6 'con mèo' mừng tuổi 30 khi lang bạt dọc đường Himalaya trong giá rét

14/05/2017 09:42 GMT+7

Đánh dấu tuổi 30 tròn trịa bằng chuyến trekking (du lịch mạo hiểm) thử thách bản thân, 6 con mèo sinh năm 1987 từ VN sang Nepal đi bộ chinh phục Everest Base Camp (EBC), trạm căn cứ của nóc nhà thế giới.

Nhóm chúng tôi đi từ bờ Tây sang Đông, hành trình Gokyo - Cho La Pass - Everest Base Camp với giá tour 1.090 USD/người, bao gồm cả vé máy bay khứ hồi Kathmandu - Lukla. Đây là cung đường đi bộ khá phổ biến cho người muốn thử sức với dãy Himalaya với điểm cuối là trạm căn cứ ở độ cao 5.365 m.
Từ đó lên đến đỉnh Everest ở độ cao 8.800 m là hành trình chỉ dành cho dân leo núi chuyên nghiệp và phải có giấy phép của chính phủ với mức phí khoảng 10.000 USD, cùng với tiền thuê từ 5 - 15 người địa phương theo hỗ trợ 1 người.
Chuyến bay nguy hiểm
Mỗi người sẽ được bên tour cung cấp một túi ngủ, loại có thể chịu được nhiệt độ dưới 0OC. Thực sự cái túi ngủ thần thánh này đã cứu nguy cho chúng tôi trong những đêm rét buốt khi nhiệt độ phòng đã xuống dưới -7OC, đủ làm đóng băng luôn mấy chai nước. Ngoài quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, miếng giữ nhiệt, chúng tôi phải trang bị thêm gậy trekking, găng tay đi tuyết, bộ đinh gắn đế giày để đi trên băng và mắt kiếng râm để chống lòa tuyết. Bên cạnh đó thì thuốc men là thứ không thể thiếu, thuốc nhức đầu, cảm cúm sổ mũi, chống đau cơ và cả... hoạt huyết dưỡng não lúc nào cũng phải sẵn sàng trong ba lô.

Thậm chí tất cả thành viên đều được yêu cầu mua bảo hiểm du lịch, trong đó bao gồm cả chi phí “vận chuyển y tế khẩn cấp”, do chuyến đi có khá nhiều yếu tố rủi ro, trong đó có khả năng phải yêu cầu trực thăng hỗ trợ để hạ độ cao khẩn cấp trong trường hợp bị sốc độ cao.
Chuyến trek EBC khởi đầu bằng chặng bay Kathmandu - Lukla dài 30 phút, giá tiền khoảng 320 USD khứ hồi, bằng với vé giá rẻ bay từ TP.HCM tới Nepal, nhưng đó là 30 phút hồi hộp đến đứng tim khi máy bay lượn vòng len lỏi qua muôn trùng vách núi cao sừng sững.
Máy bay nhỏ xíu, vừa đủ chỗ cho 14 hành khách, 2 phi công và 1 tiếp viên, ngồi ở bất cứ chỗ nào trong khoang hành khách cũng có thể thấy được buồng lái và quan sát phi công điều khiển máy bay. Những chuyến bay đến Lukla không hề có radar định vị, chỉ được lái duy nhất bằng mắt thường của phi công.
Vì thế, những khi thời tiết xấu thì toàn bộ chuyến bay đến Lukla đều bị hủy do phi công không thể xác định được hướng bay. Sân bay Lukla là một trong những sân bay đánh đố tài nghệ của phi công nhiều nhất với đường băng ngắn nhất thế giới, chỉ dài 450 m và bên dưới là... vực thẳm.
Chạy đua với mặt trời
Ở các trạm dừng chân có những nhà nghỉ, ở đây gọi là tea house, để khách trọ qua đêm. Nhà nghỉ khá sơ sài, các phòng được ngăn cách bằng vách gỗ, trong phòng chẳng có gì ngoài 2 cái giường đơn và 2 cái chăn, tiện nghi lắm thì được cho thêm cái bàn để đồ. Mà thực ra khách trọ cũng chỉ lưu lại một đêm rồi sáng hôm sau lại lên đường ngay, nên cũng chẳng cần tiện ích gì nhiều.
Trong phòng luôn lạnh tê tái nên mọi người thường tụ tập ở nhà ăn, quây quần xung quanh lò sưởi được đốt bằng... phân bò yak. Thế mới biết cái thứ tưởng như bỏ đi ấy lại vô cùng hữu ích trong những tháng ngày lạnh buốt giá.

