Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01)

23/08/2013 11:33 GMT+7

Cơm tấm Nguyễn Phi Khanh, bún vịt Lê Văn Sỹ, bánh đúc Phan Đăng Lưu hay cháo lòng Nguyễn Thị Minh Khai... là những hàng quán không có bảng hiệu nhưng khi nhắc đến hầu như ai cũng biết. 1. Cơm tấm Nguyễn Phi Khanh Nhắc đến quán cơm tấm trên đường Nguyễn Phi Khanh này, nhiều người sẽ liên tưởng đến cái quán nhỏ xíu, cũ kỹ mà lúc nào cũng không ngớt khách ra vào. Lề đường dựng xe bề rộng chỉ vài tấc mà lúc nào cũng san sát xe máy. Mới bước vào khách đã cảm nhận ngay sự ngăn nắp (hay vì chật chội mà người ta gọn gàng hơn?). Đằng trước quán là một tủ kiếng nhỏ với những bình nước mắm, đồ chua, ngó sen xếp ngay ngắn cùng các món ăn kèm như bì, chả, sườn nướng. Vì chật chội nên quy trình ở đây cũng thật nhịp nhàng: người trong bếp sẽ múc sẵn cơm ra dĩa, rồi người bán ngồi ngay tủ kính sẽ lần lượt cho chả, bì hay sườn nướng lên dĩa kèm theo với chén nước mắm có đồ chua, ngó sen khá hấp dẫn.

Cơm tấm Nguyễn Phi Khanh, bún vịt Lê Văn Sỹ, bánh đúc Phan Đăng Lưu hay cháo lòng Nguyễn Thị Minh Khai... là những hàng quán không có bảng hiệu nhưng khi nhắc đến hầu như ai cũng biết.

>> Trứ danh không cần đến bảng hiệu (Phần 02) 
>>
8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn
>> 5 món bánh mì độc đáo của Sài Gòn
>> Tìm miếng sườn nướng ngon nhất Sài Gòn
>>
5 món bún khô hấp dẫn người Sài Gòn

 

1. Cơm tấm Nguyễn Phi Khanh

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn 1
Cơm bì chả ăn với chả cua rất độc đáo

Nhắc đến quán cơm tấm trên đường Nguyễn Phi Khanh này, nhiều người sẽ liên tưởng đến cái quán nhỏ xíu, cũ kỹ mà lúc nào cũng không ngớt khách ra vào. Lề đường dựng xe bề rộng chỉ vài tấc mà lúc nào cũng san sát xe máy.

Mới bước vào khách đã cảm nhận ngay sự ngăn nắp (hay vì chật chội mà người ta gọn gàng hơn?). Đằng trước quán là một tủ kiếng nhỏ với những bình nước mắm, đồ chua, ngó sen xếp ngay ngắn cùng các món ăn kèm như bì, chả, sườn nướng. Vì chật chội nên quy trình ở đây cũng thật nhịp nhàng: người trong bếp sẽ múc sẵn cơm ra dĩa, rồi người bán ngồi ngay tủ kính sẽ lần lượt cho chả, bì hay sườn nướng lên dĩa kèm theo với chén nước mắm có đồ chua, ngó sen khá hấp dẫn.

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 2
Cơm bì chả sườn với mỡ hành cùng... hành phi phủ lên trên 

Điểm độc đáo của quán cơm này là bên cạnh phần mỡ hành chan lên như thường thấy còn có thêm... hành phi, món ăn kèm thường thấy của bánh cuốn cùng nhiều món bún, hủ tiếu... Sự kết hợp có phần hơi lạ lẫm này hóa ra lại thật hợp lý, bởi cái giòn giòn của hành phi đi cùng với vị ngọt thơm của mỡ hành rất hài hòa.

Chả cua cũng là một món "lạ" ăn kèm với cơm tấm. Viên chả tròn đầy (tương tự như món thịt viên - meat ball trong ẩm thực Ý) với nhân thịt bằm và cua được nướng khen khét vàng ươm ăn chung với cơm tấm cũng rất ngon. Chan lên một chút nước mắm rồi cảm nhận từ từ phần cơm với chả, bì rồi chả cua thì mới đúng trình tự, mới cảm nhận trọn vẹn vị ngon của dĩa cơm. Một vị ngon nhẹ nhàng mà cũng thật thuần khiết.

