8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 01)

20/08/2013 11:51 GMT+7

Hủ tiếu sa tế, hủ tiếu cá, hủ tiếu sườn, hủ tiếu hồ... là những biến thể hấp dẫn của hủ tiếu làm mê đắm bao thế hệ thực khách Sài Gòn. Hủ tiếu (hay còn gọi là hủ tíu) được hình thành từ sự kết hợp giữa các nền văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khơme. Nghệ thuật ẩm thực của Nam bộ cũng không nằm ngoài điều đó. Hủ tiếu là một trong những sản phẩm của sự giao thoa văn hóa ẩm thực trên. Hủ tiếu Việt Nam là sự kết hợp giữa hương vị Việt với món “cổ chéo” (bánh sợi) của người Hoa và hủ tiếu Nam Vang. Rất khó xác định thời gian và địa điểm xuất hiện món hủ tiếu đầu tiên. Chỉ biết món hủ tiếu bắt đầu trở nên nối tiếng từ cuối thế kỷ 17 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng Sài Gòn. Tại miền Nam Việt Nam, do ảnh hưởng của ngữ âm phương ngôn tiếng Việt vùng miền Nam nên “hủ tiếu” hay bị viết thành “hủ tíu”, sau này hủ tíu trở thành từ thông dụng và thường được dùng nhiều bởi các xe bán hủ tíu trên đường phố.

Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu cá, hủ tiếu sườn, hủ tiếu hồ... là những biến thể hấp dẫn của hủ tiếu làm mê đắm bao thế hệ thực khách Sài Gòn.

>> 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 
>>
5 món bánh mì độc đáo của Sài Gòn
>> Tìm miếng sườn nướng ngon nhất Sài Gòn
>> 5 món bún khô hấp dẫn người Sài Gòn

Hủ tiếu (hay còn gọi là hủ tíu) được hình thành từ sự kết hợp giữa các nền văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khơme. Nghệ thuật ẩm thực của Nam bộ cũng không nằm ngoài điều đó.

Hủ tiếu là một trong những sản phẩm của sự giao thoa văn hóa ẩm thực trên. Hủ tiếu Việt Nam là sự kết hợp giữa hương vị Việt với món “cổ chéo” (bánh sợi) của người Hoa và hủ tiếu Nam Vang. Rất khó xác định thời gian và địa điểm xuất hiện món hủ tiếu đầu tiên. Chỉ biết món hủ tiếu bắt đầu trở nên nối tiếng từ cuối thế kỷ 17 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng Sài Gòn.

Tại miền Nam Việt Nam, do ảnh hưởng của ngữ âm phương ngôn tiếng Việt vùng miền Nam nên “hủ tiếu” hay bị viết thành “hủ tíu”, sau này hủ tíu trở thành từ thông dụng và thường được dùng nhiều bởi các xe bán hủ tíu trên đường phố.

1. Hủ tiếu Nam Vang

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn 1
Tô hủ tiếu khô Phú Quý với vị tỏi đặc trưng của hủ tiếu Nam Vang

Theo nhiều tư liệu thì cọng hủ tiếu dai trong món hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú vị từ những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm sợi mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).

Như ở Campuchia hủ tiếu được gọi là "kuy teav", ở Việt Nam gọi là "hủ tiếu", ở Thái Lan là "kuai tiao" cũng như các nước lân cận Malaysia, Singapore và Brunei gọi là "kway teow" (nhưng lại là cọng hủ tiếu mềm). Nhưng đặc biệt nhất chắc là chỉ có ở Việt Nam, khi cọng hủ tiếu dai còn có thêm nhiều biến thể khác như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc hay thậm chí là hủ tiếu bột lọc rất độc đáo.

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn 2

Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập về Sài Gòn đã thay đổi khá nhiều cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Phnompenh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi phiêu bạt về Sài Gòn đã "bổ sung" thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút (cách ăn này có lẽ hơi giống các món mì, hủ tiếu thập cẩm của người Hoa), phần rau thì phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ.

Dần dần rồi quen, người Sài Gòn cũng không thắc mắc lắm với những thay đổi này. Có chăng là nhận định thú vị "Hủ tiếu Nam Vang ở Phnompenh thua xa ở Sài Gòn!" khi đã một lần ghé qua Campuchia.

Đặc trưng nhất của món hủ tiếu này có lẽ là mủi tỏi phi tỏa xa trong gió. Cũng chính món tỏi này giúp cho tô hủ tiếu Nam Vang có một vị ngon hầu như không giống bất cứ món ăn nào.

