Ai ở bên bạn lúc nguy nan nhất? - Kỳ 4: Bà ngoại cùng cháu giành sự sống

20/12/2017 13:17 GMT+7

Suốt những tháng ngày kể từ lúc phát hiện Ngọc Nhi mắc căn bệnh tim bẩm sinh, bà Bính đã luôn bên cạnh cùng đấu tranh giành lấy sự sống mong manh cho đứa cháu bé nhỏ.

Ròng rã 3 năm trời, chưa bao giờ bà Bính rời mắt khỏi Ngọc Nhi bé nhỏ của mình. Từng nhịp đập yếu ớt trong lồng ngực đứa cháu mới 5 tuổi từ lâu đã như chính những nhịp đập đau đớn của trái tim người bà.
“Con mổ lần này là con khỏe, rồi con với ngoại về nhà…”
Tôi gặp bà Trần Ngọc Bính (SN 1966, quê Kiên Giang) ở Viện tim TP.HCM (Q.10) vào một buổi chiều, trong lúc bà đang ngồi chờ đến giờ vào thăm nuôi. Vừa thấy gương mặt hốc hác và đôi mắt thâm quầng của người phụ nữ ấy, tôi đã mường tượng ra những đêm trắng bên chiếc giường bệnh để canh chừng từng nhịp thở đứa cháu bé bỏng của mình.
“Không biết hôm nay Nhi có ngủ được không? Mấy hôm trước nó cứ khò khè suốt, thở khó khăn lắm…”, bà Bính bắt đầu câu chuyện, nhưng vẫn không giấu được sự lo lắng khi ánh nhìn cứ hướng về cánh cửa dẫn vào khu vực vô trùng nơi Ngọc Nhi nằm.
Thái Ngọc Chuyển (SN 1987), mẹ của bé Ngọc Nhi mắc căn bệnh bướu cổ và hở van tim 2 lá, hiện tại không thể lao động được nữa