Thực đơn ở các trạm dừng chân khá giống nhau, chủ yếu là dal bhat (món ăn truyền thống Nepal), cơm chiên, trứng và các món Tây phục vụ khách nước ngoài (bánh mì, ngũ cốc, khoai tây...). Thức ăn ở đây nêm khá lạt, các món lặp đi lặp lại đến chán ngấy, đến nỗi bước qua ngày thứ ba thì chỉ cần hũ chà bông Việt đưa ra là cả nhóm mừng đến trào nước mắt.
Để hạn chế sốc độ cao, mỗi người phải uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Nước sôi phải mua với giá khoảng 3 - 10 USD/bình 500 ml, càng lên cao giá càng mắc nên đa phần mọi người chọn giải pháp xin nước thường (miễn phí) và bỏ viên lọc nước vào để uống. Nước khá khan hiếm nên ai cũng ý thức tiết kiệm và ưu tiên nước uống trước, những nhu cầu vệ sinh khác tính sau.
Những khi trời lạnh dưới 0OC, nước đóng băng thì chuyện không có nước rửa mặt đánh răng vệ sinh cá nhân là điều bình thường và ai nấy đều vui vẻ chấp nhận để nguyên cái mặt ngái ngủ đêm hôm trước tiếp tục lên đường. Thỉnh thoảng hiếm hoi trên đường có gặp vài chỗ đi toilet, nhưng đa phần bị khóa cửa nên cách tiện nhất vẫn là “mình ta với thiên nhiên”.
Chuyến đi kéo dài 13 ngày (đi lên 10 ngày do cần đi chậm để cơ thể thích nghi với độ cao, còn lúc xuống chỉ mất 3 ngày), trung bình mỗi ngày đi khoảng 10 - 13 km, chủ yếu là đi bộ. Càng về sau đường càng khó, trời càng lạnh, ô xy càng loãng và cường độ trek càng tăng.
Tuy không có những pha kịch tính như đu dây, treo lơ lửng trên vách đá như trong phim, nhưng đoạn đường cũng có những khúc khiến chúng tôi phải vận dụng hết tất cả tứ chi và cả mông, viện trợ thêm phần lôi, kéo, đẩy, nắm, ủn, đỡ của người xung quanh để có thể leo trèo qua những dãy núi cao ngất trong cơn mưa tuyết mịt mù.
Mỗi chặng đường leo lên hay leo xuống đều có sự vất vả của riêng nó, nếu như khi leo lên cần sức bền của đôi chân và giữ nhịp thở đều thì khi leo xuống cần bước khéo léo uyển chuyển để không dồn toàn bộ sức nặng lên hai đầu ngón chân cái. Ba ngày cuối cùng là ba ngày di chuyển nhiều nhất và bị áp lực thời gian nhất vì bằng mọi giá phải về đến trạm nghỉ trước khi trời tối. Chạy đua với mặt trời chẳng lúc nào là cuộc đua cân sức cả!
Cách duy nhất là tiến lên
“Sẽ không có đường lùi!” - đây là điều ai cũng hiểu khi gật đầu xác nhận tham gia trekking chuyến EBC; tôi cũng đã hăng hái lên đường, quyết tâm chinh phục EBC với tinh thần thép đó. Nhưng đến khi thực sự đã dấn thân vào chuyến đi, khi cơ thể mệt lả vì đói, mệt và lạnh, và đôi chân không còn nghe theo sự điều khiển của trí óc, thì tôi bắt đầu hối hận về quyết định của mình.
Nhưng không thể quay lại, và cũng không thể dừng chân ở một trạm nghỉ lâu hơn một đêm, tôi chỉ biết dồn toàn bộ sức lực cố gắng bước tiếp, từng chút từng chút một tiến dần về EBC. Và rồi bao cảm xúc chất chứa chợt vỡ òa trong cái giây phút tôi đặt chân đến EBC. Không khỏi rùng mình khi nhìn ngắm những lán trại bé xíu như những chấm vàng chìm nghỉm trên muôn trùng núi băng uy nghi phủ tuyết trắng xóa, nơi cách đây 2 năm từng có khá nhiều người mất mạng vì tuyết vùi trong cơn động đất.