Sài Gòn có rất nhiều quán chuyên bán hủ tiếu Nam Vang. Từ một món ăn sáng phổ biến ở Phnompenh, giờ đây ở Sài Gòn người ta có thể thưởng thức hủ tiếu Nam Vang ở bất cứ ngóc ngách nào, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Địa chỉ dành cho bạn:
1. Hủ tiếu Nam Vang - Phú Quý
Địa chỉ: 84 Hồ Thị Kỷ, phường 14, quận 10
Mở cửa: 5h30 sáng đến 12h30 trưa
Giá: Hủ tiếu Nam Vang (30.000đ/tô)
2. Hủ tiếu Nam Vang - Hồng Phát
Địa chỉ: 389 - 391 Võ Văn Tần, phường 05, quận 03
Mở cửa: 6h sáng đến 12h đêm
Giá: Hủ tiếu Nam Vang (75.000đ/tô), huyết (20.000đ/chén)
3. Hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum
CN1: 93 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 07, quận 05
CN2: 60 Thành Thái, phường 12, quận 10
CN3: 315 Lê Văn Sỹ, phường 01, quận Tân Bình
CN4: 504 Cách Mạng Tháng 08, phường 11, quận 03
Mở cửa: sáng từ 6h đến 12h30, chiều từ 4h đến 10h30
Giá: Tô thường (45.000đ), tô lớn (55.000đ)
4. Hủ tiếu Nam Vang - Ba Hoàng
Địa chỉ: 48a Võ Văn Tần, phường 06, quận 03
Mở của: 5h sáng đến 2h trưa, chiều từ 3h đến 2h đêm
Giá: 35.000/tô
5. Hủ tiếu Nam Vang – Nhân Quán
CN1: 72 Nguyễn Thượng Hiền, phường 05, quận 03
CN2: A67 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 01
CN3: 27Q Âu Cơ, phường 14, quận 11
CN4: 23/9 Quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
Mở cửa: 3h chiều đến 5h sáng
Giá: 55.000đ/tô

 

2. Hủ tiếu cá

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (phần 01) 3

Hủ tiếu cá đúng điệu cọng bánh phải gần gấp đôi cọng bánh phở, cá phải là loại cá lóc tươi ngon xắt lát. Nước lèo của hủ tiếu cá thường mờ mờ đục đục nhìn thoáng qua như một làn sương mờ, có lẽ một phần tỏa ra từ tóp mỡ được chan ở phía trên. Vị ngọt ngào mà thanh đạm của nước lèo hầm từ xương heo cùng những miếng cá tươi ngon sẽ dễ dàng chinh phục những thực khách khó tính nhất.

Hủ tiếu cá ở Sài Gòn thường có bán trong các tiệm mì Tàu. Tuy nhiên ngon nhất cũng như gây tranh cãi nhiều nhất có lẽ là hủ tiếu cá Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm khúc gần với Hàm Nghi ở quận 01 (ngó sang bên kia là Chợ Cũ) - mở đã hơn 60 năm nay. Đây là tô hủ tiếu cá đắt nhất Sài Gòn (70.000đ/tô) nhưng phong thái phục vụ lại bị phàn nàn nhiều nhất.

Ngoài ra, món hủ tiếu cá ở quán 134 Ký Con (cũng ở quận 01) cũng hấp dẫn không kém. Khẩu phần to, giá cạnh tranh hơn (45.000đ/tô), quán luôn tấp nập từ sáng sớm cho đến gần giờ trưa, đúng với phong cách trà quán của người Quảng Đông.

Địa chỉ dành cho bạn:
1. Hủ tiếu cá Nam Lợi
Địa chỉ: 43 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa, chiều từ 2h đến 9h tối. Chiều CN nghỉ.
Giá: Hủ tíu cá (70.000đ/tô), mì gà (70.000đ/tô), bánh patêsô (13.000đ/cái)
2. Điểm tâm 134 Ký Con
Địa chỉ: 134 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 01
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h trưa
Giá: Hủ tiếu cá (45.000đ/tô), hủ tiếu thập cẩm (45.000đ/tô), xíu mại khô (30.000đ/phần, 4 viên), xíu mại nước (30.000đ/phần, 2 viên), bánh mì (3,000/ổ)

 

3. Hủ tiếu Mỹ Tho

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (phần 01) 4

Hủ tiếu Mỹ Tho là một biến thể từ hủ tiếu Nam Vang. Chủ các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa, tuy nhiên chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại thường là người Việt chính gốc. Bánh hủ tiếu Mỹ Tho là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Thơm, Nàng Út hoặc thậm chí là loại cao cấp như Nàng Thơm Chợ Đào. Ngày nay có 2 trung tâm sản xuất bánh hủ tiếu khô nổi tiếng: một ở Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tiếu khô cung cấp cho cả nước. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai thì nghe dai dai nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua.