Lọt lòng với cân nặng chưa đến 2 kg, nhưng Ngọc Nhi vẫn phát triển bình thường khiến cả nhà cũng yên tâm. Năm em lên 2 tuổi, đột nhiên những cơn ho bỗng xuất hiện và kéo dài dai dẳng, thuốc thang mãi chẳng hết. Không lâu sau đó là những cơn đau thắt ngực diễn ra thường xuyên. Cảm thấy bất thường, gia đình đưa em vào bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang để khám.
“Ban đầu chỉ nghĩ Nhi bị yếu phổi nên đưa đi khám, chứ gia đình đâu có tiền sử bệnh tim. Ai ngờ vừa siêu âm tim xong, bác sĩ đã đề nghị chuyển viện thẳng lên Nhi Đồng. Tội nghiệp con bé, nó nôn đi học, đồ đạc chỉ vừa mới sắm sửa xong…”, bà Bính kể về những ngày đầu tiên phát hiện căn bệnh tim bẩm sinh của Ngọc Nhi.
Chẩn đoán lần đó khiến cả nhà bàng hoàng: Nhi bị hẹp eo động mạch chủ, hẹp van 2 lá. Căn bệnh tiến triển quá nhanh khiến cơ thể bé nhỏ của em ngày càng yếu đi. “Nhi cứ phải nhập viện liên tục, đi đi về về. Cha nó đi tàu biển suốt, mẹ thì làm công nhân mới có đồng ra đồng vô, đâu có bỏ được. Thôi thì cái số, 2 bà cháu đành chịu. Chỉ tội con bé, nó còn nhỏ quá”, bà Bính tâm sự.
Cho đến tận cuối năm 2015, được sự hỗ trợ từ tỉnh nhà cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, bà Bính mới kí giấy xác nhận cho Ngọc Nhi được phẫu thuật tại Viện tim TP.HCM với chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng. Ngày 3.12.2015, em lên bàn mổ.
“Nhi gan lắm, không có khóc lóc gì hết trơn. Nằm trên giường mà nó cứ lay lay tay tôi: ‘Con mổ lần này là con khỏe, rồi con với ngoại về nhà’”, bà Bính vẫn nhớ như in giọng nói yếu ớt của đứa cháu gái kiên cường.
Sau ca mổ, sức khỏe của Ngọc Nhi khả quan hơn, em được xuất viện. Hai bà cháu sang Đồng Nai ở tạm nhà người thân để tiện cho việc Ngọc Nhi tái khám. Chưa được 1 tuần, em lại sốt cao, phải trở vào bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10) theo dõi. Ngày 30.12.2015, sau khi tái khám ở viện Tim TP.HCM, 2 bà cháu trở về quê.
Ngọc Nhi khỏe dần, có thể sinh hoạt lại bình thường và vẫn tái khám định kì hằng tháng. Nhưng tôi biết hôm nay em vẫn còn nằm trong kia, tức câu chuyện không chỉ dừng ở đó.
Giọng bà Bính nghẹn lại với biến cố tiếp theo: “Lần tái khám thứ 10, các bác sĩ tiến hành hội chẩn lại. Họ nói Nhi bị hẹp eo động mạch chủ tái phát. Trời ơi con bé có tội tình gì đâu mà nó phải đau hoài vậy chứ…”
17 giờ 30, cánh cửa dãy phòng vô trùng mở ra. Bà Bính đưa tay quệt mắt mình rồi lật đật theo chân những người thăm nuôi khác mặc đồ bảo hộ đi vào. Câu chuyện cùng tôi dang dở vì Ngọc Nhi đang đợi bà.
“Xong lần này nữa con xuống trại, để ngoại ngủ ở đây muỗi cắn ngoại”
Trong căn phòng trắng phất mùi thuốc sát trùng, Ngọc Nhi đang co ro ngủ trên một chiếc giường, cũng là “ngôi nhà” của em suốt hơn 4 tháng qua. Em bé nhỏ hơn cả suy nghĩ của tôi, với một gương mặt đờ đẫn và tay chân co rút. Ống khai khí quản được đặt nơi cổ. Những ống dẫn thức ăn và kháng sinh khác quấn đầy cơ thể cô bé.
Ngọc Nhi bỗng rút người lại và phát ra những tiếng khò khè rất lớn. Bà Bính vội vàng vuốt ve tay chân em và dỗ dành. Em mở mắt nhìn bà, người run run vì những nhịp thở đầy khó nhọc.
Đợi Ngọc Nhi lim dim trở lại, bà Bính tiếp tục câu chuyện số mệnh của đứa bé: “Ngày 22.12.2016, một lần nữa tôi kí giấy cho Nhi mổ. Sau đó không lâu, lại phát hiện mẹ nó mắc căn bệnh bướu cổ, tim thì hở van 2 lá, không còn lao động được nữa”. Trách nhiệm lại đè nặng lên đôi vai của người bà đang ngồi trước mặt tôi. Mỗi ngày, bà ăn cơm từ thiện và vẫn tranh thủ những thời gian không thể vào thăm nuôi để làm công việc giữ người bệnh thuê, nếu có thì nhận khoảng 100 – 200 ngàn đồng.
Một lần nữa, cô bé gan góc ấy ngước đôi mắt nhìn bà ngoại mình và cười, lời nói ngắt quãng vì những cơn đau thắt ngực: “Con mổ xong lần này là con khỏe. Con xuống trại bà ngoại mới có chỗ ngủ, để ngoại ngủ ở ngoài muỗi cắn ngoại”. Ngày 28.7.2017, Ngọc Nhi lại phẫu thuật. Ca mổ thành công, em xuống phòng hậu phẫu sau 5 ngày.
Bà Bính ngồi chờ đến giờ vào thăm cháu ngoại
Lại thêm 3 đêm trắng ở phòng hậu phẫu, bà Bính luôn dõi theo từng cử động của Ngọc Nhi mà không hề chợp mắt. Đêm 4.8.2017, Nhi lên cơn đau đầu dữ dội. Sau cửa phòng cấp cứu, em bị ngưng tim, tệ hơn là di chứng não. Bên ngoài, bà Bính chỉ biết ngồi chắp tay cầu nguyện bằng tất cả niềm tin.
Mà có lẽ niềm tin thôi chưa bao giờ là đủ… Đứa trẻ bé bỏng ấy từ đó đã không còn nói cười được nữa. Nhưng có một điều khác lạ, bởi những gì tôi nghe được từ các bác sĩ về tình trạng hiện tại của Ngọc Nhi là “người thực vật”, là “không còn hi vọng nhiều”, còn bà Bính vẫn nói với tôi bằng tất cả lạc quan, rằng “đợi Nhi tự thở được là về”, rằng “thấy nó khỏe hơn nhiều rồi”.
Dẫu là bà đang không thể chấp nhận hay đang tự trấn an mình, tôi vẫn hi vọng một phép màu nào đó sẽ đến với Ngọc Nhi, với trái tim bé nhỏ không may mắn kia. Có một điều chắc chắn, nếu em có thể nói cười trở lại, tôi biết câu đầu tiên của em sẽ lại là: “Con khỏe rồi con với ngoại về nhà…”
Kể từ ca mổ thứ 2 của Lâm Thái Ngọc Nhi vào ngày 28.7.2017, bà Bính phải ở suốt trong Viện Tim TP.HCM cùng em đến nay. Toàn bộ viện phí của Nhi đều được hỗ trợ, nhưng gia đình vẫn phải lo về tã, sữa và chi phí phát sinh cho em. Lao động chính trong gia đình chỉ còn có chồng bà Bính làm phụ hồ, xe ôm và cha Ngọc Nhi đi tàu biển. Căn bệnh tim và bướu cổ khiến mẹ Ngọc Nhi không thể lao động được nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.