Ăn bánh răng bừa nhớ đồng, nhớ ruộng

23/10/2013 09:16 GMT+7

Bảy năm sống ở Hà Nội, ăn bánh giò đều đặn mỗi sáng, chiều. Chưa lúc nào khum khum bàn tay ôm ấp chiếc bánh hình kim tự tháp mà tôi lại thôi nhớ tới thứ bánh dường như là “anh em họ” với nó ở quê mình: bánh răng bừa.

Bảy năm sống ở Hà Nội, ăn bánh giò đều đặn mỗi sáng, chiều. Chưa lúc nào khum khum bàn tay ôm ấp chiếc bánh hình kim tự tháp mà tôi lại thôi nhớ tới thứ bánh dường như là “anh em họ” với nó ở quê mình: bánh răng bừa.

>> Nhớ thương chiếc bánh rợm
>> Về Quảng Nam tìm ăn bánh đập

Bánh răng bừa xứ Thanh, bánh giò Hà Nội, bánh tẻ Sơn Tây, nếu ai đã từng ăn cả ba thức quà này sẽ nhận ra hương vị của chúng dường như có họ hàng. Chẳng biết đâu là anh cả, đâu là em út, nhưng mỗi thức quà vẫn đang “hùng cứ một phương”, nhờ cách gói khác nhau, nhờ sự gia giảm, thêm thắt của người dân mỗi vùng quê mà cuốn hút theo cách rất riêng.

 Ăn bánh răng bừa nhớ đồng, nhớ ruộng
Ở quê tôi, bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá, nhưng tôi vẫn thích cái tên “răng bừa” mộc mạc,
nghe đã gợi nên sự tảo tần của vùng quê quanh năm lam lũ cùng đồng ruộng - Ảnh: Tịnh Tâm

Ở quê tôi, bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá, nhưng tôi vẫn thích cái tên “răng bừa” mộc mạc, nghe đã gợi nên sự tảo tần của vùng quê quanh năm lam lũ cùng đồng ruộng. Bánh thon nhỏ, chỉ bé như chiếc răng bừa. Có lẽ một phần tên gọi cũng xuất phát từ đây.

Bánh răng bừa thường làm vào dịp giỗ chạp, lễ, tết. Bởi vậy hôm nào làm bánh, nhà cửa cũng đông như trẩy hội. Dăm bảy người quây quần xung quanh nào lá, nào nhân, nào bột trắng muốt. Ăn bánh, trước tiên là thưởng thức cái sự xôm tụ ấy đã.

Bánh ngon phải chọn gạo. Gạo thổi cơm ngon chưa hẳn là thứ gạo đạt yêu cầu làm bánh. Dẻo quá thì bánh nát, khô quá thì bánh cứng. Thế nên công đoạn này thường phải đặt vào tay những người bà, người mẹ hiểu ngọn ngành ruộng cao, đồng thấp, biết lựa gạo hạt mềm, hạt dẻo, nhúm hạt ngọc trời trong tay đã biết thứ bột nó làm ra mướt mát đến độ nào. Gạo lựa xong được đem ngâm rồi xay nhuyễn cùng với nước.

Khi xưa, người ta xay theo phương pháp thủ công: một nam, một nữ cùng nắm vào tay xay cối đá, nam mạnh mẽ, nữ nhịp nhàng, vừa xay vừa rưới nước đều lên phần gạo trong lòng cối và dùng mo cau cời dòng bột chảy xuống chậu. Có khi xay xong chậu bột trắng ngần mịn mát như dòng sữa mà bén tình, bén duyên nhau tự khi nào.

Bánh răng bừa không gói cầu kỳ như bánh giò Hà Nội. Sau khi nồi bột được giáo trên bếp lửa, đánh đều tơi mịn không vón cục, cầm chiếc đũa cả nhón một ít bột, rồi quyệt vào giữa thân chiếc lá dong be bé, nhân thịt lợn, mộc nhĩ, hành tươi băm nhỏ cho vào giữa, vê hai mép lá cuộn lại thật tròn rồi bẻ gập hai đầu. Chẳng cần lạt buộc, cứ thế xếp bánh vào nồi nước xâm xấp đã đun sôi sẵn, luộc thêm độ nửa tiếng nữa là bánh chín.

 Ăn bánh răng bừa nhớ đồng, nhớ ruộng
Bẻ từng miếng bánh, chấm vào bát nước mắm nguyên chất chỉ pha thêm chút chanh ớt. Cái mỡ màng
của nhân thịt ngấm vào thân bánh thanh tao, khe khẽ tan ra trong miệng - Ảnh: Tịnh Tâm

Chớ dại cho vào nồi nước lạnh bởi mẻ bánh sẽ nhão nhoét ngay lập tức. Cũng đừng vội vã bóc bánh ăn ngay khi vừa vớt ra khỏi nồi, cứ nhẹ nhàng tận hưởng mùi thơm tuyệt diệu của lá dong, mùi của gạo chín, mộc nhĩ, hành tươi, những thứ hương thuần khiết của thiên nhiên ấp ủ trong từng tấm bánh. Đợi khi chạm vào bánh chỉ âm ấm, mới nhẹ nhàng gỡ hai mép lá như cởi bỏ xiêm y, để lộ thân bánh thon ngời nhìn thấu tận bên trong, màu lá dong phai ngấm vào bột gạo xanh tựa màu mạ non.

Bẻ từng miếng bánh, chấm vào bát nước mắm nguyên chất chỉ pha thêm chút chanh ớt. Cái mỡ màng của nhân thịt ngấm vào thân bánh thanh tao, khe khẽ tan ra trong miệng. Bánh nhỏ xinh, xui người ăn cứ như thôi miên bóc hết chiếc này đến chiếc khác.

Về quê, thấy răng bừa được bán ở chợ mỗi sáng. Nhưng có lẽ tự làm mới ngon, bởi ăn bánh là “ăn” cả sự xum vầy, ấm áp.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.