Ám ảnh những cái chết trong lũ dữ miền Trung năm 2020

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
20/12/2020 09:15 GMT+7

Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha… là những nỗi đau khó nguôi ngoai sau cơn đại hồng thủy tháng 10 - những trận lũ dữ miền Trung vừa cách đây không xa. Chứng kiến những giọt nước mắt ấy, không ai có thể kìm lòng được.

Cơn lũ dữ miền Trung, đại hồng thủy tháng 10 đã cướp đi của người dân Quảng Bình nhiều thứ; trong đó, đau đớn nhất là những mảnh đời. Thống kê của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho hay, có 19 người chết do lũ lụt.

Chuyện gia đình mất 2 con trai

Lũ dữ đi qua, tôi mang tiền của bạn đọc Báo Thanh Niên đến các gia đình có người thân tử nạn do lũ. Thắp lên bàn thờ nén hương tưởng niệm, động viên các gia đình sớm vượt qua đau đớn. Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, mỗi cái chết mỗi tình huống khác nhau. Nhưng ai nấy chung một nỗi đau quá lớn đến từ nguyên nhân đột ngột mất đi người thân yêu của mình. Thật khó để diễn tả hết những nỗi đau đó.

Mưa lũ lịch sử trong tháng 10 gây nhiều thiệt hại lớn tại Quảng Bình

Ảnh: T.Q.N

Tôi khó có thể quên được hình ảnh vợ chồng anh Hoàng Văn Đức (44 tuổi) và chị Ngô Thị Thơm (34 tuổi) ở thôn 3 Thanh Tân (xã Thanh Thủy, H.Lệ Thủy) gầy gò, mòn mỏi khi mất đi 2 người con trai bé bỏng của mình là Hoàng Văn Quân (10 tuổi) và Hoàng Văn Quý (7 tuổi) do bị lật thuyền khi đi tránh lũ. Cái chết của 2 cháu là sự mất mát quá lớn đối với anh chị.
Nhiều ngày sau sự ra đi bất ngờ của 2 người con, trong ngôi nhà nhỏ chưa quét vôi nằm khuất ven QL 1A, anh Đức thẩn thờ, lúc đứng lúc ngồi bên bàn thờ 2 người con trai khôi ngô; còn chị Thơm thì nằm liệt giường, ai hỏi cũng không nghe, nói không ra hơi. Đôi lúc, chị ngồi dậy, người bất động, ánh mắt thẩn thờ vô định.

Anh Hoàng Văn Đức thẩn thờ trước sự ra đi của 2 người con trai

Ảnh: T.Q.N

Vừa mới hôm nào, hai đứa còn nhí nhố léo nhéo đòi ba mẹ mua cho cái bánh hay món đồ chơi; thế mà nay cả hai mãi mãi đi xa. Anh Đức bảo, mọi thứ như mới ngày hôm qua, trong tích tắc đã đảo ngược đến nay vẫn không tin đó là sự thật.
Đó là ngày định mệnh 18.10, mưa tầm tã, nước lũ không biết từ đâu đổ về dữ dội. Ngập sân rồi ngập đến nhà, lũ lên rất nhanh. “Nước tràn vào nhà, tui kê giường lên cho hai đứa nó ngồi. Gần trưa, hai đứa kêu đói bụng nên tui nấu nước pha mì tôm cho cả hai ăn; thấy mưa lũ, có vẻ nó chưa no nên lấy thịt nấu ăn thêm…”, anh Đức đau đớn kể.
Ăn xong thì nước lên gần ngang gối, anh Đức liền gọi người em trai của mình vào nhờ đi mượn đò rồi di tản hai đứa con nhỏ về nhà ông bà nội cao hơn. Đò đi được một lúc, trời bỗng nổi sóng gió dữ dội khiến con đò nhôm nhỏ chao đảo rồi lật úp đẩy cả ba chú cháu xuống nước lũ mênh mông. Người em trai của anh Đức lập tức kêu cứu và nhiều lần cố gắng lặn xuống hai tay kéo hai người cháu lên nhưng không đủ sức giữ lâu được. Hai đứa chìm dần xuống nước. Nghe tiếng kêu cứu, một số người dân xung quanh đó cũng lao ra nhưng không tìm cứu được 2 đứa con của anh Đức.
Đang dọn đồ tránh lũ thì có người gọi điện thoại báo tin dữ, anh Đức nghe mà rụng rời. Anh lao ra mượn bối (bè tự chế nổi trên nước) để chống đi; những người em trai của anh Đức cũng đến hiện trường nhưng bất lực. Dân làng tiếp tục huy động người tới ứng cứu. Khoảng 30 phút sau thì lặn tìm được 2 đứa nhưng mọi thứ đã quá muộn màng…

Giá như "ông trời có mắt..."

Cách Thanh Thủy không xa, trong ngôi nhà chưa sơn vôi nằm ven QL 1A ở xã Gia Ninh (H.Quảng Ninh), mấy mẹ con chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi) cũng đang trải qua những ngày tháng hiu quạnh. Nước lũ đã cướp mất người chồng, người cha của họ là anh Nguyễn Văn Song (43 tuổi).

