1.000 tỉ chỉ để lát vỉa hè trung tâm Sài Gòn

29/03/2016 09:03 GMT+7

Các chuyên gia đặt ra không ít vấn đề quanh kế hoạch chỉnh trang đô thị của UBND Q.1 (TP.HCM), vỉa hè 134 tuyến đường ở trung tâm TP.HCM sẽ được cải tạo với kinh phí dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia đặt ra không ít vấn đề quanh kế hoạch chỉnh trang đô thị của UBND Q.1 (TP.HCM), vỉa hè 134 tuyến đường ở trung tâm TP.HCM sẽ được cải tạo với kinh phí dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã lát đá - Ảnh: Bạch DươngPhố đi bộ Nguyễn Huệ đã lát đá - Ảnh: Bạch Dương
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1, cho biết: “Làm hết 134 con đường mà quận quản lý là cả một quá trình nhưng khi bắt đầu làm, chúng tôi chủ trương là tạo ra một công trình không chỉ phục vụ cho đi lại của người dân, du khách mà còn là một nét đẹp của trung tâm TP. Qua khảo sát, dự tính làm trước 5 tuyến đường mang tính chất là trục xuyên tâm, liên phường ở Q.1, thường xuyên có du khách, người nước ngoài, gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris”.


Ngày 28.3, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đã có báo cáo UBND TP về kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TP. Theo Sở Thông tin - Truyền thông, đến nay các đơn vị đã thi công ngầm hóa cáp viễn thông kết hợp cáp điện lực tại 90/117 tuyến đường. Trong đó, đã hoàn thành 61 tuyến, đang thi công 29 tuyến, đạt tỷ lệ 76%, tương đương chiều dài 115/228 km với kinh phí hơn 542 tỉ đồng. Có 17 tuyến công trình phải dừng để chờ thi công đồng bộ với công trình giao thông, cấp thoát nước. Nguồn kinh phí để hạ ngầm cáp viễn thông tại TP được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn của các chủ đầu tư để tăng cường chia sẻ và dùng chung hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông. Bên cạnh những thuận lợi, chương trình ngầm hóa cũng còn nhiều khó khăn. Giai đoạn năm 2014 - 2015 có 11 tuyến công trình phải xin phép điều chỉnh sang năm 2016 do một số chủ đầu tư, doanh nghiệp viễn thông (bao gồm cả khối an ninh, quốc phòng) chưa kịp bố trí nguồn lực đáp ứng khối lượng công việc và tiến độ chung.


Chỉ mới lát đá lề đường
“Tôi đã trực tiếp bàn bạc bước đầu với Tổng công ty điện lực và Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, Sở GTVT..., là những đơn vị có trách nhiệm liên quan đến quản lý, hạ tầng trên vỉa hè, thì đều đồng thuận, ủng hộ để làm đồng bộ hết hạ tầng (ngầm hóa lưới điện, viễn thông, hoàn chỉnh hệ thống cấp nước... - PV)”, ông Thuận nói và giải thích: “Trên vỉa hè có nhiều trạm xe buýt, cây xanh... nên song song với việc cải tạo vỉa hè, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan cải tạo đồng bộ. Chúng tôi dự tính làm bằng đá granite (hay còn gọi là đá hoa cương - PV)”. Về nguồn vốn, ông cho biết đã có nhà đầu tư đăng ký ứng vốn làm, nhưng Q.1 vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư để có phương án triển khai khả thi nhất.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết hiện địa bàn Q.1 có 936.000 m2 vỉa hè trên 134 tuyến đường do UBND Q.1 quản lý. Ngoài một số rất ít đoạn, tuyến đã cải tạo vỉa hè như Lê Thánh Tôn, Lê Duẩn, phố đi bộ Nguyễn Huệ..., hầu hết vỉa hè rơi vào tình trạng lởm chởm, xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan đô thị. Tổng kinh phí làm đẹp vỉa hè khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng đây mới là con số dự kiến cho phần lót đá, tạo thêm mảng xanh, tiểu cảnh trên đường... Riêng việc ngầm hóa lưới điện, viễn thông, hoàn chỉnh hệ thống cấp nước... thì trong quá trình chỉnh trang đô thị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và có nguồn kinh phí riêng cho từng dự án mà các đơn vị đó triển khai.
Còn nhiều thứ cần hơn
Về kế hoạch trên, Th.S-KTS Nguyễn Bình Dương, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, cho biết đá granite là đá tự nhiên được sử dụng rộng rãi làm đá xây dựng vì có tính thẩm mỹ cao, độ bền vĩnh cửu. Ông nhận xét: “Chúng ta cần có những vỉa hè đẹp, sang trọng để góp phần tạo ra mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân”. Tuy nhiên, ông Dương cũng đặt vấn đề: “Khi triển khai làm thì hạ tầng các tuyến đường đòi hỏi phải được đồng bộ, tránh việc đào xới vỉa hè nhiều lần gây lãng phí. Đáng chú ý nữa là cần tạo nhiều tiểu cảnh với việc trồng nhiều loại hoa, mảng xanh để vừa nâng cao tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo yếu tố thoát nước mưa”.
Ông Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức, Giám đốc Công ty Devitec Consult), đánh giá đề xuất Q.1 chỉ mới làm đẹp bề ngoài chứ chưa hẳn thiết thực với cái người dân cần trước. Theo ông Đồng, hiện tình trạng mà người dân Q.1 và cả TP.HCM phải đối phó chính là ngập lụt, ô nhiễm và kẹt xe. Riêng kẹt xe luôn là nỗi ám ảnh của các du khách khi đến TP.HCM. Do đó, số tiền 1.000 tỉ đồng thay vì làm đẹp “bộ mặt bên ngoài” thì nên dành tập trung trước cho các dự án như chống ngập, ô nhiễm khói bụi và giảm kẹt xe. “Việc chống ngập nếu làm tốt không chỉ có lợi cho người dân Q.1 mà còn cho toàn TP. Nên nhớ rằng, du khách khi đến VN không chỉ sống ở Q.1 mà ở khắp TP. Tôi đi nhiều thấy các TP lớn như Chicago, Berlin, Paris... không lát đá granite ở vỉa hè mà chỉ lát ở khu vực tượng đài hay nơi mua sắm sang trọng có đông du khách. Thay vào đó, vỉa hè các TP này lát bê tông được sản xuất, thiết kế theo mẫu có sẵn, chỉ cần ráp lại vừa đẹp và tiết kiệm chi phí. Không lát đá granite nhưng nhìn vỉa hè của họ vẫn rất sạch đẹp”, ông Đồng nói.


