40 năm cứu hộ trên sông Vàm Nao, cứu vớt hơn 300 vụ người đuối nước

16/03/2020 09:10 GMT+7

Bất chấp nguy hiểm, 40 năm qua, đội cứu hộ gồm những lão nông đã cứu vớt hơn 300 vụ và người đuối nước trên sông Vàm Nao.

Sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân (An Giang), nối sông Tiền và sông Hậu, nước xoáy rất mạnh. Đoạn sông này nguy hiểm đến nỗi được ví như “hố tử thần” đối với ghe, tàu khi qua đây.
Năm 1980, ông Dương Văn Lợi (69 tuổi) lúc đứng ra thành lập đội cứu hộ trên sông Vàm Nao do ông làm đội trưởng, khi ấy mới 29 tuổi. “Lúc đầu chỉ có vài thành viên, góp được chút ít tiền túi mua trang thiết bị cứu hộ, sau đó tham gia các lớp tập huấn cứu hộ, cứu nạn để nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cứu người đuối nước”, ông Lợi kể.
Khi việc thiện nguyện của đội lan tỏa, ngày càng có nhiều người tự nguyện tham gia. Hiện số thành viên của đội là 17 người, trẻ nhất cũng gần 50, lớn nhất đã ngoài 70 tuổi. Kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp. Bất chấp nguy hiểm rình rập, hễ nghe tin tàu thuyền gặp nạn là mọi người lại gác ngay việc riêng để đi cứu người.
Ông Dương Văn Tích (70 tuổi), một thành viên, cho biết: “Anh em chúng tôi phải uyển chuyển làm sao cứu trợ kịp thời, phải đến chỗ ghe xuồng gặp nạn nhanh nhất có thể để cứu người, ghe xuồng bị nạn”.
Hằng ngày các thành viên cẩn thận kiểm tra các thiết bị cứu sinh, chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi nhận tin báo. 40 năm qua, dù nhiều thành viên mái đầu đã bạc nhưng đội cứu hộ Vàm Nao vẫn quyết tâm duy trì, luôn ở tư thế sẵn sàng, nên quá trình cứu vớt nạn nhân cũng nhanh chóng, an toàn hơn. Dù rất vất vả, tuy nhiên chưa bao giờ các “lão anh hùng” nhận bất cứ sự trả ơn nào, mà luôn cho đó là sứ mệnh của mình.
Ông Dương Văn Lừng (65 tuổi) chia sẻ: “Tai nạn trên sông có lúc xảy ra giữa khuya, có lúc ban ngày nên chúng tôi luôn cử người trực xuyên suốt. Riêng mùa nước nổi, chúng tôi phải thay phiên nhau túc trực 24/24”. Công tác cứu hộ cũng được phân công bài bản, người quăng phao cứu sinh, người nhảy xuống nước trục vớt, các thành viên còn lại thì giữ dây để kéo nạn nhân lên ghe. Nạn nhân sẽ được sơ cứu tại chỗ, sau đó đội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ đưa đến bệnh viện cấp cứu.
“Tôi không nhớ chính xác đã cứu bao nhiêu vụ, chỉ biết thường vào tháng 8, tháng 9 hằng năm, nước bắt đầu đổ về thì tàu, ghe dễ bị chìm, nhiều tai nạn xảy ra trên sông. 40 năm qua, đội đã cứu vớt hơn 300 vụ tài sản bị chìm và người đuối nước”, ông Dương Văn Lợi thổ lộ. Được biết, bên cạnh công việc cứu hộ, đội còn tham gia các hoạt động xã hội khác ở địa phương, như đi tìm dược liệu cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện, cất nhà tình thương cho hộ nghèo...
Ông Phạm Ngọc Bé, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Trung, cho biết: “Nhờ có đội cứu hộ nên bà con mưu sinh trên sông rất yên tâm. Dù đã lớn tuổi nhưng các chú có tấm lòng nhiệt huyết khi làm việc thiện, xả thân cứu người. Ðây là nghĩa cử rất đáng biểu dương và trân trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.