Hình ảnh về trạm đầu tiên Base Camp của những người muốn chinh phục nóc nhà thế giới cho tôi cảm nhận rõ ràng hơn về mức độ khốc liệt của hành trình leo Everest. Càng tiến dần về Base Camp, tận mắt nhìn khung cảnh núi tuyết sừng sững đẹp gai góc đến sởn da gà, tôi dần hình dung được vì sao biết bao người ngày đêm nỗ lực thực hiện giấc mơ chinh phục Everest, một giấc mơ nguy hiểm nhưng lại có sức hút không thể cưỡng lại.
Tôi đã hoảng hốt gần như bật khóc khi không thể hít được chút ô xy nào trên vùng núi cao lạnh buốt giá khi đang leo lên đỉnh Gokyo Ri và toàn thân tê cóng buốt giá vì lạnh. Tôi đã trải qua những nỗi sợ hãi tột độ, tôi đã đẩy bản thân mình đến điểm giới hạn tận cùng, và đến khi mọi thứ qua đi, nỗi sợ lắng xuống, nghiệm ra rằng: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi!”. Đó cũng chính là bài học lớn nhất học được trong chuyến đi này.
Người vác hộ hành lý
Cung trek EBC khá nổi tiếng ở Nepal, hằng năm tiếp đón cả chục ngàn lượt khách khắp nơi trên thế giới. Những dịch vụ du lịch cũng từ đó mà phát triển rầm rộ. Đầu tiên phải kể đến đội ngũ porter, những người chuyên khuân vác đồ cho du khách. Mỗi porter sẽ khiêng đồ cho 2 người với tổng trọng lượng khoảng 20 kg hành lý. Nhưng dọc đường đi, tôi đã từng chứng kiến có những porter khiêng đống hàng hóa to đùng trên lưng nặng đến 70 - 80 kg hoặc có khi lên đến 120 kg. Lương porter chỉ cao nhất là khoảng 12 - 15 USD/ngày, trong mùa thấp điểm có khi bị ép xuống 7 - 10 USD/ngày nhưng họ vẫn chấp nhận. Nguồn thu nhập thêm duy nhất là tiền tip.
Trong đoàn của tôi có một chú porter lớn tuổi, chú bảo năm nay 45 tuổi nhưng nhìn bề ngoài khắc khổ bé nhỏ của chú thì trông như đã ngoài 50. Chú rất chân thành và nhiệt tình, đúng kiểu chất phác thật thà của người dân miền núi. Chúng tôi gọi vui chú là “phó phòng”, hỗ trợ cho chú guide “trưởng phòng”.
Bao lần chú vừa nhấc mớ hành lý to oạch trên lưng, mà quay lại thấy cả nhóm loay hoay vất vả tìm cách leo trèo giữa đám tuyết phủ dày đặc, chú lại đặt mớ đồ nặng trĩu xuống, nhào tới giúp kéo từng đứa một, rồi lại tiếp tục quay lại nghiêng người lấy đà nhấc mớ hành lý lên đi tiếp. Chú kiên trì nhẫn nại vừa khiêng đồ, vừa dẫn đường khi “trưởng đoàn” phải lùi lại phía sau giúp người rớt lại, vừa quay lại trông chừng các thành viên đi tiếp và luôn xuất hiện kịp lúc để kéo, đỡ, đẩy trong những pha leo trèo khó nhằn, cứ như một người cha luôn để mắt trông nom đám con trẻ non nớt yếu ớt.
Ngày cuối, tiễn chúng tôi ở sân bay Lukla, chú khoác cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc khăn vải. Theo phong tục của người Nepal, chiếc khăn thể hiện tinh thần mến khách và cầu chúc may mắn. Món quà bất ngờ này làm chúng tôi vô cùng cảm động. Hình ảnh chú porter bé nhỏ với đống hành lý to đùng trên lưng, cặm cụi bước từng bước trên dãy núi Himalaya được bầu chọn là hình ảnh xúc động nhất trong suốt cung đường trek.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.