thật khó giải quyết rốt ráo mọi chuyện.
Chúng ta rất tôn trọng những bà con buôn bán đồ ăn thức uống nhỏ lẻ, có tiệm quán đàng hoàng hay chưa có tiệm quán phải bán ở góc phố, lề đường. Thế nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bỏ qua chuyện bà con dùng tay trần thái thịt, dùng tay trần bốc thịt cho vào tô phở, tô hủ tiếu để sau đó cầm cán vá múc nước lèo đổ lên. Y học đã nói rõ những ngón tay chính là những “điểm” ô nhiễm nhất và thậm chí là gây ra “tội lỗi” nhiều nhất.
Dùng tay trần thái thịt, bốc thịt trải lên trên tô đồ ăn, coi đó là hành động tự nhiên thì quả là thói quen đáng tiếc. Đó là chưa nói đến những ngón tay, bàn tay cá biệt bị bệnh hay bị thương tích. Ăn những thức ăn được chế biến như vậy, chắc chắn là khách nuốt không vào và dù có nể nang nhau lắm thì cũng chỉ ghé qua một lần. Một lần giã từ thôi, em ơi!
Bữa cơm trưa (hay cơm chiều) cho những anh chị em công nhân trong các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, công ty là rất quan trọng. Người lao động có được ăn no, ăn đầy đủ dưỡng chất thì mới đủ sức mà làm việc, năng suất mới cao. Lãnh đạo các đơn vị sản xuất kinh tế này thường hợp đồng với một công ty chế biến thức ăn nào đó, cung cấp suất ăn cho người lao động. Có những công ty chế biến thức ăn tử tế nhưng cũng có những công ty làm ăn chụp giựt, ẩu tả. Họ đặt lợi nhuận cao lên trên tất cả, mua loại thịt heo bẩn với giá trên dưới 40.000 đồng/ kg và các loại rau cải xịt thuốc hóa học làm bữa ăn cho người lao động. Tình hình ngộ độc thực phẩm diễn ra như ta đã thấy đều khắp trên cả nước. Rốt cuộc, cái lợi vì suất ăn rẻ kia không đủ bù vào cái hại vì công nhân nằm nhà thương, năng suất sản xuất bị giảm sút.
Bàn về vấn đề ngộ độc thực phẩm tập thể này, một quan chức Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế có một đề xuất khá thích hợp: Mỗi đơn vị sản xuất hay nhà trường nội trú nên cử ra một tổ giám sát, theo dõi, kiểm tra đồ ăn thức uống cung cấp cho người lao động hay học sinh trong đơn vị mình, nhà trường nội trú của mình. Khi ký hợp đồng với nơi cung cấp suất ăn tập thể, cần có những giao ước rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm; về điều kiện vệ sinh nơi chế biến vô bao, về điều kiện vệ sinh của phương tiện vận chuyển và phân phối. Những nhà cung cấp nào làm ẩu tả, mất vệ sinh, mua nguyên liệu thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì cần phải cắt hợp đồng ngay. Thức ăn ngon phải được hiểu chính xác là thức ăn vệ sinh an toàn.
Nhìn lên truyền hình, chúng ta thấy có những phiên chợ bày bán tràn lan thịt heo, bảng giá ghi 40.000 đến 43.000 đồng/ kg. Thịt heo ấy đi về đâu? Một - chúng đi vào các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình công nhân hay các bếp ăn tập thể nghèo. Hai - chúng đi vào các hàng quán bình dân, nơi cung cấp bữa ăn cho sinh viên, học sinh. Trong thời điểm hiện tại, vẫn còn đó những đĩa cơm sườn với hai miếng thịt to như hai bàn tay mà giá chỉ 10.000 đồng/ đĩa. Một vị đại diện Ban giám đốc Công ty Vissan phân tích: giá heo hơi (chưa mổ thịt) đã là 40.000 đồng/kg rồi; cho nên mua một loại thịt đã mổ với giá 40.000 đồng/ký là phải đặt vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ của loại thịt ấy.
Nói cách khác, loại thịt như vậy chỉ có thể là thịt bẩn, thịt heo bệnh, heo lở mồm long móng hoặc heo chết. Những nơi mổ loại heo này đã dùng những loại hóa chất “tân trang” cho miếng thịt coi được, bán ra thị trường để đầu độc người tiêu dùng nghèo. Điều cần nhớ là kinh doanh các loại hàng bẩn, hàng độc hại này đạt lợi nhuận cao nên người ta bất chấp pháp luật và các cơ quan kiểm tra, ngày nào cũng cứ tuôn ra thị trường bình dân.
Trong điều kiện đang phát triển của đất nước ta, những chợ nhỏ trong hẻm hóc, xóm thôn và chợ truyền thống tồn tại song song với những siêu thị, trung tâm mua bán. Thật khó cho người lao động, cho anh chị em công nhân phải vào siêu thị hay những trung tâm mua bán để mua được những loại thực phẩm đạt yêu cầu vệ sinh an toàn. Họ không có thì giờ để đi siêu thị hay trung tâm, mà có đi chỉ để mua vài lạng thịt hay rau cỏ thì cũng lãng phí thời gian quá. Nói như vậy không có nghĩa là người lao động và anh chị em công nhân khó trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Hãy cảnh giác với những loại thực phẩm có màu sắc bất thường, giá quá rẻ; từ thịt, tôm, cá tới rau, củ quả. Nếu bạn nghi ngại một loại thực phẩm quá rẻ như vậy thì buổi đi chợ ấy bạn không nên mua nó mà hãy mua trứng hay đồ hộp ăn tạm một vài bữa. Đôi khi, sự dễ dãi trong mua sắm khiến chúng ta ăn nhằm những thực phẩm mất vệ sinh, làm mất sức khỏe lâu dài. Đó là lợi bất cập hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.