Các TP lớn như Chicago, Berlin, Paris... không lát đá granite ở vỉa hè mà chỉ lát ở khu vực tượng đài hay nơi mua sắm sang trọng có đông du khách

Ông Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức, Giám đốc Công ty Devitec Consult)


Thế giới không ai làm vậy
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng dù với hình thức đầu tư nào thì việc bỏ ra 1.000 tỉ để thay mới vỉa hè tại Q.1 cũng giống đề xuất chi hơn 1.400 tỉ đồng để mua xe bơm di động vừa qua. Theo ông Sanh, hiện TP.HCM mới quy hoạch về các vị trí xây dựng nhà chờ xe buýt, còn quy hoạch các bãi đậu xe chưa có trong khi Q.1 đang thiếu rất nhiều bãi đậu xe. Không nên vội vàng mà phải đợi hoàn chỉnh quy hoạch bãi đậu xe thì mới đầu tư hoàn thiện vỉa hè vẫn chưa muộn. Nếu xây dựng hết vỉa hè, mai mốt thực hiện bãi đậu xe phải đào xới trở lại rất lãng phí. Chưa kể, các quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin... vẫn chưa xong.
Mặt khác, ông Sanh cho biết TP.HCM đang bị ngập nước nặng và rất nhiều chuyên gia khuyên không nên làm vỉa hè cứng bằng đá nữa mà nên làm bằng những loại vật liệu khác để nước thoát được như cát xen lẫn cỏ cây... Một vấn đề khác là hiện nay định mức, đơn giá làm đá hoa cương có sự chênh lệch giá rất lớn. Tính toán không kỹ sẽ gây thất thoát không nhỏ.
Vỉa hè đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1) dù chỉ lát gạch nhưng vẫn rất sạch đẹp - Ảnh: Diệp Đức Minh

Cũng theo ông Sanh, TP nên đánh giá lại hiệu quả việc đầu tư lát đá granite đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, lề đường Trương Định... Từ đó, xem xét có tiếp tục thay mới vỉa hè toàn bộ hơn 100 tuyến đường khác ở Q.1 hay không. Chưa kể, hiện nay ngân sách đang rất thiếu. Nhà đầu tư, khách du lịch không thể vì không có vỉa hè lát đá granite mà không đến du lịch, đầu tư. Nếu làm cũng chỉ nên làm thí điểm một khu vực nào đó để đánh giá đầy đủ hiệu quả về tính tiện ích, đơn giá, mẫu vỉa hè... Trên thế giới này không ai làm vỉa hè giống nhau hết tại một quận, trong khi chưa tính toán hết tính hiệu quả. Còn việc đầu tư theo hình thức nào thì cũng là tiền của xã hội. Q.1 nên rút lại đề xuất trên và chỉ nên làm thí điểm trước.
Phải tính toán
Dù ủng hộ lót đá granite trên vỉa hè Q.1, nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng phải tính toán kết quả đem lại có đáng “đồng tiền bát gạo” so với chi phí dự tính 1.000 tỉ đồng bỏ ra hay không. Do đó trước khi làm, Q.1 cần phải tính cụ thể tổng chi phí làm đẹp vỉa hè, sau đó đưa ra đơn giá 1 m2 bao nhiêu tiền.
Ông Đực nói: “Để kiểm soát tốt chi phí, tiết kiệm ngân sách cần phải đấu thầu công khai dự án này để tìm ra nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu có giá phù hợp nhất” và cho rằng “Không nên đổ bê tông và lót “chết” từng viên đá mà cần phải lót làm sao để sau này nếu cần có thể bóc ra sử dụng lại được. Ngoài ra, những tuyến đường khi lót cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng như điện, nước, cây xanh tránh việc lót được vài hôm vỉa hè lại bị xới tung lên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.