Nổi tiếng nhất trong trường phái hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu Cả Cần. Quán nằm ở góc tiểu đảo ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương này (phía trước công viên Văn Lang và khá gần với bùng binh Ngã Sáu). Cũng có nhiều người thắc mắc sao cái quán đề bảng “hủ tiếu Cả Cần” có phần cũ kỹ, xập xệ đó lúc nào cũng đông khách, nhất là từ giấc trưa cho đến tối khuya. Nhưng nếu biết được lịch sử thú vị cũng như những câu chuyện xung quanh nó, có thể bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Cách thưởng thức món hủ tiếu Cả Cần cũng theo 2 cách là khô và nước. Để thấy hết cái đặc biệt của tô hủ tiếu này tôi nghĩ bạn nên gọi một tô khô. Cái khác biệt và độc đáo của món khô so với nước là ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu và con tôm luộc kia là một loại nước sốt chua ngọt rất đặc biệt. Chính vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên tạo nên hương vị đậm đà của tô hủ tiếu khô. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu Cả Cần trứ danh qua bao thập kỷ này.

Quán chia làm 2 ca, trong đó ca chiều là họ hàng của người chủ cũ đứng bán nên hương vị nguyên thủy và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Địa chỉ dành cho bạn:
Hủ tiếu Mỹ Tho - Cả Cần

Địa chỉ: 110 Hùng Vương, phường 09, quận 05
(ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương)
Mở cửa: Ca sáng (6h đến 12h), ca chiều (12h đến 2h sáng)
Giá: Hủ tiếu – tô nhỏ (45.000đ), tô lớn (67.000đ); bánh bao đăc biệt (32.000đ/cái)

 

4. Hủ tiếu sa tế

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (phần 01) 5
Hủ tiếu sa tế là món đặc trưng của người Tiều với hơn 20 loại gia vị

Hủ tiếu sa tế có lẽ khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác, phần vì đây là một đặc sản của người Tiều, chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này nên không phải ai nấu cũng được. Có người cho rằng đây là một kỳ công của nghề nấu hủ tiếu Sài Gòn, bởi lẽ do chính người Hoa ở đây sáng tạo ra chứ không thể tìm thấy món này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mà hình như điều này cũng đúng, vì ở Hồng Kông, Đài Loan hay Singapore, Malaysia hầu như không tìm thấy món hủ tiếu độc đáo này.

Cách ăn của món hủ tiếu này cũng khá đa dạng, lúc thì ăn với lòng heo tương tự như hủ tiếu hồ cũng của người Tiều, khi thì ăn với thịt nai, hoặc ăn với thịt bò cũng rất ngon.

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (phần 01) 6

Không rõ ai là người đầu tiên sáng tạo ra món hủ tiếu sa tế. Có tài liệu thì cho rằng một người Triều Châu trong Chợ Lớn đã chế ra món ăn độc đáo này và mở tiệm đầu tiên trên đường Triệu Quang Phục, quận 05. Có người dựa trên lập luận "sa tế của Chà" mà cho rằng đây là kiểu ăn của người Chà Và lai trộn với kiểu ăn người Minh Hương Chợ Lớn. Cũng nói thêm về chữ "Chà Và", đây là cách đọc trại từ chữ "Java" (hòn đảo lớn của Indonesia), cũng là để chỉ những người đến từ đảo Java, về sau này dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma ní (Manila, Phillipines)....

Mà chắc không tô hủ tiếu nào lại độc đáo như hủ tiếu sa tế, khi mà có đến gần 20 gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Đặc biệt là mùi vị thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo mà có lẽ rất khó tìm thấy ở các món hủ tiếu khác. Khi món này được bưng ra, chắc chắn bạn sẽ bị cuốn hút bởi mùi thơm hòa quyện của sa tế cay cay và đậu phộng béo ngậy.

Hủ tiếu sa tế ở Sài Gòn đa phần tập trung ở quận 05, khu Dương Đình Nghệ - Hàn Hải Nguyên ở quận 11, đường Phạm Văn Chí ở quận 06 hay quận 08 (phía dưới chân cầu Chà Và).

Địa chỉ dành cho bạn:
1. Hủ tiếu Đỗ Khôn - Huy Đạt

Địa chỉ: 26 Đình Hòa, phường 13, quận 08
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Giá: Hủ tiếu hồ (35.000đ/tô), hủ tiếu sa tế (35.000đ/tô), mì khô thập cẩm (35.000đ/tô)
2. Hủ tiếu Triều Châu
Địa chỉ: 9 Dương Đình Nghệ, phường 8, quận 11
Mở cửa: 6h sáng đến 10h
Giá: Hủ tiếu hồ (25.000đ/tô), hủ tiếu sa tế nai (25.000đ/tô)
3. Hủ tiếu Quốc Ký
Địa chỉ: 52 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 10h tối
Giá: từ 60.000đ/tô cho hủ tiếu sa tế, hủ tiếu mì bò viên, gân, lòng bò...

 

>> Xem tiếp 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02)

 

P.V
  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.