Địa chỉ: 113a Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 01
Mở cửa: từ 6h sáng đến 1h trưa
Giá: Cơm sườn - bì - chả (42.000đ/dĩa), cơm bì - chả - chả cua (48.000đ/dĩa)

 

2. Bánh ướt Nguyễn Cư Trinh

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 3

Dĩa bánh ướt theo kiểu “Nam tiến” của xe bánh ướt này nằm trên con đường Nguyễn Cư Trinh (quận 01). Quán chỉ có đúng cái xe bánh ướt khá to cùng vài bộ bàn ghế trên lề đường, vậy mà từ sáng cho đến trưa vẫn tấp nập đủ mọi thành phần thực khách. Cái độc đáo là trên mỗi bàn có để sẵn một chai tương ớt và nước mắm để khách tự nêm nếm tùy theo khẩu vị. Dĩa bánh dọn ra cùng với mấy lát chả lụa, miếng bánh tôm nóng giòn cùng với rau giá, rắc lên một chút hành phi cùng nước mắm chan sẵn. Để thưởng thức hết cái ngon thì bạn phải nêm thêm một chút tương ớt. Tương ớt ở đây khá giống loại tương người Hoa hay dùng trong món gỏi khô bò, là một hỗn hợp giữa ớt xay nhuyễn nêm với dấm. Vị chua cay đó cùng với vị mặn & ngọt của nước mắm len lỏi vào từng lát bánh ướt, thấm vào miếng bánh tôm giòn rụm. Hẳn bạn sẽ vừa ăn vừa xuýt xoa rồi gọi thêm ly trà đá để giảm bớt vị cay xé lưỡi này.

Khi đến đây ăn bạn đừng ngạc nhiên khi thấy quá  nhiều dĩa bánh ướt đỏ rực vì ớt. Và cũng đừng quên gọi sẵn cho mình một ly trà đá để làm dịu đi cái cay nồng mà bạn chuẩn bị đối diện. Ngon vì quá cay, thoạt nghe mâu thuẫn nhưng đảm bảo sẽ là một trải nghiệm thú vị và độc đáo của bánh ướt Sài Gòn.

Địa chỉ: 91 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 01
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h trưa
Giá: Bánh ướt chả lụa & bánh tôm (25.000đ/dĩa)

 

3. Bánh canh bột gạo cắt góc ngã tư Nguyễn Văn Thủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 5
Tô bánh canh bột gạo cắt hấp dẫn

Món bánh canh bột gạo cắt nằm ở lề đường góc ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 01) khiến nhiều người mê mẩn bởi sự độc đáo trong thành phần cùng nước lèo ngon ngọt và đậm đà.

Chủ quán, chị Trang, cho biết món bánh canh này do chị tự sáng tạo nên sau khi tham khảo món ăn ở nhiều vùng miền. Là người gốc Bạc Liêu, chị Trang có thể nấu món bún nước lèo rất ngon, nhưng sau khi món bánh canh “made in chị Trang” được thực khách hào hứng đón nhận thì chị chỉ bán duy nhất món này.

“Ở Sài Gòn, bí quyết đắt hàng là chỉ nấu một món cho thật ngon và chọn đồ tươi để nấu”, chị Trang đúc kết.

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 6
Sợi bánh canh đều nhau, dẹt chứ không tròn như đa phần các quán bán bánh canh khác

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 7
Phong phú những món ngon ăn với bánh canh: tôm tươi, thịt nạc dăm và chả cá

Sợi bánh canh của quán chị Trang độc đáo bởi gia đình tự làm, có dùng máy cắt bột nên các sợi đều nhau, dẹt chứ không tròn như đa phần các quán bán bánh canh khác. Khi ăn cảm nhận rõ sự mềm mại của bột gạo nhiều hơn bột năng, quyện với nước dùng thật đậm đà.

Chị Trang chia sẻ, những nguyên liệu làm nên món bánh canh của mình được lựa rất kỹ: tôm phải tươi, thịt nạc mềm là nhờ chọn loại nạc dăm, chả cá gia đình tự làm từ nhiều loại cá khác nhau, trong đó có cá thu. Nồi nước dùng phải luôn sôi ùng ục để tô bánh canh nóng hổi khi múc ra thì mới ngon.

Địa chỉ: Vỉa hè góc ngã tư Nguyễn Văn Thủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 01
Mở cửa: sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 2h30 đến 7h30 tối
Giá: Bánh canh bột gạo cắt (tô thường 27.000đ, tô đầy đủ 29.000đ, tô đặc biệt 60.000đ)

 

4. Bánh mì bì hẻm 150 Nguyễn Trãi

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 4

Xe bánh mì nhỏ trong hẻm Nguyễn Trãi này đã thành danh hơn 20 năm nay với món bánh mì bì. Có thể nói vào đầu những năm 90, đây là một trong những xe bánh mì bì đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn. Nhiều năm sau đó các xe bánh mì thịt mới bắt đầu phục vụ thêm món bánh mì ăn kèm với bì và nước mắm này.

