Ăn cắp thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật

12/11/2016 19:31 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 11.11 đăng bài Ăn cắp thông tin cá nhân.

Phải xử lý
Trong bộ luật Hình sự cũng quy định về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Theo đó, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu có thể bị phạt tù đến 7 năm. Luật đã quy định như vậy thì cần phải xử lý ngay những người ăn cắp, mua bán thông tin chủ thuê bao vì mục đích trục lợi.
Nguyễn Đức Tâm (Q.3, TP.HCM)
Không lẽ bó tay
Tôi thường xuyên bị những đơn vị, tổ chức làm phiền, gọi điện mời chào các loại dịch vụ. Điều lạ là họ biết rất rõ về cá nhân tôi như tên tuổi, nơi làm việc, thu nhập ra sao… trong khi tôi chưa từng làm việc với họ. Không riêng tôi mà bạn bè tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Chỉ có thể giải thích là những người này đã lấy thông tin của tôi từ những nơi tôi từng giao dịch, hoặc tại những nhà cung cấp dịch vụ về điện thoại, viễn thông, ngân hàng… Đúng như bài báo nói, hiện nay trên mạng có hàng trăm nơi cung cấp, mua bán thông tin khách hàng. Tình trạng này xảy ra đã lâu, người dân phản ánh cũng nhiều, nhưng tại sao nó vẫn tồn tại? Không lẽ nhà nước chịu bó tay?
Nguyễn Minh Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Kinh doanh trái phép
Rõ ràng hành vi mua bán thông tin cá nhân công khai như vậy là vi phạm pháp luật vì đó là hành vi kinh doanh trái phép. Thông tin cá nhân không là một món hàng để các bên giao dịch, mua bán. Một người bình thường mà cũng có thể dễ dàng liên hệ và tìm mua thông tin cá nhân như vậy được thì tại sao cơ quan chức năng của nhà nước lại không thể điều tra và xử lý triệt để? Phải chăng cơ quan chức năng còn chưa xem trọng quyền và lợi ích cá nhân của công dân nên vẫn chưa quyết liệt chấm dứt tình trạng này?
Nguyễn Lê Hoàng (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Cần quy chế giám sát
Có thể dễ dàng nhận thấy những đơn vị có khả năng tiết lộ thông tin khách hàng ra ngoài là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, ngân hàng, cung cấp dịch vụ về sức khỏe, hàng hóa, đại lý dịch vụ lớn… Bởi những đơn vị này có hệ thống thông tin khách hàng rất lớn. Tuy nhiên, nếu vì mục đích vụ lợi, họ hoàn toàn có thể bán các thông tin này ra bên ngoài cho những đơn vị cần nó. Vì vậy, cần phải có quy chế giám sát đối với những đơn vị có nguồn thông tin khách hàng lớn để hạn chế việc bán thông tin ra ngoài.
Trần Nhật Duy (Q.3, TP.HCM)
       
Việc bảo mật thông tin cá nhân ở VN hiện nay có thể nói là rất lỏng lẻo bởi không có những quy định cụ thể về việc các đơn vị, tổ chức phải giữ bí mật thông tin khách hàng như thế nào và nếu tiết lộ ra ngoài phải bị chế tài ra sao. Mà cho dù có quy định thì việc thực hiện như thế nào, ai sẽ là cơ quan xử lý, còn cá nhân bị xâm phạm phải bảo vệ mình như thế nào vẫn còn là câu hỏi khó trả lời. Để bảo vệ quyền hợp pháp của người dân, cơ quan nhà nước cần chủ động điều tra và xử lý các đơn vị có vi phạm, đừng chờ người dân phải có đơn tố cáo, khởi kiện thì mới điều tra.
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

       
Vấn đề mua bán thông tin cá nhân ngoài việc phục vụ công việc, đem lại lợi nhuận trái pháp luật cho một nhóm người và gây phiền toái cho cá nhân thì vấn đề còn nguy hiểm hơn là thông tin cá nhân đó có thể được bán cho những kẻ xấu, những kẻ phạm tội. Xã hội sẽ ra sao nếu thông tin cá nhân của một người có thể dễ dàng được mua bán như vậy, sẽ rất nguy hiểm cho cá nhân nếu thông tin của họ được sử dụng cho mục đích phạm tội. Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách pháp luật để ngăn chặn ngay tình trạng này.
Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
T.T - Sơn Hải (thực hiện)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.