3 lần bị CSGT phạt nồng độ cồn, người vi phạm đổ 'thiếu kỹ năng né chốt'

27/06/2020 12:12 GMT+7

Một người đàn ông 3 lần bị CSGT phạt nồng độ cồn tại Vòng xoay Hàng Xanh đổ do xã giao nên phải đi nhậu, nhưng vì không có kinh nghiệm, kỹ năng để né chốt CSGT nên… mới bị phạt.

Tối 26.6, Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực Vòng xoay Hàng Xanh hướng từ Q.1 về Q.Bình Thạnh. Đây là tuyến đường mà nhiều người đi nhậu ở trung tâm về các quận như: Q.Thủ Đức, Q.9, Q.Bình Thạnh...
Chỉ trong khoảng 1 giờ đứng chốt, CSGT đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

3 lần bị phạt nồng độ cồn, người vi phạm đổ tại không biết... né chốt

‘Thiếu kỹ năng… né chốt’

Vị trí CSGT chọn để làm nhiệm vụ là ngay vị trí của đèn tín hiệu. Khi đèn chuyển sang màu đỏ, CSGT nhìn vào những người đang cầm lái, thấy ai mắt lờ đờ, mặt đỏ bừng, quên mở đèn,… thì sẽ yêu cầu tấp vào lề để kiểm tra nồng độ cồn.

Tới lần thứ ba bị phạt vi phạm nồng độ cồn, thay vì nhận thức lại hành vi của mình, người này đổ tại không biết cách né chốt CSGT

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Nguyễn Tiến Duy (ngụ Q.Thủ Đức) khi bị CSGT yêu cầu dừng xe đã lắc đầu thở dài cho hay, sau giờ làm có đi uống vài chai với bạn bè.
Anh nói: “Ai cũng biết CSGT đo nồng độ cồn ở đây, nhưng nhậu là thói quen của xã hội, vì cuộc sống, vì các mối quan hệ mà không dễ gì thay đổi được. Tôi bị phạt ở đây là lần thứ ba rồi. Lần nào cũng bị giam xe”.
Phóng viên ngạc nhiên hỏi: “Mức phạt nồng độ cồn rất cao. Vậy tại sao sau 2 lần bị phạt anh không rút kinh nghiệm”. Anh Duy giải thích: “Nay tôi có uống 3 - 4 chai trở lên nhưng gửi xe lại công ty đi phương tiện công cộng thì bất tiện quá. Có thể tôi không có kỹ năng để né chốt CSGT như những người khác. Tôi thường đi Grab để tiếp khách, giao lưu bạn bè, nhưng đôi lúc nhậu xong vẫn đi xe máy, mà những lần đôi lúc là những lần bị CSGT thổi phạt, lạ lùng”.

Sau tổng kiểm soát, CSGT TP.HCM vẫn kiểm tra nồng độ cồn mỗi đêm

Ảnh: Vũ Phượng

Nồng độ cồn trong hơi thở của anh Duy là 0,45mg/lít khí thở. Ngoài mức phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng và giam xe 7 ngày vì vi phạm nồng độ cồn, anh còn bị lập biên bản thêm lỗi điều khiển xe mà không có bằng lái xe và không có cà vẹt xe. Tổng mức phạt của anh là 8.350.000 đồng.

11 lỗi vi phạm nào bị CSGT tước ngay bằng lái theo dự thảo luật mới?

1 chai bia mừng sinh nhật, đóng phạt 2,5 triệu đồng

Anh Nguyễn Quang Kha chở một người bạn sau tiệc sinh nhật về nhà có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,15mg/lít khí thở. Anh Kha nói chỉ uống 1 chai vì đưa bạn về Q.9, sau đó phải chạy về Củ Chi.

Anh Kha bất ngờ vì uống 1 chai bia mà mức phạt quá cao

Ảnh: Vũ Phượng

CSGT thông báo, với nồng độ cồn như thế này, anh Kha sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng và giam xe 7 ngày. Anh Kha cùng người bạn bàng hoàng nhìn nhau, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Anh Kha tâm sự: “Tôi biết Nghị định 100 nhưng không ngờ là phạt nặng đến như vậy. Chỉ có một chai bia là phạt tới hai triệu rưỡi, tước bằng 11 tháng thì tôi biết làm thế nào. Giờ bị giam xe cũng không biết lấy gì mai đi làm nữa đây”.

Ngạc nhiên vì đi xe máy điện cũng bị phạt

Với kỹ năng nghiệp vụ, CSGT thường nhìn mặt và mắt là xác định được ai đã sử dụng rượu bia mà vẫn tự lái xe. Ông Trần Minh Hùng (62 tuổi) mặt đỏ bừng, mắt lim dim chạy xe đạp điện trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ Q.1 về Q.Bình Thạnh đã bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Người này đinh ninh rằng ông nắm chắc luật, chắc chắn xe máy điện không bị phạt nặng như xe máy. Tới khi CSGT mở Nghị định 100 cho ông xem, ông mới chấp nhận

Ảnh: Vũ Phượng

Sau nhiều lần chần chừ không thổi, ông Hùng mới chịu hợp tác với CSGT. Nồng độ cồn trong hơi thở của ông là 0,80mg/lít khí thở.
Trả lời phóng viên, ông Hùng cho biết chỉ uống 3 chai. Ông biết uống xong là không được chạy xe nên mới lấy xe điện của con gái đi, để lỡ có bị phạt thì mức phạt cũng không quá cao.
Nghe ông nói vậy, CSGT thông báo, theo Nghị định 100 điều khiển xe máy điện mà có nồng độ cồn trong hơi thở cũng bị phạt như điều khiển xe máy. Do vậy, mức phạt của ông Hùng là 7 triệu đồng.

Mức nồng độ cồn trong hơi thở của ông Hùng khiến ông bị phạt 7 triệu đồng, giam xe 7 ngày

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Hùng đặt nhiều vấn đề với CSGT rằng: theo kiến thức pháp luật của ông, mức phạt cao nhất về nồng độ cồn với người đi xe máy điện là 600.000 đồng. CSGT phạt rồi phải chở xe của ông về nhà vì khi giam xe, xe hư, trầy xước ai sẽ chịu trách nhiệm.
Sau gần 30 phút giải thích luật, ông mới chịu ký biên bản và chấp nhận để CSGT giam xe 7 ngày, mức phạt 7 triệu đồng. Ngoài ra, ông cũng bị lập biên bản vì không xuất trình được giấy tờ xe, bằng lái xe.

CSGT phải mất gần 30 phút để giải thích về lỗi vi phạm

Ảnh: Vũ Phượng

CSGT phát hiện 2 thanh niên định dùng chiêu "đổi tài" khi sắp bị thổi phạt

Ảnh: Vũ Phượng

Một trường hợp khác định dùng chiêu đổi tài khi thấy CSGT chuẩn bị tuýt còi, nhưng vì quan sát từ xa nên CSGT vẫn yêu cầu đúng người cầm lái ban đầu thổi nồng độ cồn. Kết quả nồng độ cồn của người này là 0,52mg/lít khí thở. Với mức vi phạm này, nam thanh niên cầm lái cũng bị phạt 7 triệu đồng, giam xe 7 ngày và tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng.
Mức phạt lỗi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi điều khiển xe
Mức phạt tiền đối với xe máy Mức phạt tiền đối với ô tô Hình phạt bổ sung
2 - 3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
6 - 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
4 - 5 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.
16 - 18 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
6 - 8 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
30 - 40 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Tước Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
• Đối với xe đạp, xe thô sơ: Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm nồng độ cồn bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.