Cách ăn bánh mì bì cũng tương tự với... cơm tấm, tức là quết mỡ hành lên dọc ổ bánh mì, cho bì cùng các loại đồ chua, dưa leo, ngò rồi chan nước mắm lên. Cách trộn bì ở đây khá đặc biệt với phần thịt nạc được để riêng rất "chất lượng". Đó là chưa kể lớp mỡ hành thơm dịu làm "nền" để hương vị đậm đà của nước mắm cùng lớp bì và đồ chua hòa quyện cùng nhau.

Địa chỉ: Đầu hẻm 150 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 01
Mở cửa: từ 6h sáng đến 11h trưa
Giá: Bánh mì bì (15.000đ/ổ)

 

 

 

5. Cháo lòng hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai

 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 8
Lòng heo hấp dẫn ăn kèm với cháo

Cháo lòng hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai kết hợp được khẩu vị đủ cả Bắc, Trung Nam, có lẽ vì vậy mà quán này lúc nào cũng nườm nượp khách. Lòng ở đây rất tươi mới và khi ăn không còn mùi hôi đặc trưng. Cháo là loại gạo nát, vừa rời, vừa dẻo, vậy nên gu Bắc hay Nam ăn đều thích.

Chủ quán nhất định không nói tên mà tự hào: "Cháo lòng Minh Khai" đã là một thương hiệu rồi. Có những Việt kiều kể lại, ra xứ người mà tả với nhau rằng mình ở gần cái hẻm cháo lòng ở đường Minh Khai là ai cũng biết.

Dĩa lòng ở đây có đủ những thứ khoái khẩu có thể "khai thác" từ một con heo. Người mô tả dĩa lòng heo hay nhất cho đến nay chỉ có thể là nhà văn Vũ Bằng: “Thực mà, không nước nào lại có một thức ăn lạ như lòng lợn của ta. Cũng là trong con lợn cả, mà mỗi bộ phận ăn ngon một cách: gan thì ngòn ngọt mà lại đăng đắng, ăn vào với rau mùi lại thấy thơm thơm; tim nhai vào trong miệng mềm cứ lừ đi; cổ hũ giòn tanh tách; lòng tràng sậm sựt; còn ruột non thì quả là đáo để, mới cắn tưởng là dai nhưng kỳ thực lại mềm, ăn vào cứ lo nó đắng thành thử đến lúc thấy nó ngọt và bùi và thì cái bùi cái ngọt ấy lại càng giá trị…” (trích trong quyển Miếng ngon Hà Nội).

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 9
Dĩa lòng heo "đa phong cách" hội tụ đầy đủ hương vị Bắc Trung Nam

Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn (Phần 01) 10
Tô cháo lòng nóng hổi ngày mưa 

Điểm rất khác biệt nữa của cách ăn cháo lòng Sài Gòn là không ăn cùng mắm tôm như ngoài Bắc mà ăn với nước chấm chua ngọt, thả vào một ít ớt bằm, gừng thái sợi ăn cũng rất chí lý. Cũng là dĩa lòng thôi, mà quán nào làm nước mắm ngon hơn là quán đó chắc chắn hút khách. Vậy nên, nước mắm chấm lòng heo cũng đáng đưa vào phát minh của ẩm thực Sài Gòn lắm chứ.

Món dồi heo ở hẻm Minh Khai cũng có hai kiểu Nam và Bắc, dồi heo kiểu Bắc có huyết, rau thơm, dồi heo kiểu Nam không có huyết mà có hai loại thịt nạc và mỡ rồi đem chiên lên, ăn rất đậm đà. Chủ quán cho biết, thực khách vào đây thường kêu dĩa lòng đầy đủ chứ không phân biệt kiểu Nam hay Bắc nữa.

Dường như có rất nhiều con hẻm ở Sài Gòn gắn liền với một món ăn đặc trưng và trở thành ký ức thân thương của nhiều người. Hẻm cháo lòng Minh Khai có tuổi đời hơn 20 năm là một ví dụ về một món ăn đã gắn bó với người Sài Gòn qua bao thăng trầm của cuộc sống, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực đất Sài thành.

Địa chỉ: đầu hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 01
Mở cửa: từ 2h chiều đến 8h-9h tối
Giá: Cháo lòng (28.000đ/tô), dĩa lòng nhỏ (35.000đ/dĩa), dĩa lòng lớn (70.000đ/dĩa)

 

>> Xem tiếp Phần 02 Trứ danh không cần đến bảng hiệu ở Sài Gòn

 

P.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.