Ăn chay miễn phí ở Sài Gòn

11/09/2017 10:06 GMT+7

Một chia sẻ rất ngắn kèm hình trên Facebook với nội dung: Làm sao để thêm nhiều người biết đến quán phục vụ cơm chay miễn phí cho người nghèo ở TP.HCM.

Những tấm hình kèm theo cực kỳ ấn tượng bởi cách bố trí phục vụ na ná như các tiệc buffet, đặc biệt quán lại nằm ngay trong một khu dân cư cao cấp ở Q.7. Như lo lời mời chưa đủ ấn tượng, dòng chia sẻ còn viết thêm: “Quán cơm miễn phí 100% + thêm sự chu đáo, vui vẻ, nhiệt tình, thân thiện và đầy yêu thương!!!”.
Anh Trần Thanh Long (36 tuổi), người tích cực viết chia sẻ nhờ cộng đồng mạng quảng bá giùm “nhà ăn” của mình đến càng đông người nghèo càng tốt cũng là trưởng nhóm từ thiện Nhất Tâm với quán chay chỉ trao tặng chứ không bán ở số 78 đường D1 khu Him Lam, P.Tân Hưng, Q.7 (phục vụ từ thứ hai đến thứ sáu, từ 11 - 13 giờ 30).
Đến với quán chay Nhất Tâm, người nghèo không chỉ có được những suất ăn ngon mà còn nhận được sự chăm sóc ân cần của các thành viên. Có lẽ nhờ thế mà không khí quán ăn rất vui tươi, ấp áp. Đặc biệt hơn, từ đôi đũa, muỗng, nĩa, chén tô, khay đựng thức ăn… đều dùng loại tốt. “Ăn ở quán Nhất Tâm mà tôi tưởng đang ăn ở một nhà hàng chay sang trọng nào đó chứ không phải ở một quán cơm từ thiện đơn sơ”, bà Cúc - một người bán vé số, nói.
Theo anh Long, kinh phí hoạt động của quán do các thành viên đóng góp và sẽ duy trì quán lâu chứ không phải làm ngày một ngày hai. Hiện mỗi ngày, quán cung cấp từ 200 - 350 suất ăn với các món ăn đa dạng, từ xào, mặn, canh đến trái cây tráng miệng.
Hỏi vì sao không lấy tiền tượng trưng của bà con như nhiều quán ăn từ thiện đang làm, anh Trần Thanh Long chia sẻ: “Chúng tôi mở quán ăn với thông điệp đây là một gia đình, nơi các thành viên, người phục vụ lẫn người ăn đều hướng về những điều tốt đẹp, trao gửi yêu thương không điều kiện. Mọi người về đây dùng cơm chay, trò chuyện, nói cười để cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn, cuộc sống chậm lại một chút, tạm thời quên đi cuộc sống bộn bề lo toan, phiền muộn, xóa đi mọi khoảng cách xã hội. Việc không lấy tiền của bà con sẽ không tạo nên khoảng cách giữa người ăn và người phục vụ”.
Những bạn trẻ tham gia nấu nướng, phục vụ, rửa chén bát… mà tôi gặp hay nhìn họ qua những tấm hình chia sẻ trên Facebook tất cả đều toát lên niềm vui và hào hứng với việc làm thiện nguyện của mình. Nhưng ấm áp hơn chính là cách họ cùng những người đến dùng bữa - tận tâm, thân thiện và vô tư như một gia đình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.