12 năm ăn tết trên núi và chuyện tình buồn của 'người cá'

04/02/2019 13:29 GMT+7

Ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam và mang hình hài “ quái vật ”, chàng trai 27 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội với biệt danh "người cá" đã trở lại hòa nhập với cộng đồng sau 12 năm đón tết trên núi.

Từ khi sinh ra, Ngô Văn Thọ (27 tuổi, quê tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã mắc căn bệnh hoại tử da, hay còn gọi là bệnh da cá, da rắn. 
Thọ kể, ngày xưa ông nội Thọ tham gia kháng chiến chống Mỹ, sinh ra bố Thọ bình thường, lành lặn. Người anh trai của Thọ cũng bình thường, nhưng đến lượt Thọ, từ khi sinh ra đã mang hình hài quái dị, nhiều người đã bảo bố mẹ vứt Thọ đi, nuôi làm gì cái thứ quái thai này...
Thọ cùng mọi người trang trí đền Hai Chú để chuẩn bị đón tết Ảnh Trần Cường
“Bố bảo, Thọ bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, mọi người trong nhà thương Thọ lắm, luôn động viên và hết lòng chạy chữa cho Thọ, cái biệt danh “người cá” do một người thân trong gia đình đặt cho, Thọ thấy nó thân thương nên cũng để tên như vậy trên mạng xã hội facebook”, Thọ nói.

12 cái tết trên núi cùng gia đình

Có đủ chân, đủ tay như bao đứa trẻ khác, nhưng làn da của Thọ bong tróc quanh năm, lúc nào cũng nứt nẻ, khô rát. Nhiều người ghẻ lạnh, nói gia đình vứt Thọ đi vì “nó là quái thai”, gia đình đã quyết định giữ lại Thọ và cả nhà chuyển lên núi Gò, cách khá xa khu dân cư để tránh sự soi mói, kỳ thị của mọi người. Tại đây, gia đình được chính quyền địa phương giao một mảnh đất khá rộng để trồng rau quả. Bố đi làm phu vàng, mẹ đi làm thuê. Trên núi còn có khoảng 20 hộ gia đình khác, nhưng mỗi nhà cách nhau hàng trăm mét nên ít người để ý, hàng ngày Thọ phụ anh làm việc nhà cho bố mẹ đi làm.

Sống trên núi không có điện, những ngày hè nóng bức, bà nội của Thọ là người hàng ngày dùng quạt nan quạt cho cháu, rồi bôi thuốc, giữ ẩm cho để hạn chế bớt việc bong tróc làn da của THọ. Bà cũng là người hình thành tình yêu văn nghệ và nghị lực sống cho Thọ.
Thọ cùng gia đình đi chúc tết người thân tết 2018 Ảnh NVCC
Tết trên núi đơn giản lắm, sau bữa cơm cúng gia tiên ngày đầu năm, bố mẹ lại chở 2 anh em Thọ xuống thăm những gia đình họ hàng thân thiết nhất, còn họ xa thì Thọ sẽ không được hiện diện vì ngoại hình ‘người cá’ của cậu có thể khiến trẻ con sợ hãi.
“Phần lớn thời gian tôi ở nhà, nhiều người hàng xóm sang chúc tết, họ hàng dưới làng lên thăm tôi cũng không dám ra gặp mặt, vì tự ti, mặc cảm. Nhiều lúc tôi ước mình là cá thật để được bơi lội khắp nơi, lặn sâu xuống đáy nước, tránh xa thế giới”, Thọ nói.
Đến năm 12 tuổi, Thọ đã vượt qua được mặc cảm, cùng gia đình xuống khu dân cư sinh sống cùng mọi người và bắt đầu cắp sách tới trường học từ lớp 1 với các bạn nhỏ hơn Thọ 6 tuổi. Thời điểm đến trường là khoảng thời gian khó hòa nhập nhất đối với Thọ, các em nhỏ tuổi hơn xa lánh, lên lớp Thọ cũng chỉ lủi thủi chơi một mình. Đến khi cô giáo nói bệnh của Thọ không lây, từ đó mới có 1 số bạn chơi với Thọ.

