Alzheimer có thể là bệnh truyền nhiễm

02/02/2016 07:38 GMT+7

Các chuyên gia châu Âu tìm được chứng cứ mới ủng hộ giả thuyết tranh cãi về nguy cơ mầm mống của bệnh Alzheimer có thể lây lan khi sử dụng mô hiến nhiễm bệnh.

Các chuyên gia châu Âu tìm được chứng cứ mới ủng hộ giả thuyết tranh cãi về nguy cơ mầm mống của bệnh Alzheimer có thể lây lan khi sử dụng mô hiến nhiễm bệnh.

Chứng suy giảm trí nhớ chủ yếu gặp ở người già - Ảnh: ShutterstockChứng suy giảm trí nhớ chủ yếu gặp ở người già - Ảnh: Shutterstock
Trong báo cáo mới, các nhà khoa học đến từ Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ) và Đại học Y Vienna (Áo) đã phát hiện mối liên hệ tồn tại giữa những bệnh nhân tiếp nhận mô thần kinh cách đây vài thập niên và sự hiện diện của một dạng protein trong não vốn xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer (dạng bệnh suy giảm trí nhớ). Nghiên cứu mới ủng hộ báo cáo được công bố vào tháng 9 năm ngoái với nội dung cho rằng những người khi còn nhỏ được tiêm hormone tăng trưởng (chiết xuất từ não người chết) đã mang theo mầm mống gây bệnh Alzheimer vào thời điểm họ qua đời sau đó vài chục năm, theo tờ The Independent UK.
Báo cáo mới nhất được rút ra từ cuộc thí nghiệm trên mẫu não tồn trữ của 8 bệnh nhân từng được ghép mô ở Áo và Thụy Sĩ, sau đó qua đời vì bệnh nhũn não Creutzfeldt-Jakob (CJD), cũng là dạng bệnh lây lan thông qua hoạt động phẫu thuật có liên quan đến mô người lấy từ xác chết. Kết quả phân tích nhóm bệnh nhân này cho thấy có đến 7 trong số 8 người, thiệt mạng trong độ tuổi 28 đến 63, chứa những vón cục protein trong não gọi là amyloid-beta (A-beta). Đây là tình trạng xuất hiện ở những giai đoạn đầu của căn bệnh Alzheimer, nhưng vô cùng bất thường nếu xảy ra ở nhóm bệnh nhân có độ tuổi khá trẻ như vậy. 5 trong số 7 người có A-beta đồng thời bị tổn hại đáng kể ở các mạch máu chủ chốt cung cấp cho não, nguyên nhân là do sự dồn ứ các protein A-beta, cũng là một sự phát hiện bất thường ở nhóm tuổi còn trẻ để phát bệnh Alzheimer. Khi đối chiếu với một nhóm 21 bệnh nhân khác cũng thiệt mạng do mắc CJD, kết quả cho thấy nguyên nhân không phải là vi rút gây nhũn não mà là do bệnh nhân tiếp nhận mô hiến.
Dù vẫn chưa loại trừ hoàn toàn các nguyên nhân có thể khác, nhóm chuyên gia nghi ngờ rằng “hạt giống” của protein A-beta có thể đã được “bơm” vào não bệnh nhân vào thời điểm họ trải qua cuộc phẫu thuật cấy mô màng cứng, bộ phận bao phủ não và tủy sống, với mô vào thời điểm đó lấy từ xác chết, trước khi thủ thuật này bị hủy bỏ vào thập niên 1980. Phát hiện mới đã ủng hộ quan điểm cho rằng một số quy trình phẫu thuật nào đó có thể vô ý truyền bệnh Alzheimer từ người này sang người khác, nhưng vẫn chưa có bất kỳ nghi vấn nào về việc Alzheimer có thể lây lan trong quá trình chăm sóc người mắc căn bệnh thoái hóa não này.
Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Herbert Budka của Viện Thần kinh học Zurich nhận định các chứng cứ ngày càng chi tiết về nguy cơ lây lan Alzheimer ở người là lời nhắc nhở cho thấy cần phải nhanh chóng đánh giá lại quy trình khử trùng dụng cụ phẫu thuật và xem xét nguồn gốc của thuốc sinh học, nhằm đảm bảo tình trạng vô trùng hoàn toàn trong các quá trình chữa bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.