Lao xao lá lốt

12/03/2013 04:57 GMT+7

Lá lốt bình dị như cỏ dại nhưng “phò trợ” cho nhiều món ăn bài thuốc thật tinh diệu!

Lá lốt bình dị như cỏ dại nhưng “phò trợ” cho nhiều món ăn bài thuốc thật tinh diệu! 

“Cha đố Cu Bi, Tề Thiên có bị bệnh không?

- Không hề!

- Sai bét! Tề Thiên từng bị cảm lạnh suýt chết. Khi bị Hồng Hà Nhi đốt rụi chỉ còn trái tim thoi thóp, Tề gượng chút hơi tàn lăn xuống sông cho đỡ nóng, nào ngờ bị cảm lạnh ngất ngư.

- Ừ há!

- Lúc đó, nếu Tề biết ăn lá lốt sẽ mau hết bệnh hơn, khỏi để Bát Giới hô hấp nhân tạo. Lại khỏi nghe họ trư làu bàu kể công.

- Ồ! Thật vậy sao?” 

Nương theo bờ rào

Chưa thấy tài liệu nào xác định “tổ tiên” của lá lốt được bao nhiêu tuổi. Và chắc rằng, trước khi “danh trấn” trong làng món ăn bài thuốc Việt thì anh lá lốt chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt - cỏ dại.

Lao xao lá lốt 2
Ngược dòng thời gian, từ Ô Châu ác địa Thuận Hóa, lá lốt đã theo chân đoàn dân
Nam tiến hành phương Nam - Ảnh: Khánh Vy

Song theo sánh Nguyễn Phúc Tộc Đế Phả Tường Giải Đồ, do con cháu vua Minh Mệnh ghi lại, thì lá lốt có công không nhỏ trong tiến trình kiến tạo sức khỏe giống nòi. 

Ngược dòng thời gian, từ Ô Châu ác địa Thuận Hóa, lá lốt đã theo chân đoàn dân Nam tiến hành phương Nam. Sau một ngày lao động cật lực, ngẩng đầu thấy đàn cò trắng hối hả bay về tổ, nhìn dãy lá lốt mướt xanh bên bờ rào - hình bóng quê nhà trong họ lại lao xao hiện về! Mặt khác, theo y thực Việt lá lốt tốt cho tim mạch, khí huyết, ngừa những bệnh thời khí do thời tiết thay đổi thất thường rất hay. 

Ngày thường, lá lốt vẫn xanh tươi bên bờ rào, dưới lũy tre, không “ăn” nhiều phân chỉ thích ẩm ướt, ít sâu bệnh, mặc gia chủ nhớ hay quên. 

Hiến nhiều vị thuốc

Điểm khác biệt cốt yếu giữa một liều thuốc ta với thuốc tây là sự hứng khởi và không có phản ứng phụ. Tuy nhiên, cũng tùy cơ địa mỗi người, có người ăn một bữa lá lốt đã thấy bớt bệnh có người ba - bảy bữa mới “ép – phê”. 

Và khi khả năng ứng dụng món ngon bài thuốc lá lốt của bạn đạt đến mức thượng thừa, sẽ lạc ngay vào cõi... khoái! Như vậy là tùy cơ ứng biến, cũng như Lệnh Hồ Xung dùng hư chiêu đối hữu chiêu vẫn thắng ngon lành.

 
Theo đông y, lá lốt giúp “kiện vị, giáng khí, thông khiếu và trị phong thấp”.

Giả sử bạn đang dùng món cá hoặc thịt kho thì lá lốt sẽ là rau sống ăn kèm. Lượng tinh dầu cay the dịu nhẹ trong lá lốt sẽ giúp khử tanh, kích thích khẩu vị và trợ tiêu. Muốn cho gam màu đĩa rau thêm lấp lánh có thể gia thêm giá sống, dưa leo... Đặc biệt với món bánh xèo nhiều dầu mỡ, giàu đạm, lá lốt có thể giúp bạn bớt ớn ngán và không bị ợ chua. Còn bậc thầy nội trợ Huế Trương Thị Bích, trong quyển Thực Phổ Bách Thiên đã chỉ thêm: “Hầm mít lại ưa sân với lốt...” 

Bò nướng lá lốt là món ăn bổ dưỡng, dễ làm nhưng khó hoàn hảo. Một số điểm bán món này ở vỉa hè TP.HCM nghe dậy mùi thơm thật hấp dẫn và lờ mờ sương khói, trông có phần... bí ẩn. Nếu “nhẹ dạ” (bao tử yếu) bạn có thể bị Tào Tháo rượt cùng đuổi tận! 

Theo những bậc sành ăn, món này phải có ít mỡ chài, rồi lá lốt nhúng sơ qua dầu phộng vừa sôi, quấn thịt nạc bò tơ hay bê thui bằm nhỏ để cả da, rắc ít mè. Dưới sức nóng của than hồng, mỡ chài sẽ tuôn rỉ rả, thấm vào thịt, trào ra ngoài, bị lớp lá lốt “áo” dầu phộng giữ lại - giao hòa - rồi thấm ngược vào trong. Có khi không ngăn nổi, vài giọt mỡ trắng trong rơi nghe xèo... xèo, làm mát “má” than hồng. Tức thì, khói tỏa lên mịn màng và thơm mê hồn. Cặp thêm con mắm cái cá cơm than vừa “chín” tới, kèm miếng khóm (dứa), chuối chát... Ngon ngậm mà nghe!

Lao xao lá lốt 1
Lượng tinh dầu cay the dịu nhẹ trong lá lốt sẽ giúp khử tanh, kích thích
khẩu vị và trợ tiêu - Ảnh: Hạnh Chi

Đôi khi lá Diêu bông mơ hồ xưa, đơn giản chỉ là là lốt. Không tin, bạn thử xào lá lốt với lươn hoặc nhộng ong hay nhộng tằm ăn thường để trị chứng lửa “bu-gi” chập chờn.  

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.