Ai ở bên bạn lúc nguy nan nhất? - Kỳ 3: Vợ giấu ung thư, chồng day dứt

15/12/2017 09:33 GMT+7

Một câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, một nỗi dằn vặt không thể nào quên. Vì cuộc sống mưu sinh mà họ bỏ quên sức khỏe để rồi nỗi đau chồng chất nỗi đau.

Mắc bệnh ung thư vú suốt 10 năm nhưng bà Phạm Thị Cở (47 tuổi, ngụ Tây Ninh) không nói cho ai biết, kể cả chồng bà là ông Phạm Văn Nhẹ (53 tuổi). Không phải vì chồng không quan tâm mà là bà không muốn trở thành gánh nặng cho chồng.
Để rồi căn bệnh trở nặng, mang theo nỗi dằn vặt của người chồng.
Dằn vặt vì không biết vợ bệnh
Căn bệnh phát triển âm thầm đến mức vợ ông cũng không cảm nhận được, cho đến khi ông Nhẹ bất ngờ thấy vợ ngã khụyu trong lúc làm vườn. Sự việc xảy ra quá đột ngột, khiến ông Nhẹ không kịp trở tay, hốt hoảng đến mức không còn nhớ nổi đường đến bệnh viện.
Lúc ấy, ông chỉ biết gọi to để người xung quanh đến giúp. Sau đó, vợ ông được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện huyện, khi chưa có kết quả ông tự trấn an: “Bà ấy không sao đâu, chắc làm việc quá sức nên ngất xỉu thôi”. Ông nắm tay vợ nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt vợ, ông nói: “Lúc bác sĩ nói vợ tôi mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3, tôi thật sự không tin vì bà ấy đang rất khỏe mạnh mà”.
Hai ngày sau khi bác sĩ chẩn đoán vợ mắc bệnh ung thư vú, ông chạy về nhà vay mượn tiền bà con họ hàng, bán hết gà vịt, dặn dò các con rồi cùng vợ khăn gói từ Tây Ninh lên bệnh viện Ung Bướu TP.HCM điều trị. Ông Nhẹ kể: “Bác sĩ cho biết, bệnh của vợ tôi đang trong giai đoạn di căn nên phải cắt bỏ một bên ngực. Chi phí phẫu thuật vài chục triệu đồng nhưng nhờ có BHYT nên cũng đỡ tiền viện phí”.
ChịÔng Nhẹ thường cõng vợ xuống sân mắc võng nằm cho không khí đỡ ngột ngạt
Lúc còn khỏe, cả hai vợ chồng ông Nhẹ suốt ngày quần quật ngoài đồng. Bởi công việc của họ là làm thuê, miễn sao kiếm ra đồng tiền để lo cho 3 đứa con ăn học là họ làm. Cũng chính vì gia đình khó khăn mà bà Cở giấu căn bệnh của mình suốt 10 năm qua. Ông tâm sự: “Tôi không trách bà ấy mà tôi tự trách bản thân chưa làm đúng bổn phận một người chồng. Vợ bệnh nặng đến như vậy mà còn để bà ấy làm việc cật lực, nỗi dằn vặt đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này”.
Vợ ông vẫn nằm trên giường bệnh, mắt nhắm như thiếp đi nhưng cơn đau thì vẫn hiện rõ trên gương mặt. “Lúc đầu, vợ tôi phát hiện một khối u nhỏ bằng hạt đậu mà không nói cho ai biết. Hàng ngày, bà ấy vẫn cùng tôi đi làm đều đặn không dấu hiệu gì bất thường. Cho đến khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì tôi mới biết”, ông Nhẹ tâm sự
Nhiều đêm thức trắng
Chuỗi ngày dài đằng đẵng tại bệnh viện cũng là khoảng thời gian u tối nhất trong cuộc đời ông Nhẹ. Hằng ngày, ông phải chứng kiến cảnh người vợ đáng thương vật lộn với những cơn đau xé thịt. Khoảnh khắc ấy có thể làm cho bất cứ người đàn ông mạnh mẽ nào cũng trở nên yếu đuối. Ông đã khóc, thậm chí còn khóc như một đứa trẻ. Ông nói: “Năm nay bà ấy cũng 47 tuổi rồi, có tuổi mà lại phải mổ nên sức khỏe yếu lắm. Từ ngày mổ tính đến nay cũng gần 6 tháng rồi nhưng bà ấy vẫn thường mệt đột ngột”.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cứ liên tiếp bị gián đoạn vì ông Nhẹ phải bóp tay chân cho vợ. Thỉnh thoảng ông đỡ vợ ngồi dậy rồi lại nhẹ nhàng đỡ vợ nằm xuống để khỏi bị hầm lưng. Ông Nhẹ bảo: “Nếu để hầm lưng lâu ngày sẽ gây lở da rất khó lành”.
Nói rồi ông tiếp tục đút nước cho vợ uống. Đã nhiều đêm vợ mệt, ông phải thức trắng để canh chừng, ông chẳng dám chợp mắt vì sợ ngủ rồi vợ gọi không hay. Cũng có hôm vợ ông muốn xuống sân để đi dạo, hít thở không khí trong lành, ông cũng chiều theo.
Tuy lần đầu chăm sóc cho người bệnh nhưng ông lại tỏ ra rất "mát tay", từ chuyện ăn uống cho đến chuyện vận động tay chân, tất cả ông đều rất rành. “Người bệnh thường mệt nằm một chỗ ít đi lại nên tay chân rất dễ bị teo. Vì vậy, tôi hay cõng vợ xuống sân rồi dìu bà đi để tay chân không bị mất cảm giác, teo nhỏ”, ông Nhẹ nói.
Ông Nhẹ hay cõng vợ xuống sân rồi dìu bà đi để tay chân không bị mất cảm giác, teo nhỏ
Cứ một tháng thì hết hơn nửa tháng vợ chồng ông ở lại bệnh viện, vì đường xa cộng thêm vợ hay mệt đột ngột nên ông không dám đưa vợ về nhà. Lo cho vợ nhưng chuyện gia đình ở quê ông cũng không hề bỏ sót. Cách 2 tuần là ông chạy về nhà 1 lần, gặp các con dặn dò vài thứ rồi quay trở lại bệnh viện. “Ở quê còn 3 đứa con, đứa lớn sáng đi làm chiều về lo cơm nước cho 2 đứa em. Còn 2 em thì đi học xong về lo cho bà nội, tại bà nội cũng già yếu với lại vừa bị gãy chân nên đi đứng không tiện”, ông Nhẹ tâm sự.
Đối với ông Nhẹ, những việc làm của ông ở hiện tại thật sự không thể nào bù đắp được nỗi đau mà vợ ông đang gánh chịu. Nhưng ông cứ ráng chăm vợ tốt chừng nào hay chừng ấy, bởi ông hiểu vợ đang cần mình bên cạnh hơn lúc nào hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.