Nhớ món ăn quê hương Bến Tre

11/12/2012 10:05 GMT+7

Chúng tôi, những đứa con xa quê Bến Tre hôm nào gặp nhau dù khó mấy cũng cố nấu những món ăn quê nhà như một lời xin lỗi cố hương. Quê tôi xưa có khá nhiều cua đồng, chịu khó lăn lội ra các bờ kênh rạch thụt vài giờ là có thể vác về hàng ký cua đồng đựng trong các thùng thiếc như chơi.

Chúng tôi, những đứa con xa quê Bến Tre hôm nào gặp nhau dù khó mấy cũng cố nấu những món ăn quê nhà như một lời xin lỗi cố hương. Quê tôi xưa có khá nhiều cua đồng, chịu khó lăn lội ra các bờ kênh rạch thụt vài giờ là có thể vác về hàng ký cua đồng đựng trong các thùng thiếc như chơi.

 Nhớ món ăn quê hương

Bắt chúng bằng bao tay hay bằng kẹp thì không ổn, vì vậy sau mỗi lần ra quân là chúng tôi đều bị cua kẹp máu me lem luốc. Vậy mà vui mới lạ. Có nhiều cách chế biến nhưng quê tôi hay chọn làm hai món ăn “đặc chủng” là cháo cua và bún riêu. Còn chúng tôi khoái món cua nướng than ăn với muối tiêu chanh hay muốt ớt hiểm.

Nói đến miền Tây nói chung, Bến Tre nói riêng mà không nhắc tới đặc sản ba khía là thiếu sót lớn. Lúc còn thơ ấu, chúng tôi thường kéo nhau ra các bờ sông vừa hái bần chua để nấu canh, vừa tổ chức đá banh cạnh rặng bần, mắm, đước, lại vừa bắt ba khía đem về.

Dân quê tôi rất khoái món ba khía trộn chanh, ớt tỏi, đường, rau sống ăn rất ngon, nhất là khi trời mưa, đói bụng ăn với cơm cháy. Người khá giả dùng chúng để chế biến các món ăn khác như ba khía rang me, rang mỡ hành, nấu chao… Xấp nhỏ như tôi khoái món ba khía ăn với khoai lang, khoai mì luộc.

Người sành điệu chọn ba khía có gạch son thân no tròn, càng màu đỏ, có túi trứng để chế biến vì mùi vị rất thơm ngon. Gần đây trên lĩnh vực âm nhạc xuất hiện một bài hát mang tên Anh Ba Khía rất được mọi người yêu thích vì gợi nhớ nỗi nhớ quê thấm thía vô cùng.

Đặc sản thứ ba ở quê tôi là mắm còng. Theo người xưa kể lại thịt chúng chắc hay ốp tùy theo con trăng (theo âm lịch). Còng có nhiều loại: còng lửa, còng ta, còng voi, còng gió… Lúc xưa, chúng tôi bắt chúng rất khó khăn vì chúng đánh hơi nhanh và rất tinh khôn. Nghe động là chúng chui sâu dưới hang nhanh như chớp. Hồi nhỏ nội tôi thường chọn những con còng lớn, thịt chắc để làm mắm còng, số còn lại bằm nhuyễn cho vịt tàu hay ngỗng ăn. Mắm thường không làm trái mùa vì mùi vị mất ngon, không thơm. Có thể nói mắm còng xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nổi tiếng nhất tỉnh. Hấp dẫn nhất là ăn mắm còng trộn khóm kèm cơm cháy, tép rang dừa và cháo sò.

Quê tôi còn một món ăn dân dã nhưng khá ngon là nghêu hấp gừng. Ven biển Bến Tre nên xuất hiện khá nhiều ghe cào nghêu. Đơn vị mua bán hồi xưa là lít làm bằng lon thiếc chứ không cân ký như hiện nay. Chúng tôi thường tụ tập ở ven sông chất rơm hay củi mục để nấu nghêu. Khi chín chúng tự hé vỏ tỏa mùi thơm phức.

Xa quê khá lâu, mỗi khi đi qua những con đường, đi vào những trung tâm thương mại, quán ăn, chợt thấy nôn nao thương nhớ quê nhà khi nhìn thấy các chú cua đồng, ba khía, nghêu được chế biến phục vụ “thượng đế” khắp nơi. Riêng mắm còng hiếm hoi hơn. Chợt giật mình khi đọc một dòng tin: “…người ta dùng thuốc trừ sâu làm mồi câu ba khía, nhử cua đồng nên bắt chúng nhanh và nhiều, hậu quả không ai lường trước được…”. Một thông tin khác xót xa không kém “… nghêu tặc quê tôi lộng hành miền sông nước, tận diệt những mầm sống mới sinh sôi…”.

Những món ăn xứ sở sao cứ đắng lòng, đắng miệng đến vô cùng

Theo Triệu Mỹ Ngọc / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.