PV Thanh Niên trao tiền bạn đọc hỗ trợ cho chị Hồng

Ảnh: T.Q.N

Kể với tôi về sự ra đi đột ngột của chồng mình, ánh mắt chị Hồng đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn. Đó là chiều ngày 18.10, khi nước lũ lên dữ dội, anh Song mượn đò của hàng xóm chở vợ con đi tránh lũ rồi quay về trả đò và ở lại bám trụ giữ nhà. Tình hình lúc càng xấu đi, chị Hồng lo lắng nếu đêm tối nước lên lớn thì chồng không có đò mà đi tránh. Nên chị gọi điện cho đứa cháu ở gần đó tìm cách đến nhà xem sao và chuyển lời bảo chú đi tránh lũ.
Người cháu tiếp cận nhà anh Song gọi mãi không thấy chú trả lời nên lội vào trong nhà tìm một lúc thì chân vấp phải chú đang nằm chìm trong nước, đoạn trước cửa phòng ngủ. Thi thể anh Song được đưa đến nhà người cháu nằm đó 1 ngày rồi mới nhờ được người có đò vượt lũ đưa ra sau các động cát chờ mai táng theo phong tục.
“Cuộc gọi cuối cùng là anh vẫn cầm máy, anh nói mấy mẹ con cứ yên tâm chơ ba không can chi mô. Khả năng anh vấp cái gì rồi quỵ xuống trong nước lũ và ra đi luôn”, chị Hồng nói trong cay đắng.
Hằng ngày, chị Hồng ở nhà may vá, cơm nước và đưa đón con cái đi học. Còn anh Song làm nghề thợ xây, ngày kiếm được 300 – 320.000 đồng. Hai vợ chồng cứ vậy tằn tiện qua ngày. Chắt chiu được ít tiền, vay mượn thêm, vợ chồng anh chị xây ngôi nhà mới với nền cao, mục đích tránh lũ nhưng ai ngờ lũ tháng 10 quá lớn. Anh Song ra đi mãi mãi, giờ đây, mọi bộn bề cuộc sống đều đổ lên đôi vai gầy nhỏ bé của chị Hồng. Nghĩ mãi, tôi vẫn không hình dung ra, mấy mẹ con chị sẽ nương tựa vào nhau như thế nào trong những ngày tháng tới.
Phải chăng, mỗi người sinh ra đều có số và mỗi cái chết như là định mệnh. Có những cái chết khiến người thân ray rứt mãi không luận được nguyên nhân và để lại quá nhiều xót xa cho người ở lại.

Bà Võ Thị Sâm (ở xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh) mất đi người chồng là Hoàng Thái Nhân; ông bị kiệt sức sau lũ

Ảnh: T.Q.N

Với hoàn cảnh của bà Bùi Thị Phòng (ở xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh), ở tuổi xế chiều, những năm qua, bà cảm thấy yên tâm khi được cậu con trai Trần Quang Minh (40 tuổi) từ miền Nam trở về quê làm ăn và phụng dưỡng mẹ già. Anh Minh mở cái tiệm sửa xe máy ngay góc vườn nhà. Bà Phòng bảo: “Từ ngày về, nó làm hết mọi việc trong nhà, lo lắng, sửa sang lại nhà cửa. Việc chi nó cũng làm được”.
Ngày lũ lên, Minh bảo với mẹ là để ra ngoài quán xem kê lại đồ đạc. Bà Phòng đợi mãi không thấy con trở vào nên chống gậy, tay níu tường rào lội ra quán xem thì hỡi ôi Minh đã cứng đơ người trong nước lạnh. Mưa to gió lớn, nước lũ đang lên nhanh. Bà không thể kêu cứu nổi ai, bà gồng hết sức với trái tim và tình yêu bao la của người mẹ dành cho con để đưa Minh vào nhà.
Sau đó hàng xóm giúp bà khâm liệm con trai. Lũ lớn quá nên không đưa tang được, quan tài Minh được treo lên mái nhà tránh lũ đến cả tuần lễ.
Tôi hỏi, vậy những ngày đó bà ăn uống như nào? Bà Phòng nuốt nước mắt vào trong rồi nói: “Tui ăn mì tôm sống cầm cự qua ngày. Hai mạ con nằm ngồi bên nhau rứa đó chú nờ”.

PV Thanh Niên trao tiền hỗ trợ các gia đình có người tử nạn do lũ tại xã Duy Ninh, H.Quảng Ninh

Ảnh: T.Q.N

Mất mát quá lớn. Rồi đây, người vùng lũ Quảng Bình khó để quên cơn lũ lịch sử tháng 10.2020. Và bản thân người viết, đi qua vùng lũ, chứng kiến quá nhiều tang thương, éo le, cũng sẽ khó để thôi ám ảnh về những hình ảnh đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.