Ấm lòng bánh sắn nướng ngày lạnh

01/01/2019 20:42 GMT+7

Ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhâm nhi lát bánh sắn thơm lừng, quẩn quanh câu chuyện thuở lên chín, lên mười chợt thấy lòng mềm đi, khóe mắt bỗng rưng rưng, ngậm ngùi từng hơi thở quê hương quyện trong hương sắn nướng cay cay.

Chị hai đẩy phên cửa, khom lưng bước vào từ màn mưa trắng xóa cùng với bụi sắn còn đỏ quạch màu đất đồi trên tay. Chị vừa nói, vừa cười - nụ cười như xóa tan cả bầu trời mây đen kịt: “Quê mình xưa rày vẫn vậy, thiếu gì chứ sắn, khoai thì mưa nắng vụ nào cũng dư”.
Mặc cho gió tạt mạnh, chị nhanh tay lấy dao chặt rời từng củ sắn ra khỏi gốc chuẩn bị làm món bánh sắn nướng, thứ quà vặt mà một thời tuổi thơ tôi luôn giành phần nhiều hơn với chị.
Bánh sắn nướng trên bếp than hồng
Là chị cả trong gia đình, từ nhỏ chị đã biết phụ ba má vun vén đám rẫy sau nhà. Những mầm xanh của từng mùa khoai sắn nuôi lớn chị em tôi năm nào giờ vẫn là nguồn lương thực chính cho cả gia đình chị. Khác với các loại mít, bưởi, thị, ổi… đến mùa tỏa hương kiêu sa, ríu ra ríu rít khêu gợi chim bướm bay về thì những hàng sắn cứ âm thầm lặng lẽ vươn lên sau đồi. Từ ngày vỡ đất bỏ hom, mươi ngày sau đã khoe mầm xanh mơn mởn. Làm cỏ, vào phân đợt một rồi đợt hai, cả rẫy sắn bắt đầu xanh ngắt, giương lên đón nắng gió. Đến độ chừng ba tháng, khi cần là đã có thể đến nhổ sắn. Mỗi lần về thăm quê trúng mùa sắn thu hoạch, tôi đều được chị đãi món bánh sắn nướng.
Sắn sau khi rửa sạch đất, chị chọn củ thẳng, vỏ màu nâu nhạt, không bị sâu bệnh. Nếu được những củ ngắn, tròn, mập mạp, cầm thấy chắc và nặng tay thì càng ngon, sắn sẽ có ít xơ, mềm và ngọt. Cẩn thận hơn, chị dùng móng tay cạo cạo thử lớp vỏ mỏng phía bên ngoài để kiểm tra màu của lớp vỏ phía trong, nếu là màu hồng nhạt thì an tâm hơn.
Thơm lừng món bánh sắn nướng Ảnh: Thanh Ly
Khâu đầu tiên, chị mang sắn đi luộc. Những củ sắn tươi được khía tròn quanh thân, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, cho vào nồi, thêm một ít nước, đậy kín nắp lại nấu trên bếp củi. Ánh lửa bập bùng trong chái bếp đốt cháy mọi âu lo, mệt mỏi trên gương mặt gầy ốm của chị. Sắn luộc chín nóng hổi, trắng ngần, tỏa hương thơm thoang thoảng, nhưng với tôi chưa phải là giây phút hấp dẫn nhất.
Đợi sắn nguội, chị tiếp tục tước bỏ từng sợi gân trắng ngần ở giữa, dùng chày giã vụn củ sắn (không cần giã nhuyễn vì khi ăn lẫn từng lát củ sắn sựt sựt, bùi bùi mới ngon). Cho phần sắn giã nhuyễn vào bát to, thêm hành lá, hành củ đã phi thơm cùng với một chút mỡ heo, một ít bột nêm cho vừa khẩu vị, trộn thật đều tay. Tiếp tục dùng thìa múc một ít sắn vào tay, vo tròn và ấn dẹt ra. Làm cho đến hết phần hỗn hợp củ sắn, đem những bánh sắn nướng trên than, thỉnh thoảng trở mặt cho vàng đều. Mùi bánh sắn nướng mấy chục năm rồi vẫn còn vẹn nguyên. Lớp vỏ bánh bên ngoài bén lửa cháy vàng giòn rụm làm dịu vơi miền nhớ thương thuở nào.
Mùa đông dường như đã đi hơn nửa đoạn đường rét, ấy vậy mà ngày nào trời vẫn mưa. Ngoài vườn, những cây chuối đã tả tơi tàu lá, đám khoai ngã rạp trong nước ngập úng, duy chỉ thân sắn cứ đần đẫn, cục mịch, đôi ba lần uỵch xuống vì gió rồi bươn lên mặc cho mưa tầm tã. Bao năm rồi sắn vẫn cứ thế, không bỏ rơi người xứ núi dẫu tiết trời có nghiệt ngã bao nhiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.