Tin nhắn ngày mùng 6 Tết và mối tình buồn của người cá

Kể về cái tết đặc biệt nhất, Thọ không bao giờ quên buổi chiều hôm ấy, chiều mùng 6 tết 2013, khi đang ngồi thơ thẩn thì bỗng Thọ nhận được tin nhắn có nội dung:
“Biết tin bên ấy là Thọ,
đa tài phận bạc thật là tiếc thay,
nay tớ ngỏ ý làm quen,
mong rằng bên ấy đừng chê bên này.”
Thọ không tin vào mắt mình, qua một hồi trao đổi Thọ mới xác định được chủ nhân của câu thơ đó là 1 cô gái.
“Thời điểm đó da mặt Thọ đen, sần sùi, tính lại nhút nhát, đi học về là cất cặp và thu mình trong phòng. Nhận được tin nhắn đó, Thọ như nắng hạn gặp mưa rào, vui lắm, chỉ háo hức sao được gặp cô gái ấy, nhưng cũng tự ti về bản thân”, Thọ nói.
Dù cơ thể vẫn quanh năm ngứa rát, da bong tróc nhưng Thọ vẫn luôn vui vẻ sống Ảnh Trần Cường
Rồi ngày chờ đợi ấy cũng đến, Thọ gặp cô bé ấy, theo hình ảnh còn lưu giữ trong đầu Thọ tới hiện tại, cô gái ấy dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, có nụ cười hiền hậu.
Sau nhiều tin nhắn thâu đêm suốt sáng, hơn 3 tháng sau tin nhắn đặc biệt đó, đôi bên cũng bén duyên và yêu nhau, rồi cũng đưa nhau đi chơi chỗ nọ, chỗ kia. Nhưng cuộc tình đẹp đó cũng không được bao lâu, hơn 1 năm sau khi yêu, Thọ và người yêu chia tay.
“Thời điểm ấy tôi khóc rất nhiều, tuyệt vọng và tìm đến rượu bia, thuốc lá và từng nghĩ tới chuyện chết đi. Tôi nhốt mình trong phòng 4 ngày, bố tôi đếm được 281 chiếc đầu lọc thuốc lá, bố tôi vơ lại đống đầu lọc trên tay mà lạy tôi “Con ơi, bố xin con!” rồi 2 bố con lại ôm nhau khóc”, Thọ nói.
Gần 5 năm sau cuộc tình đầu tiên đó, Thọ đã vượt qua được nỗi buồn ấy và có những ấp ủ, dự định mới trong tương lai. Ước mơ của Thọ là được trở thành 1 diễn giả, để có thể truyền tải những nghị lực, niềm tin, sức mạnh... cho mọi người.
Về thăm Thọ trong một ngày cuối năm, trời đầy nắng và gió, Thọ cũng đã kịp cùng mọi người trang trí xong đền thờ Hai Chú trong làng, kịp mua cho mình những bộ quần áo mới đón Tết, kịp sẵn sàng tâm lý cho những dự định lớn trong năm mới.
Bài thơ viết về những ngày tháng sinh sống, đón tết trên núi của Thọ gửi tặng bạn đọc.
Nhớ Tết ngày xưa
Tôi thèm về cái tết lúc còn thơ
Tết thiêng liêng và mong chờ đón đợi
Những căn nhà bỗng nhiên thay áo mới
Tôi nhớ mùi bánh chín tỏa hương
Những ngày ấy điện mới sáng ngoài đường
Gió se lạnh sương đêm rơi ướt áo
Người ta ùa ra đường đốt pháo
Nổ vang trời thắp sáng một khoảng không
Rồi mỗi phút ngoài đường lại một đông
Khi tiếng pháo giao thừa đã điểm
Đôi trai gái đang nắm tay âu yếm
Đang vui cười đi lấy lộc đầu xuân
Ôi mùi nhang phảng phất xa gần
Như sợi dây kéo mọi người gần lại
Ôi tôi nhớ cây lêu cao cao mãi
Ôi tôi ngồi nhớ lại tết ngày xưa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.