Đời sống Thượng Hải một thế kỷ trước

11/12/2023 15:30 GMT+7

Tuy có sự nghiệp tương đối ngắn ngủi, nhưng những nét mới trong văn chương của Lưu Niệt Âu đã để lại bệ phóng vững chắc cho trào lưu Tân cảm giác Thượng Hải.

Sức sống của một đô thị

Được xem như người đầu tiên đặt nền móng cho trào lưu này, Lưu Niệt Âu từng có thời gian học tập, sinh sống ở Nhật, trước khi hoạt động tại Trung Quốc. Nếu thập niên 1920 ở phương Tây có Thời đại Jazz của F.S.Fitzgerald, thì ở phương Đông có Tân cảm giác, và được hậu thuẫn bởi những tác giả như Mục Thời Anh, Thi Trập Tồn, Ức Đạt Phu…

Đời sống Thượng Hải một thế kỷ trước
 - Ảnh 1.

Tập truyện Tuyến phong cảnh đô thị

Tuấn Duy

Đây là tập hợp rất nhiều tác giả lấy tôn chỉ nắm bắt cảm xúc đời sống đô thị hiện đại thông qua con chữ, và tách mình khỏi những trào lưu khác. Phát triển rực rỡ những năm 1930 tại Trung Quốc, trào lưu này lấy cảm hứng từ trào lưu văn học tiền chiến Shinkankakuha ở Nhật, với các tác phẩm xoay quanh đời sống thành thị. Vì vậy trong Tuyến phong cảnh đô thị - tập truyện ngắn duy nhất và cũng hiếm hoi của Lưu Niệt Âu, Thượng Hải hiện lên một cách đặc biệt và đầy khác lạ.

Với sự giao thoa của các yếu tố Tây phương, Thượng Hải như một thực thể có đời sống riêng và cảm giác riêng. Chẳng hạn trong truyện Hai kẻ vô cảm với thời gian, Lưu Niệt Âu đã cho thấy một sự thoáng qua về nơi chốn này, với các trường đua, phòng khiêu vũ, những trung tâm thương mại, những vũ trường mờ ảo… cùng với khách khứa, vũ nữ và các thành viên ban nhạc đều luôn lộ ra dáng vẻ hừng hực. Hay ở Phương trình, đó còn là không gian nhộn nhịp của khu tô giới – nơi dấu ấn Tây phương vô cùng đậm nét…

Thế nhưng chính sự đông đúc, nhanh chóng và vồ vập ấy cũng có đôi khi làm con người ta trở nên mệt mỏi. Như không ít lần các nhân vật tự mình nhận thấy được cảm giác phù du và vô nghĩa lý của đời sống này. Thượng Hải đẹp đẽ như một người tình, thế nhưng ẩn đằng sau nó là những mục ruỗng và các tổn thương khoét ra sâu hoắm.

Hệt như nhân vật Bộ Thanh trong truyện Trò chơi đã từng nhận thấy: “Sáng hôm nay anh rời khỏi nhà một người bạn, khi đi qua con phố náo nhiệt, anh cảm thấy mọi thứ trong cái đô thị này đã chết cả rồi […] Trước mắt anh chỉ còn một dải sa mạc lớn, im lìm như thời cổ đại.

Thời gian là hiện đại, bối cảnh là đô thị, Thượng Hải của Lưu Niệt Âu chủ yếu hiện lên vào buổi ban ngày, hoàn toàn trái ngược với Mục Thời Anh trong tập truyện ngắn Điệu foxtrot Thượng Hải đi sâu vào trong đời sống ban đêm của thành phố này. Ở đây Lưu Niệt Âu cũng không mang đến những sự thương thân của các thị dân, mà thay vào đó là sự tự do của tình yêu, tình dục giữa một đô thị căng tràn nhựa sống.

Nghiêng xuống dòng đời

Điều đó đã được khắc họa chủ yếu qua nhiều những vật nữ. Họ là những người khát khao và không ngần ngại giấu đi những niềm thổn thức của bản thân mình. Họ có thể là người phụ nữ trẻ xinh đẹp đã có chồng trong truyện Phong cảnh, muốn có thêm những phút giây với người đàn ông xa lạ, hoặc là tận hưởng những ngày cuối cùng của đời độc thân, trước khi bị ràng buộc vào một mối quan hệ (Trò chơi)…

Vì vậy quan hệ của họ cũng thường chếnh choáng và rồi đảo điên như một cơn say. Nó đến trong những khoảnh khắc vô cùng nhanh chóng, như cơn “cảm nắng” của hai người đàn ông trong Hai kẻ vô cảm với thời gian, hay hương hoa cam gợi nhớ đến những ngày cũ trong truyện Cốt tình nồng thắm… Ngoài ra, nó cũng có thể không cần trải qua quãng dài tìm hiểu, vì Thượng Hải cũng như con người bước vào thời đoạn hiện đại, nơi những tư tưởng mang tính phóng khoáng như truyện Phương trình là dễ lý giải.

Thế nhưng cũng như là Mục Thời Anh, giá trị nhân văn cũng vẫn tồn tại trong các truyện ngắn. Những người phụ nữ trong những lựa chọn của bản thân mình luôn luôn suy tính cũng như cân nhắc một cách kỹ càng. Họ muốn lấp vào khoảng trống mà những người đàn ông có hôn thú đã lấy đi, và những khát khao đến từ chính họ đều được giải thích một cách kỹ càng.

Chẳng hạn như người phụ nữ trong truyện Tàn dư, vì sợ cô đơn khi chồng qua đời và phải một thân một mình, nên đã muốn tiến thêm bước nữa với người đàn ông từng theo đuổi mình... Những người đàn ông trong tác phẩm này, vì thế, cũng thường được khắc họa một cách nhợt nhạt và thiếu sinh khí. Họ thường bị điều khiển bởi những người phụ nữ, và mang trong mình một sự yếm thế. 

Truyện ngắn của Lưu Niệt Âu thường không quá dài về mặt dung lượng, nhưng lại đạt đến sự tinh tế trong cách khắc họa hình tượng nhân vật cũng như đã nắm bắt được những điểm biến chuyển vô cùng linh hoạt về mặt cảm xúc. Là người tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ của Lưu Niệt Âu cũng pha lẫn nhiều yếu tố hiện đại, trong đó có cách dùng đan xen giữa tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Pháp, trong những từ khóa nhấn mạnh tính chất phù du cũng như lãng mạn của các nhân vật.

Có thể thấy rằng tuy chỉ sáng tác trong quãng thời gian tương đối ngắn ngủi, nhưng Lưu Niệt Âu cũng đã để lại một dấu ấn lớn, không chỉ riêng trong trường phái Tân cảm giác Thượng Hải, mà còn là việc khắc họa đời sống của một đô thị và những thị dân trong lòng của nó vào những năm 1920 của thế kỷ trước.

Lưu Niệt Âu (1905-1940), tên thật Lưu Xán Ba, là nhà văn quê quán Đài Loan. Ông được biết đến nhờ những sáng tác tiên phong, mở đường cho trường phái Tân cảm giác tại Trung Quốc. Năm 1940, ông bị ám sát (sau khi nhậm chức Tổng biên tập Quốc dân nhật báo). Di sản văn chương để lại chỉ duy nhất tập truyện ngắn Tuyến phong cảnh đô thị cùng vài sáng tác lẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.