Bánh xèo gần thường, xa thương

12/11/2015 11:27 GMT+7

Hình như tình yêu quê nhà thường “tình tang” với một món ăn nào đó. Có phải vậy không mà giữa một chiều xa quê như chiều nay tự nhiên ngẩn ra mà nhớ… bánh xèo?

Hình như tình yêu quê nhà thường “tình tang” với một món ăn nào đó. Có phải vậy không mà giữa một chiều xa quê như chiều nay tự nhiên ngẩn ra mà nhớ… bánh xèo?

Dường như bốn mùa trong năm đều lần lượt để lại sắc màu của nó trên... cái bánh xèo quê. Bánh xèo giêng hai có ruốc biển hồng hồng, béo ơi là béo. Sang mùa hạ, bánh xèo biến tấu thêm chút giá đỗ, thịt nạc, ăn mát mềm cái lưỡi. Khi mùa thu đến, bánh xèo có thêm mấy chú tép đồng đỏ lựng, ngòn ngọt, giòn giòn. Mùa gió mưa về, bánh xèo chống lạnh bằng những con tôm đất mập mạp, thơm lựng, nuốt xuống bụng rồi mà cái chất ngọt ấm vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.
Bánh xèo gần thường, xa thương - ảnh 1Sáng sớm, khi những nếp nhà trong xóm còn im lìm trong sương mai đã thấy quán dì Năm Hậu ở đầu xóm đỏ đèn, mười bữa như chục bất kể gió mưa. Hòa cùng với tiếng gà gáy rộ gần xa, tiếng “xèo xèo” trong quán của dì cũng là thanh âm chộn rộn “chào buổi sáng” - Ảnh: Anh Chau Nguyen
Ngày nhỏ, cứ ngang qua hàng bánh xèo là nuốt nước miếng đánh ực. Chị gái hỏi em thích bánh xèo mùa nào, em nói ngay “bánh xèo mùa đông”, bởi cái bánh mùa này vừa có mấy con tôm đất ngọt lịm, lại vừa… đẹp vì màu vàng mơ màng của nghệ tươi. Hơn thế nữa, trong cái lạnh căm căm của mưa phùn gió bấc, chỉ mới rứt miếng bánh xèo nóng chấm vào chén mắm mà đã nghe chất ấm lan tỏa đâu đây.
Sáng sớm, khi những nếp nhà trong xóm còn im lìm trong sương mai đã thấy quán dì Năm Hậu ở đầu xóm đỏ đèn, mười bữa như chục bất kể gió mưa. Dì lọc cọc bê cái này, bưng cái kia từ nhà ra quán khoảng nửa giờ là đã nghe tiếng “xèo xèo” của vá bột đổ vào khuôn bánh. Hòa cùng với tiếng gà gáy rộ gần xa, tiếng “xèo xèo” trong quán của dì cũng là thanh âm chộn rộn “chào buổi sáng”.
Dăm ba người ra đồng, vài ba người đi biển giấc hừng đông thường có thói quen ghé quán dì đầu tiên. Họ ngồi trên đòn tre, rứt miếng bánh xèo vừa được vớt khỏi khuôn, chấm chấm nhai nhai, khen bánh xèo bữa nay dai, khen dì Năm Hậu lúc nào cũng giữ được “bản sắc” của bánh xèo làng mình. Những cái bánh xèo của dì dư sức làm êm cái bụng của họ cho đến tận trưa.
Khi nắng hồng loang trên mặt đường làng thì quán dì Năm Hậu “đổi” khách. Đó là mấy cô cậu học trò trường làng. Con gái cột tóc đuôi gà, con trai đầu trọc lóc, cặp vứt lăn lóc một bên, chen nhau ngồi quanh mẹt bánh xèo. Ăn bánh xèo phải le lưỡi mới điệu. Lưỡi le ra đỡ lấy miếng bánh xèo rồi thụt vào rất gọn gàng để răng làm việc. Một dãy bảy tám đứa mà có tiếng ồn nào đâu. Đứa nào cũng im lặng như để cảm nhận cái ngon của từng miếng bánh. Mép bánh thường giòn, chỗ giữa bánh thường dai để giữ lấy nhân bánh làm bằng tôm, thịt. Đứa nào rứt bánh không khéo, cái “cốt lõi” của miếng bánh rớt xuống đất thì tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Nơi đất khách, có lần nhân sinh nhật một đồng hương, cả nhóm rủ nhau đi ăn bánh xèo phố. Cái tên bánh xèo thì quen mà cái vị thì lạ lắm. Đang ăn, một đứa nhắc tới bánh xèo quê khiến cả bọn thấy nhớ vô cùng. Bánh xèo quê ơi! Có phải mi là món ăn gần thì thường mà xa thương lắm?

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.