Ấm áp tô phở chả cá mùa đông

01/12/2020 20:35 GMT+7

Tháng mười chưa cười đã tối. Quê tôi, một làng biển miền Trung cũng đang ngày ngắn đêm dài. Làm gì cũng phải tính toán sít sao vì “thời gian không đứng đợi”. Vậy mà ngồi chờ tới lượt được bưng tô phở thì chẳng thấy ai nhấp nha nhấp nhổm.

Một thầy giáo “cũ” nói với mấy người ngồi cạnh: “Phở là... tình yêu. Nghĩa là không thể thiếu nhớ thương chờ đợi”. Một nhóm nữ sinh cấp 3 là “fan” của quán đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Một cô bé dạn dĩ khen: “Bác nói hay quá! Tụi cháu mê phở nhưng không nghĩ ra phở là tình yêu”.
Quán có cái tên tuy “lúa” mà rất dễ thương: Phở Cây Gòn. Chị chủ quán tên Tâm, rất vui tính, nói quán em chuyên “độc hành” phở chả cá. Chỉ lấy cây gòn làm cảnh chứ không… làm phở. Đừng hiểu lầm tội nghiệp em nghen bà con. Tay chị đeo găng ni lông, nhanh nhẹn cho bánh phở vào tô, múc nước lèo, bỏ chả chiên, chả hấp.
Cái khay lớn đựng đủ loại rau và phụ gia: húng quế, ngò tàu, hành bẹ, hành lá, ớt, gừng, chanh... nhìn muốn rối mắt. Vậy mà chị nhón thứ gì là y sì thứ đó, không lẫn lộn. Tôi có lần “soi mói”, rướn cổ nhìn qua tô mấy ông ngồi cùng bàn, thấy các thứ được biên chế đủ “cơ số” y chang tô mình. Mất khả năng... kiện tụng, tôi thầm nghĩ: “Chị này thật công bằng, chắc sinh ra là để bán phở”.
Có “phở thủ” chọc chị, nói tô phở chị Tâm có tâm. Chị nói không có tâm sao thức dậy lúc 2 giờ sáng hầm 5 ký xương heo, lấy ra một nồi nước lèo ngọt lừ để 6 giờ là phục vụ cho “thượng đế” vừa miệng. Đã nhóm lò là ngồi luôn với lửa. Lửa thức, tui cũng thức theo. Phải canh lửa vừa phải. Lửa yếu thì xương câm. Lửa nhiều, để sôi ầm ầm thì xương xẩu chết điếng, không tiết ra chất ngọt được đâu. Phải nhiều lần vớt bọt cho nước lèo trong veo.
Có lần buồn ngủ, ra sân tập thể dục cho tỉnh, quên vớt bọt, nước lèo đục ngầu. Thì cũng phải chan vào tô chứ biết sao giờ? Lúc đó, nếu bánh phở mà biết nói năng, chắc cô bán phở hàm răng hổng còn quá. Nói cho vui thôi chứ khách cũng ăn, nhưng ăn thiếu nhiệt tình. Nói thiệt, khi đó tui áy náy lắm, nghĩ là mình không chỉ ăn cắp của khách sự ngon miệng, mà còn là sự xúc phạm tâm hồn phở.
Khách ruột quán chị Tâm khá đông, sĩ nông công thương đều có hết. Ai cũng khen nước lèo hài hòa với chả cá. Cái ngọt của nước lèo được rút từ tủy xương, xuyên thấm qua cái ngọt của chả cá. Mà chả cá chị Tâm thì còn nói gì nữa, nổi tiếng dai thơm ngọt béo, ai có ngắt có véo thì cũng ăn cho hết miếng chả rồi mới... nghe đau!
Hai vị ngọt ấy “liên thủ” mơn trớn từng sợi phở mềm mại. Rồi tới lượt từng sợi phở mềm mại mơn trớn mặt lưỡi. Đúng là ăn miếng nào ngon cồn cào miếng đó. Ăn phở cũng cần nắm bắt cái “điệu” của phở. Hãy ăn trong lúc tô phở đang bốc khói. Một đũa phở đầy đủ thần thái khi lần lượt “kết nối” với miếng chả cá, nửa lá húng quế, chút xíu ngò tàu, một mẩu hành bẹ, tí ớt xanh, lát gừng mỏng...
Chưa hết đâu! Còn cái âm thanh phở nữa. Đó là tiếng “xoàn xoạt” khi húp muỗng nước lèo. Nhưng nhớ là húp một cách nhỏ nhẻ, chỉ mình và phở nghe thôi. Ăn thế coi như đã gọi ra cái phẩm chất của phở.
Chủ nhật một sáng mùa đông, vừa thò đầu ra khỏi chăn tôi đã nghĩ ngay đến tô phở chả cá nóng hổi. Phở đa năng thật, vừa nghĩ thôi đã nghe trời bớt lạnh. Điện thoại báo tin nhắn. Mở ra thấy: “Phở tình yêu đi ông bạn. Ngay giờ. Chậm là hết. Mình chờ phở chứ phở không chờ mình”. Tôi kể, bà xã cười cười nói ghê chưa, bữa nay đổ đốn ra, rủ đi ăn “phở” công khai rồi. Tôi cười, là Phở Cây Gòn đó, không phải “phở” kia đâu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.