Gà miền Trung "nam tiến"

22/04/2013 07:08 GMT+7

Dải đất miền Trung giàu nắng gió, lắm sỏi đá lại sản sinh nhiều giống gà ngon.

Dải đất miền Trung giàu nắng gió, lắm sỏi đá lại sản sinh nhiều giống gà ngon. Chúng đang Nam tiến!

>> Mang bưởi đi “ấp” gà tre
>> Món lạ Sài Gòn: Gà lão giả cầy

 Gà miền Trung "nam tiến" 1
Thịt gà miền trung nuôi "nửa" công nghiệp trắng tươi - Ảnh: Tấn Tới

Những ai từng sống hoặc đến miền Trung, có dịp thưởng thức thịt gà đi bộ đều khó quên. Như gà kiến của Bình Định hay Phú Yên; gà rừng Lương Sơn, Nha Trang; gà tre Đèo Le, Quảng Nam... Không ít dân “nẫu” tỏa đi lập nghiệp xứ khác, mang theo cả sản vật quê nhà, trước làm kế sinh nhai sau thỏa nỗi nhớ quê hương!

Nhiều gà “lai”

Sau khi thương hiệu cơm gà Bà Luận đứng vững ở thị trường TP.HCM, nhiều tiệm gà miền Trung khác cũng mọc lên. Chúng hiện diện rải rác khắp các vùng ven Sài Gòn như Q.2, Q.7, Q.8, Q.Gò Vấp và thẳng tiến về tỉnh Bình Dương. Lượng gà này được tiêu thụ hàng ngày ở mức “khủng khiếp”, như lời một chủ quán cháo gà Tam Kỳ... lai, ở Q.12, TP.HCM cho biết.
 
Tuy chất lượng không bằng gà Tam Kỳ chính hiệu nhưng giá mềm hơn, cho nên nhiều công nhân, tài xế xe ôm... thường ghé lại các quán gà miền Trung nói trên để nhâm nhi. Da gà rất giòn, nặng cỡ 1,2kg - 1,3kg/con, vẫn da vàng, chân chim (chân nhỏ, hơi giống chân gà tre, gà rừng). Chỉ khác ở chỗ thịt gà hơi bở, nếu cảm nhận kỹ.

Anh Phạm Văn Tâm, ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), chủ một chiếc xe tải nhỏ, cẩn thận treo túi gà luộc vào cổ xe máy. Những ngày mùng một và mười sáu âm lịch hàng tháng, anh Tâm đều mua dạng gà này về “cúng xe”. Anh Tâm nói: “ Rẻ, tiện và khá ngon. 150.000 đồng/con, có đủ cháo, rau và gia vị trộn gỏi. Cúng xong, cả nhà tôi 4 người với bác tài hưởng lộc đến căng bụng.”

Anh Nguyễn Văn Phụng, ở Nha Trang còn khoe mình có tài nuôi vỗ gà con "nửa" công nghiệp. Theo anh Phụng, gà đất từ khi mới nở đến 45 ngày tuổi sẽ được dưỡng trong lồng, ăn thức ăn công nghiệp. Sau đó gà được thả vườn thêm hai tháng đến hai tháng rưỡi, sẽ xuất chuồng với tên gà ta hoặc gà đất. Giai đoạn sau, gà ăn 50% thức ăn + 50% lúa hoặc bắp, ít nhất phải 6 tháng tuổi mới lên đĩa được.

Gà "vệ sĩ"

Anh Trần Văn Cường, chủ nhà hàng Hội An ở TP.HCM, khẳng định lượng gà quê rặt “không bao giờ đủ” cung cấp cho thị trường TP.HCM. Thế nên, khách muốn thưởng thức gà đúng... quê, phải chịu khó đặt trước.

 Gà miền Trung "nam tiến" 2
Sớ thịt gà miền Trung lai tre, hơi ngã nâu - Ảnh: Tấn Tới

Ông Phạm Văn Hùng ở Q.Tân Bình, TP.HCM, gốc Hội An còn chia sẻ: “Thịt gà ngon lúc chín, hơi ngã màu nâu chứ không trắng tươi”.

Hè vừa rồi, vợ chồng ông về lại phố Hội. Thèm “gà xưa”, ông phải nhờ lái gà quen lùng mua một con trống nặng khoảng 800g, giá 150.000 đồng. “Chu choa da sát thịt. Hắn không có một tí mỡ...”, ông kể, vẻ mặt vẫn còn... thèm.

Một anh bạn gốc Quảng mời: “Mi ra Đại Lộc quê tao. Tao đãi gà tre thả rong nấu cháo đậu đen ngon số một!”

Còn một loại gà ta miền Trung khác cho thịt thơm ngon tuyệt vời, nhưng chưa chắc có tiền đã mua được. Gà được thả rong cùng với heo mọi trong rẫy hoặc vườn cao su ở Long Khánh, Đồng Nai và Tây Ninh. Ngoài việc cho thịt ngon “nhức răng”, gà còn làm “vệ sĩ” cho heo. Bởi heo sợ rết, bò cạp... còn gà thì khoái.

 

Tấn Tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.