Chân giò nấu rựa mận

24/04/2010 16:55 GMT+7

(TNTT>) Món ăn này được lấy cảm hứng từ món thịt chó, có người gọi là giả cầy, có người gọi là rựa mận hay cũng có vùng gọi là giò heo nấu rượu mận. Chẳng có tí rượu cay cay nồng nồng nào mà người ăn say đến lạ. Có lẽ họ say vì hương vị quyến rũ của nó.

Trong những lúc thời tiết se lạnh, người ta lại nồng nàn nhớ tới những món ăn nóng hổi làm ấm lòng. Riêng tôi không thể quên được hình ảnh khói nghi ngút,  hương quấn quýt, vị nồng nàn của chân giò rựa mận. Món ăn như khúc biến tấu của mẹ cho những người không ăn được thịt chó như tôi, nhưng vẫn ghiền cái mùi riềng, mẻ, mắm tôm thơm dạt dào, bởi mẹ hay sáng tạo, chế biến những món mới cho cả nhà cùng "chiến đấu". 

Nguyên liệu cây nhà lá vườn

Ở quê, hầu như nhà ai cũng có khoảnh vườn  rộng trồng nhiều loại rau củ. Để nấu món chân giò rựa mận, các chị nội trợ phải chuẩn bị khâu nguyên liệu kỹ càng. Muốn có rau chỉ cần ào ra vườn ngắt vài phút là được một rổ, còn củ thì bới lên từ dưới lớp đất tơi xốp, rồi rửa sạch mà dùng, thật tươi ngon. Tiếp theo, chọn 1kg chân giò (dùng chân trước ngon hơn bởi ít mỡ, thịt săn chắc) đem cạo rửa sạch, dùng rơm thui cho da heo săn lại, tạo một lớp vỏ bọc ngoài vàng đều. Lúc đó chân giò sẽ dậy lên mùi hương giò thui hết sức hấp dẫn.

Sau đó cạo lớp da, rửa lại nhiều lần nước cho sạch khói bụi khi thui, rồi đem chặt thành miếng hình chữ nhật khoảng 3cm x 2cm. Xong, đem hỗn hợp mẻ, mắm tôm nghiền nát, dùng rây lọc lấy nước bỏ bã. Riềng tươi dùng khoảng 50gr cạo sạch vỏ rồi bằm, giã nhỏ. Lại thêm hành củ 50gr rửa sạch bằm nhỏ. Đặc biệt cần chuẩn bị nước dừa tươi, thêm vài nhánh sả đập dập. Còn phần gia vị kèm theo là cà-ri, ngũ vị hương, muối, hạt nêm.

Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, cho phần chân giò đã chặt miếng ướp với mẻ, mắm tôm, riềng, hành băm, hạt nêm, cà-ri, ngũ vị hương, nước dừa tươi. Ướp khoảng 45 phút cho thấm gia vị. Tiếp theo, bắc nồi chân giò lên bếp, cho vài nhánh sả đập giập vào, đậy vung, đun  lửa lớn cho thịt săn chắc lại.

Khi thịt săn, chế nước dừa tươi vào rồi đậy vung. Sau khi sôi trở lại thì bớt lửa để sôi liu riu khoảng 1 tiếng rưỡi, thỉnh thoảng nhớ đảo đều nhẹ tay cho thịt và gia vị hòa quyện, có thể thêm nước sôi nếu ít nước. Khi thịt chín mềm, nước còn sền sệt nêm lại lần cuối cho vừa ăn, thế là đã hoàn tất công đoạn nấu.

Thưởng thức và cảm nhận

Mở nắp nồi, rựa mận chân giò nghi ngút hương thơm đặc trưng. Đó không phải là mùi của thịt heo quen thuộc, cũng không phải mùi thịt con "gâu gâu" mà đây là mùi của thịt heo thui cộng riềng, mẻ, mắm tôm, sả, đúng hương  vị  của  heo giả cầy. Mùi hương đặc trưng, quyến rũ của nó kéo người ta xích lại gần hơn, lại còn màu vàng ươm trên từng đường gân thớ thịt cong cong chờ đợi. Đặc biệt là miếng thịt rất mềm trong khi da ngoài vẫn không bể, nổi bật màu nước sóng sánh ánh vàng.

Cả nhà quây quần cùng nhau thưởng thức bên nồi rựa mận chân giò nóng hổi ấm cúng. Có thể dùng chung món này với bún hoặc cơm trắng. Món này không thể thiếu rau húng quế tạo mùi đặc trưng và những cọng ngổ thân tròn mọng nước.

Gắp khoanh bún vào chén, nhón thêm  miếng thịt, chan chút nước sền sệt hòa quyện  hương riềng sả, hít một hơi thật sâu, rồi nhẩn nha đưa đũa vào miệng, ôi ngon không gì bằng! Càng khoái khẩu hơn nếu có thêm một ít dưa leo giòn giòn, ngọt thanh, hái sau vườn, chấm với nước béo sền sệt. Món này còn được coi là vị thuốc hay. Hương vị củ riềng làm ấm tỳ vị, đánh tan khí lạnh, lợi tiêu hóa. Trong khi những củ sả kết hợp với các loại rau khác làm nổi bật hương vị một cách hoàn hảo.

Mai Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.