87% quán bia vỉa hè Hà Nội có công an 'chống lưng': Đã điểm đúng huyệt!

06/03/2017 08:34 GMT+7

Bài viết 87% quán bia vỉa hè Hà Nội có công an “chống lưng” trên Thanh Niên số phát hành ngày 5.3 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Xấu hổ cũng phải nhìn nhận
Nói các quán bia vỉa hè Hà Nội có công an “chống lưng” thì nghe xấu hổ cho lực lượng công an. Nhưng thà xấu hổ vẫn phải nói, phải thừa nhận mà triệt tiêu để hình ảnh người công an trở nên đẹp hơn. Người dân ai cũng biết, muốn lấn vỉa hè mà không chung chi thì chẳng ai lấn được. Biết thế nhưng dân nói chẳng ai nghe, phản ánh hoài cũng thế nên đành… sống chung với lấn chiếm vỉa hè, ai làm được thì làm, dân chẳng thèm nói. Lần này, người đứng đầu thành phố đã chỉ thẳng, thừa nhận ngọn nguồn của vấn đề như thế thì dân rất hoan nghênh.
Nguyễn Minh Đức (Từ Liêm, Hà Nội)
VIDEO: Ông Nguyễn Đức Chung: 'Hơn 150 quán bia vỉa hè có công an đứng sau'
Phải giải quyết tận gốc
Một khi người đứng đầu TP.Hà Nội đã chỉ ra, thừa nhận công an “chống lưng” cho lấn chiếm vỉa hè cũng là lúc chính quyền thấy rõ được gốc rễ của vấn nạn lấn chiếm vỉa hè. VN có chỉ tiêu về xử phạt. Cảnh sát giao thông xử phạt bao nhiêu một năm cũng có chỉ tiêu đấy thôi. Từ đó, cán bộ cũng rất thích xử phạt theo chỉ tiêu. Do đó, với hành vi lấn chiếm vỉa hè, cứ đặt chỉ tiêu xử phạt. Phường nào xử phạt nhiều sẽ được thưởng. Nếu được thế thì cán bộ sẽ hăng say phát hiện và xử phạt vi phạm. Một khi không còn ai “chống lưng”, không còn cán bộ nào để người dân “vịn” vào thì họ sẽ tự động không vi phạm nữa. Bên cạnh đó, với chỉ tiêu xử phạt dành cho mỗi phường thì hễ dân vi phạm là phạt. Đến lúc đó, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, vỉa hè sẽ thông thoáng thôi.
Huỳnh Tuấn Tương (TP.Tân An, Long An)
Lợi ích nhóm
Vỉa hè là của chung, của công cộng, nhà nước bỏ tiền ra xây dựng, làm hệ thống chiếu sáng... Thế rồi, một số hộ dân lấn chiếm buôn bán với sự “chống lưng” của công an và nhiều lực lượng khác. Vỉa hè hư hao vì buôn bán thì đã có nhà nước lo. Chuyện kỳ lạ như thế đã tồn tại hàng bao năm qua. Tiền kinh doanh từ vỉa hè thì hộ kinh doanh đút túi và tất nhiên phải chia cho các thế lực “chống lưng”. Đấy là điển hình của cái gọi là lợi ích nhóm. Đất nước càng văn minh thì sự công bằng càng được đề cao. Dân bỏ tiền thuế để xây dựng vỉa hè, hệ thống chiếu sáng nhưng không được hưởng, chỉ một nhóm người được hưởng là quá bất công. Vì vậy, giành lại vỉa hè càng sớm càng tốt để ai cũng được sử dụng vỉa hè như nhau.
Đỗ Nguyễn Vũ (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Còn “chống lưng” thì vỉa hè còn bị chiếm
Người dân dám lấn chiếm vỉa hè nghĩa là có thế lực nào đó “chống lưng”. Cán bộ phường đi ngang tuyến đường bị lấn chiếm mỗi ngày và hành vi lấn chiếm cũng diễn ra thường xuyên, vậy tại sao không xử lý? Khi nào dân còn được người có chức vụ, quyền hạn “chống lưng” thì khi đó vỉa hè còn lấn chiếm. Từ nay, hễ nơi nào còn lấn chiếm vỉa hè thì cấp thành phố cứ quy trách nhiệm “chống lưng” cho người đứng đầu địa phương đó. Được như vậy thì nạn lấn chiếm vỉa hè sẽ chấm dứt sớm.
Nguyễn Đạt (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội)
Còn chờ giải pháp
Vấn đế cốt lõi của lấn chiếm vỉa hè đã được nhìn nhận. Chủ tịch TP.Hà Nội đã điểm đúng huyệt, bắt đúng bệnh. Vấn đề ở đây là phải cắt bỏ các khối u “chống lưng”, sau đó kê toa, bốc thuốc thích hợp để chữa khỏi khối u đó. Tuy nhiên, cũng thừa nhận rằng lấn chiếm vỉa hè, “chống lưng” là bệnh nan y, chữa khỏi “căn bệnh” này không thể nhanh chóng được. Phải kiên trì thật lâu thì trật tự vỉa hè, lòng đường mới trở thành thói quen, nền nếp của người dân thành phố, nhất là các hộ buôn bán ở các mặt tiền đường.
Nguyễn Thị Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
       
Tôi có dịp ra Hà Nội và đi bộ ở khu phố cổ vào ban đêm. Nhiều tuyến đường không có chỗ cho nhiều người đi bộ vì bị các quán bán bia hơi, quán nhậu lấn chiếm cả. Khách uống thì Tây ta có đủ, ai cũng có vẻ vui vẻ, sung sướng. Nhưng như thế thì không còn trật tự, kỷ cương gì. Chỉ cần một sự náo loạn thôi là khu vực này sẽ thành thảm họa. Tôi cho rằng mọi thứ cần phải trở nên trật tự, gọn gàng thì càng sạch đẹp, văn minh. Vì vậy, phải cấm tiệt hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhất là khu phố cổ Hà Nội.
Huỳnh Minh Phương (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
       
Một khi cả nước nói chung, TP.Hà Nội và TP.HCM nói riêng cùng quyết tâm, đồng lòng để dẹp vỉa hè thì sẽ làm được thôi. Cách hay nhất vẫn là giao trách nhiệm cho từng cá nhân, là người đứng đầu phường hoặc người có trách nhiệm xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường. Cá nhân nào không làm tròn trách nhiệm thì bị xử lý kỷ luật, cao nhất là chuyển công tác. Ai bị đụng đến quyền lợi, chức vụ và kinh tế thì sẽ tuân thủ ngay thôi.
Nguyễn Hoài Khanh (Q.4, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

tin liên quan

Toàn cảnh vỉa hè Hà Nội bị tái chiếm
Sáng nay 2.3, sau 2 ngày xử lý rốt ráo của lực lượng chức năng quận, phường, nhiều khu phố quận Hoàn Kiếm lại quay trở lại cảnh xe cộ, hàng quán tràn ra vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.