Bữa cơm 30 Tết của người Hoa

09/02/2015 08:25 GMT+7

Trong những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán, văn hóa tâm linh và văn hóa gia đình của đồng bào Hoa cưu ngụ tại Việt Nam được thể hiện đậm nét.

Trong những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán, văn hóa tâm linh và văn hóa gia đình của đồng bào Hoa cưu ngụ tại Việt Nam được thể hiện đậm nét.

 Bữa cơm 30 Tết của người Hoa 1
Cù lao là món ăn nóng rất hợp với khẩu vị của người Hoa - Ảnh: Giang Vũ

Đồng bào Hoa cư ngụ tại Việt Nam hơn ba trăm trăm năm đã đóng góp vào kho tàng văn hóa nước ta nhiều mỹ tục. Trong những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán, văn hóa tâm linh và văn hóa gia đình của họ được thể hiện đậm nét. Vì ngày Tết là ngày sum họp, đầm ấm của cả gia đình sau một năm lo toan vất vả, có khi mỗi người một phương xa kiếm sống. Cho nên dù giàu dù nghèo, dù bận rộn như thế nào, nhất định ngày 30 Tết những người con trong gia đình cũng đều phải có mặt, để bắt đầu hưởng Tết trong bữa cơm tất niên. Đó là bữa cơm đoàn viên, sau khi cúng rước ông bà về vui Tết cùng cháu con. Họ đốt nhang, quỳ lạy, khấn vái ông bà phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, ngoan ngoãn, làm ăn phát tài phát lộc...

Để có bữa cúng ấy, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ, cùng chung tay nấu nướng. Các thức cúng gồm: xào, kho, chiên, nướng… Thiếu món gì cũng được nhưng nhất thiết phải có hai món, là “cù lao” và cá chiên xốt chua ngọt.

 Bữa cơm 30 Tết của người Hoa 2
Cù lao lúc nào cũng đỏ lửa, khi ăn gần cạn, người ta múc thực phẩm
trong nồi lớn sớt tiếp… - Ảnh: Giang Vũ

Cù lao là món ngon “đệ nhất” với họ. Đó là một cái nồi hình chuông đặt ngửa. Bên trong nổi lên cái ống hình tròn, là “cù lao”, dùng để cho than vào và tro than khi cháy rớt xuống tấm lưới dưới đáy. Nồi được gắn trên chân đứng hình trụ, hơi túm phần tiếp giáp với nồi. Bên dưới chân đứng có khoảng miệng rộng để gió lùa vào, thổi ngược lên trên, khiến cho than hồng trong cái “cù lao” giữa nồi lúc nào cũng đỏ rực (cù lao được làm bằng đồng, thau, nhôm.. tuy nhiên bây giờ nó là loại hàng hiếm). Bao quanh cù lao là thực phẩm khá đa dạng và nước lèo. Thực phẩm gồm các nguyên liệu: thịt nạc, tim, gan, phèo, phổi, cật… heo cùng bắp cải, cải thảo, xúp lơ, tép bạc đất, nấm mèo, nấm đông cô, nấm rơm, tôm khô, khô mực, dưa cải… Vì là món “đệ nhất ngon” nên cù lao được làm công phu và rất tốn kém. Tất cả được nấu trong cái nồi bự được hầm nhừ xương heo trước đó. Khi các thực phẩm trong nồi đã chin mới được sớt qua cù lao. Cù lao lúc nào cũng đỏ lửa, khi ăn gần cạn, người ta múc thực phẩm trong nồi lớn sớt tiếp…

Cá chiên xốt chua ngọt, gọi là “niên niên hữu dư”, vì cá trong tiếng Hoa đồng âm với từ “dư”. Thưởng thức món nầy, họ mong muốn năm mới làm ăn lúc nào cũng phát đạt, dư dả. Thường thì họ dùng cá lù đù để làm món chiên xốt chua ngọt. Cá lù đù còn có tên là cá đỏ dạ, vì dưới bụng cá có màu đỏ. Cá được người Hoa gọi cá “vàng”. “Vàng” cũng là đặc điểm mà họ rất mong có trong công việc làm ăn vào năm tới của gia đình. Để thực hiện món nầy, họ chiên cá chín vàng, dọn ra dĩa, rồi rưới nước xốt cà chua lên.

Cúng “tất” (tất niên) xong, các món ăn được dọn ra bàn. Trong khói nhang thơm còn quyện nghi ngút, cả gia đình quần tụ xung quanh bàn ăn, vừa xì xụp ăn vừa nói kể những câu chuyện đã qua trong cuộc đời, trong gia đình mình cho nhau nghe. Họ thể hiện hoài bão, ước mong trong năm mới. Đặc biệt mọi tị hiềm, nếu có, cũng được họ xí xóa qua ly rượu ấm nồng tình thủ túc. Qua hơi nóng ấm của cái cù lao tỏa ra, tình thâm thủ túc càng thêm mặn nồng. Những miếng thịt, con tép, con tôm khô, tai nấm… ngọt ngào, thơm thảo được đưa vào cơ thể. Ngon là những miếng phèo non nhai xừn xựt trong răng tươm vị đắng thích thú và cái sự dai dai hiếm có. Rồi những miếng da heo nấu mềm, đưa cà vào thành cù lao sẽ phát ra tiếng xèo xèo vui tai cùng mùi khét nhẹ thích mũi. Khi ăn sẽ cảm nhận vị ngọt của nước cù lao tươm đầy kẽ răng cùng hương vị của miếng da heo khô nấu chín lạ lẫm trong vòm họng… Bữa cơm càng ngon hơn khi thưởng thức vị chua, ngọt, mặn, cay của thịt cá chiên, của gia vị làm xốt.

Ăn xong, như thường lệ, là tráng miệng với món chè ỷ, hoặc chè bạch quả. Thưởng thức món ngọt, với họ, là “khổ”  đã “tận” thì “cam” sẽ “lai”. Đó cũng là ước vọng những tháng ngày sắp tới sẽ ngọt ngảo, đơm hoa kết trái trong cuộc đời họ, hơn những ngày tháng năm cũ đã qua, nếu có.

Cát Lộc
Ảnh: Giang Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.