26 năm gắn bó với nghề cạo mủ

14/11/2015 09:40 GMT+7

26 năm gắn bó với nghề cạo mủ, chị Võ thị Hà liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở 14 năm liền (2001-2014) và được tặng nhiều bằng khen.

26 năm gắn bó với nghề cạo mủ, chị Võ thị Hà liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở 14 năm liền (2001-2014) và được tặng nhiều bằng khen.

Chị Võ Thị Hà tại vườn cao su đang khai thác - Ảnh: Đức TrọngChị Võ Thị Hà tại vườn cao su đang khai thác - Ảnh: Đức Trọng
Phải lòng vòng hơn 5 km băng qua nhiều vườn cao su, chúng tôi mới tìm đến được nhà của chị Võ Thị Hà (công nhân cạo mủ Đội 4- Nông trường II - Công  ty cao su Lộc Ninh, Bình Phước). Căn nhà nằm lọt thỏm ngay giữa làng công nhân của thôn biên giới ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn (H.Lộc Ninh). Thoạt nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của chị, thật khó có thể tưởng tượng một bề dày thành tích mà chị Hà đạt được trong suốt 26 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3; Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Phước… tặng bằng khen..
Anh Lê Quang Trường- Đội trưởng Đội 4 kể: “Khi mới về làm đội trưởng (2013), có lần tôi đi xuống lô của chị Hà trong giờ làm vệ sinh vườn cây. Nhìn từ xa tôi chỉ thấy chiếc máy phát cỏ di chuyển qua lại. Đến rất gần tôi mới nhìn thấy rõ nữ công nhân “nhỏ thó” nhưng làm việc lại rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn…”.
Tại Đại hộ thi đua yêu nước lần thứ IX – 2015 do Tổng LĐLĐVN tổ chức, chị Hà là đại biểu công nhân duy nhất của Tập đoàn cao su VN (VRG) tham dự. Dịp này, chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi.
Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng (năm 2012) từ tiền tích cóp, chị Hà vui vẻ tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện rất đời thường. Quê ở Quảng Trị, năm 1981 chị theo gia đình vào H.Lộc Ninh làm kinh tế mới. Năm 1989, chị trở thành công nhân của nông trường cao su đảm nhận cạo tận thu vườn cây già thanh lý, sau đó chị chuyển sang trồng mới chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản. Đến năm 1999 chị được nông trường cử đi học lớp đào tạo thợ cạo mủ cho vườn cây mà chính mình đã trồng và chăm sóc. 26 năm theo nghề cạo mủ, chị chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su. Có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương công nhân chỉ được tính bằng gạo, ngày công lao động. Nhiều công nhân không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây ra ngoài sinh sống. Nhìn vườn cây cao su lớn lên từng ngày, rồi sự động viên của lãnh đạo nông trường, chị Hà đã quyết tâm bám trụ, gắn bó trọn đời với cây cao su.
Biết ơn “cô giáo” Hà
Có tay nghề giỏi lại tâm huyết, từ năm 2.000 chị Hà được Ban giám đốc Nông trường II tin tưởng giao phụ trách lớp đào tạo, bồi dưỡng công nhân cạo mủ mới vào nghề. Làng 7 (ấp Thạnh Đông - tên gọi quen thuộc có từ thời Pháp) nơi gia đình chị sinh sống có hơn 70% hộ là công nhân cao su. Công nhân trẻ mới vào nghề đều qua lớp đào tạo do chị Hà hướng dẫn. “Khi truyền đạt kỹ thuật cạo mủ, mình trực tiếp hướng dẫn trên từng miệng cạo thực tế, không lý thuyết mơ hồ mất thời gian. Vì vậy công nhân tiếp thu và thực hành khá nhanh trong quá trình học”, chị Hà chia sẻ.
Đến nay đa số các “học trò” của chị đều vững tay nghề, trở thành những tay cạo giỏi của nông trường. Chị Lê Thị Mai Thảo - Tổ trưởng tổ 2, đội 1 tâm sự: “Tôi từng học qua lớp cạo mủ của cô Hà. Cô rất tận tâm khi hướng dẫn lớp công nhân trẻ chúng tôi. Quá trình dạy học, cô còn truyền cả tấm lòng yêu nghề, gắn bó với nghề cho lớp công nhân trẻ. Nhiều công nhân trong thời điểm khó khăn muốn bỏ nghề đã được cô đã động viên, giúp đỡ. Khi giá mủ cao su tăng, tiền lương, tiền thưởng tăng họ đều nhớ đến cô với tấm lòng biết ơn, trân trọng”.
“Chị Hà là nữ công nhân không ngừng rèn luyện tay nghề giỏi, cạo đúng kỹ thuật, đảm bảo ngày công, chắt chiu từng giọt mủ, bảo đảm chất lượng sản phẩm để có năng suất, sản lượng cao hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao”, anh Lê Quang Trường - Đội trưởng Đội 4 cho biết.
Anh Lâm Quốc Tiến - Phó giám đốc Nông trường II - tự hào: “Chị Võ Thị Hà thực sự là tấm gương sáng, là điển hình cho lớp công nhân cạo mủ trẻ học tập. Tấm gương lao động sáng tạo của chị đã góp phần giúp đơn vị luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất được giao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.