1,6 triệu người TP.HCM phải đổi thẻ BHYT mẫu mới dù còn thời hạn?

06/04/2018 13:36 GMT+7

1,6 triệu dân TP.HCM tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) phải đổi thẻ theo mẫu mới từ 1.4.2018. Tất cả người dân tham gia BHYT đều sẽ có một mã số định danh để tránh việc 1 người sử dụng 2 - 3 thẻ.

Mới đây, đường dây nóng Báo Thanh Niên nhận được một số thắc mắc của người dân liên quan đến việc bắt buộc đổi thẻ BHYT theo mẫu mới dù thẻ cũ vẫn chưa hết hạn sử dụng. Vì sao lại như vậy, việc cấp đổi thẻ mới được thực hiện thế nào, thẻ cũ sử dụng được đến khi nào,… Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM để giải đáp các vấn đề này.
Xin hỏi bà, những trường hợp nào phải đổi thẻ BHYT?
Bà Nguyễn Thị Thu: TP.HCM có 1,6 triệu người tham gia BHYT phải đổi thẻ theo mẫu mới là cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi, người tham gia BHYT hộ gia đình, người hưởng trợ cấp hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người phục vụ người có công với cách mạng.

Việc cấp đổi thẻ được thực hiện như thế nào, người dân có phải mất thời gian đi đổi thẻ không?
Bà Nguyễn Thị Thu: Dựa trên cơ sở dữ liệu đã có, BHXH in thẻ, người dân không phải làm thủ tục gì hết mà BHXH sẽ chuyển về cho các đại lý, người dân tham gia BHYT ở đâu thì đến BHXH nơi đó để nhận thẻ, cụ thể là ở UBND xã, phường.
Trường hợp tham gia BHYT hộ gia đình thì bắt đầu nhận thẻ mới từ 1.4 cho những trường hợp thẻ BHYT bắt đầu từ 1.4; còn cán bộ hưu trí, những người nhận trợ cấp hằng tháng là từ 1.5. Hiện tại, thẻ mới cho cán bộ hưu trí, người nhận trợ cấp hằng tháng đang được phát cùng trong đợt chi trả lương hưu, trợ cấp của tháng 4. Trước đó, từ năm 2017 một số nhóm đối tượng đã được cấp thẻ theo mẫu mới.
Vì sao phải đổi thẻ BHYT theo mẫu mới, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu: Thực ra, việc đổi thẻ theo mẫu mới là do ngành BHXH muốn thực hiện việc cải cách, quản lý cơ sở dữ liệu tập trung nên cấp mã số. Như vậy, tất cả những người tham gia BHYT đều được cấp 1 mã số bảo hiểm, mã số này là cơ sở để cấp sổ, thẻ BHYT.
Đối với người lao động đang làm việc thì đã có mã số sổ BH rồi, mã số BHXH chính là mã số BH luôn. Còn với những người tham gia BHYT trước giờ chưa có mã số thì giờ trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, BHXH sẽ đồng bộ với cơ sở dữ liệu đang tham gia BHYT để cấp cho mỗi người một mã số gọi là mã số định danh BHXH. Mã số này sẽ theo suốt những người đã tham gia BHYT.
Và từ hôm nay trở đi, cấp xong mã số đó thì bắt buộc phải đổi thẻ theo mã số này. Tất cả những người đã tham gia BHYT đều phải đổi thẻ.
Thẻ cũ được sử dụng đến khi nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu: Thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày 1.5.2018, thẻ BHYT theo mẫu cũ thì có giá trị sử dụng đến ngày 30.4.2018. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân nắm bắt thông tin, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn tiếp nhận bệnh nhân đi khám bằng thẻ BHYT theo mẫu cũ đến hết ngày 30.6.2018.
Bà đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn khi cấp đổi thẻ theo mẫu mới?
Bà Nguyễn Thị Thu: Việc cấp đổi thẻ BHYT theo mẫu mới có thuận lợi về công tác quản lý của ngành, quản lý dữ liệu tập trung, tránh cấp thẻ trùng. Khi đồng bộ sẽ phát hiện ra người có 2 - 3 thẻ cùng lúc. Mặt khác, đổi thẻ theo mẫu mới cũng tiết kiệm được chi phí in mỗi lần đổi thẻ vì trên thẻ không ghi “thẻ có giá trị đến…” nữa mà thay bằng “thẻ có giá trị từ…”
Còn khó khăn là do số lượng người tham gia BHYT trong đợt này tương đối đông nên trong quá trình cấp đổi, đồng bộ dữ liệu không thể nào tránh khỏi sai sót. Chúng tôi đã lường trước các trường hợp đó và có chỉ đạo cơ sở bảo hiểm 24 quận, huyện những trường hợp nào sai sót mang thẻ đến thì thì phải sửa và trả thẻ liền cho người dân.
Các trường hợp thẻ bị rách, bong tróc, nhòe khác thì người dân chỉ cần mang thẻ đến cơ sở BHXH nơi quản lý để xin cấp đổi lại.
Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.