Ăn tết Xê Đăng

13/02/2021 10:10 GMT+7

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong góc nhà sàn, ánh nắng đã dần hanh hao trong cái se lạnh đầu đông cũng là thời điểm người Xê Đăng (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, Kon Tum) ăn tết lúa mới.

Tết sẽ kéo dài 2 ngày 2 đêm, chếnh choáng trong men rượu cần thơm ngọt.

Tết lúa mới

Mới 4 giờ rưỡi sáng, khi cả khu phố còn đang chìm trong cái lạnh của đêm đông, tôi đã vội vàng lên xe máy hướng về huyện miền núi Đăk Tô đi ăn tết. Sau hơn một tiếng rưỡi lái xe, tôi đặt chân đến ngôi làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), nơi cái tết sắp sửa diễn ra.
Đón tôi ở cổng làng, trưởng thôn A Ngực mỉm cười chào khách. Vừa đi trưởng thôn vừa giới thiệu, khi năm cũ sắp hết năm mới chuẩn bị qua đi, lúa trên rẫy đã về đầy kho, người Xê Đăng cũng rộn ràng tổ chức tết lúa mới. Tết lúa mới hay còn gọi là lễ mừng cơm mới, là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của người Xê Đăng ở Kon Tum.
Khi lúa gần thu hoạch xong, già làng thống nhất ngày tốt để chuẩn bị tổ chức nghi lễ mừng lúa mới. Các gia đình chủ động sửa sang nhà cửa, vật dụng trong nhà. Người Xê Đăng cho rằng làm như vậy để thần lúa khi từ rẫy về nhà sẽ không cảm thấy xa lạ. Sau đó, từng gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Lúa tuốt xong họ đưa lúa về kho cất giữ và để riêng một gùi lúa lớn mang về nhà cúng lúa mới.
Ngày hôm trước diễn ra lễ hội, trai làng đã vào rừng tìm cây lồ ô to, đẹp, thẳng nhất để làm cây nêu. Người già khéo tay sẽ vót lồ ô làm bùi nhùi để treo lên cây nêu trang trí. Mỗi búi bùi nhùi sẽ đại diện cho một hộ gia đình trong thôn. Người Xê Đăng quan niệm cây nêu tượng trưng cho sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cây nêu cũng tượng trưng cho cây lúa, những búi bùi nhùi tượng trưng cho bông lúa. Cây nêu có được đẹp thì vụ mùa năm sau mới bội thu.
Ăn tết Xê Đăng1

Thanh niên trang trí cây nêu cho ngày tết

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Trai làng ghé từng nhà

Câu chuyện của anh A Ngực vừa dứt cũng là lúc đàn ông trong làng đến chật nhà rông. Khi cây nêu được găm chặt xuống nền đất, vị già làng bước ra giữa sân bắt đầu bài khấn.
Khi bài khấn vừa dứt, tiếng chiêng bắt đầu nổi lên, âm vang khắp làng trên xóm dưới. Già làng dẫn đoàn chiêng đánh quanh nhà rông cảm tạ thần linh và báo hiệu đến nghi lễ ăn cơm mới tại mỗi gia đình.
Anh A Ngực cho biết theo phong tục của người Xê Đăng, tất cả đàn ông sẽ phải đến từng nhà ăn lúa mới để gửi lời chúc đến gia chủ mong một năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu. Nếu ai bỏ sót nhà nào sẽ bị thần lúa phạt tội. Bởi vậy làng nào càng nhiều nóc nhà thì trai làng càng phải ăn nhiều, đi nhiều. “Làng có 206 hộ nên theo lệ làng, ai cũng phải ghé thăm, ăn uống ở 206 ngôi nhà”, A Ngực nói.
Giữa trưa, sau khi đã ăn cơm mới ở từng nhà, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo lễ hội uống rượu mừng lúa mới của cả làng. Sau khi phân công các hộ đem rượu ghè và lễ vật tham gia ngày hội, già làng liền đi đến nhà rông đánh trống báo hiệu mời dân làng tới dự.
Nghe trống hiệu, các gia đình lục tục mang theo những thức ăn ngon, lạ cùng ghè rượu của gia đình tới nhà rông để chung vui. Chẳng mấy chốc 206 ghè rượu được chất đầy dưới chân nhà rông.
Khi mặt trời vừa đứng bóng, người dân kéo nhau về nêm chặt trước vuông sân. Họ dâng lên lễ vật mà mình tự chế biến như cơm lam, cơm nếp, rượu ghè, thịt chuột, măng rừng, cá suối... để cúng thần linh, cầu cho mùa mới mưa thuận gió hòa, bà con sung túc, đoàn kết.
Không khí tươi vui, ồn ã và những điệu chiêng trầm bổng kéo dài đến tận khuya. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, lễ hội chính mừng lúa mới của người Xê Đăng cũng dần kết thúc, một mùa lúa mới lại tiếp tục bắt đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.