Ăn bít tết… lãng mạn theo kiểu Pháp

08/06/2013 06:23 GMT+7

Thưởng thức bít tết đậm đà, bánh mì thơm, rượu vang đỏ nồng nàn sẽ khiến buổi tối của bạn trở nên bồng bềnh, lãng mạn.

Thưởng thức bít tết đậm đà, bánh mì thơm, rượu vang đỏ nồng nàn sẽ khiến buổi tối của bạn trở nên bồng bềnh, lãng mạn.

>> Ăn đặc sản hàu ở đầm Ô Loan
>> Ông ăn chả, bà… đi theo

Cách đây khá lâu, tôi từng đọc trong một cuốn sách lãng mạn của nước Pháp một câu thú vị rằng: “Những người tốt nhất luôn xứng đáng với loại nước xốt ngon nhất”.

Nếm thử món bít tết thơm ngon rưới đẫm xốt tiêu đen nồng nàn khi cơn mưa đầu hạ đều đặn gõ nhịp ngoài hiên, tôi bỗng tự nhủ, loại nước xốt “ngon nhất” ấy phải chăng là nước xốt rưới lên đĩa bít tết nóng hổi ở một góc Paris nhỏ xinh nào đó.

Ăn bít tết…lãng mạn theo kiểu Pháp 1
Suất bít tết bò xốt tiêu đen
 

Tối nay, “góc Paris” của tôi là một tiệm ăn Pháp ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Quán bé xíu, kê 7 bàn nho nhỏ, chỉ đủ chỗ cho đôi tình nhân và những lời thì thầm rất khẽ.

Thế nhưng cái không gian nhỏ ấy lại được thiết kế quá ư lãng mạn với bức hình những quý cô Paris váy phồng kiêu hãnh, những họa tiết sắt uốn nghệ thuật, những chiếc bàn gỗ phủ khăn kẻ caro đỏ như một bữa ăn ngoài trời bên bờ sông Seine.

Trong tiếng nhạc Pháp dìu dịu, tôi nhìn lướt qua thực đơn của quán. Không nhiều, chủ yếu là bít tết với các loại xốt khác nhau, đều cùng giá 65.000/suất. Tôi gọi cho mình bít tết xốt tiêu đen và xốt phô mai cho cô bạn đi cùng.

“Hầu hết mọi người đều nghĩ thịt bò quan trọng nhất trong món bít tết. Thế nhưng nước xốt mới chính là thứ quyết định vị ngon của món này”, chủ quán là một anh chàng sinh năm 1989 chia sẻ.

Bên cạnh rượu vang, nước xốt là một điểm nhấn đáng chú ý của phong cách ẩm thực Pháp. Đó là một sự hòa quyện đầy tinh tế giữa các loại thảo mộc, lá thơm và trái cây như quế, oải hương, khoai tây, cam, bưởi … Một loại nước xốt có thể có hàng chục nguyên liệu khác nhau. 

 Ăn bít tết…lãng mạn theo kiểu Pháp 2
Miếng bít tết đẫm trong xốt tiêu đậm đà

Món xốt tiêu đen rưới lên miếng bít tết của tôi có hương thơm dìu dịu của vang đỏ, cay nồng của hạt tiêu đen xay vỡ, chút hương ngai ngái của một loại cỏ thơm nào đó. Khác hẳn với loại xốt nhiều xì dầu và hành tỏi đặc trưng của ẩm thực Trung Quốc mà các quán bít tết ở Việt Nam vẫn hay làm.

Xốt phô mai màu trắng sữa béo ngậy, bao phủ miếng thịt vừa chín tới. Thịt bò mềm và ngọt, quyện trong nước xốt thật đẫm. Khách Việt Nam thường thích rưới nước xốt trực tiếp lên món ăn, nhưng phần lớn khách nước ngoài tới đây thích nước xốt được dọn riêng.

Quả thực, trong vài tiếng đồng hồ tôi ngồi đây, không ít khách nước ngoài ra vào. Họ đi một mình, hoặc với bạn, thong thả thưởng thức bít tết một cách thích thú.

 Ăn bít tết…lãng mạn theo kiểu Pháp 4
Món phụ là salad rau trộn xốt dâu tằm…

Ăn bít tết…lãng mạn theo kiểu Pháp 5
…và khoai tây chiên được nhập khẩu từ Mỹ

Bánh mì cũng là một đặc trưng Pháp thú vị ở tiệm ăn nhỏ này. Bánh mì tự làm, đặc ruột và thơm phức mùi bơ. Bên cạnh vị ngọt dịu, có chút đậm đà khó tả mà sau khi hỏi, tôi mới biết đó là vị muối được cho vào khi trộn bột. Bánh được nướng giòn vừa, đủ để bẻ ra mà lớp vỏ không bị vỡ.

Một làn khói trắng mỏng bốc lên khi tôi bẻ một miếng rụôt bánh mì trắng tinh, chấm vào nước xốt nâu sánh. Ngọt ngào và thơm cay, một cảm nhận không thể có nếu đổi lại là bánh mì rỗng ruột, thứ vốn sẽ kém duyên nếu kết đôi cùng bít tết.

Mưa hạ, gió se se, bánh mì thơm và bít tết đậm đà, thêm một ly vang đỏ nồng nàn, buổi tối của tôi ở “góc Paris” bé xinh ấy bỗng trở nên thật bồng bềnh, lãng mạn.

Tịnh Tâm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.