Đổi rác lấy quà...

16/06/2019 07:54 GMT+7

Đổi rác thải điện tử lấy cây xanh, đổi dầu ăn đã qua sử dụng lấy xà bông thiên nhiên... là cách mà các bạn trẻ đang thực hiện để nâng cao ý thức người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như tái sử dụng nhằm hạn chế rác thải.

 
Đổi rác thải lấy quà  là những hoạt động được rất đông bạn trẻ hưởng ứng tại Ngày hội sống xanh do Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM tổ chức gần đây.

Đổi dầu ăn đã sử dụng lấy xà bông thiên nhiên

Cô chủ của sáng kiến này là Đoàn Ngọc Minh Thùy (29 tuổi, Đồng Tháp) khởi nghiệp với dự án về các loại tinh dầu, sản phẩm thiên nhiên (tất cả sản phẩm của Thùy đều được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur và được phân tích sắc ký GCMS).
Nhiều người thắc mắc đổi dầu ăn về để làm gì, Thùy cho biết sẽ dùng dầu ăn đã qua sử dụng để làm xà bông. Vậy bằng cách nào mà cô gái trẻ này có thể làm được? Không khó hiểu khi nhiều người thắc mắc, bởi Thùy cũng phải mất hơn 1 năm ròng rã mới nghiên cứu ra được công thức (cho dù trước đó Thùy đã thành công với hơn 23 loại tinh dầu các loại được tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, rồi xà bông từ dầu dừa).
Chủ nhân sáng kiến phân tích: “Từ việc dùng dầu dừa để làm xà bông, thì dầu ăn cũng là dầu thực vật nên sẽ thay thế được. Nhiều người cũng thắc mắc hỏi mình là dầu ăn sau khi sử dụng sẽ mất hết chất nhưng thực ra xà bông hóa không liên quan đến cái chất trong dầu, mà gốc của dầu để phản ứng hóa học sẽ tạo thành xà bông hoàn toàn”.
Thùy cũng cho biết ở nhà mẹ hay bỏ dầu thừa mà không biết đổ đi đâu, đổ xuống cống thì nghẹt cống, đổ ra ngoài thì hại cho môi trường. Chính vì thế, việc làm xà bông từ dầu này vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nhiều lượng dầu bỏ đi.
“Xà bông làm từ dầu này thì chất lượng, tính kháng khuẩn và tốt cho da giống như các loại dầu khác. Tuy nhiên, tốn rất nhiều công sức vì phải trải qua quá trình tinh luyện đặc biệt để loại đi nước, thức ăn dư thừa, các cặn bã, tạp chất để dầu đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xà bông”, Thùy chia sẻ.
Biết đến chương trình trao đổi thú vị này, chị Trần Hoàng Hương (Q.1, TP.HCM) mang đến 6 lít dầu đã qua sử dụng để đổi xà bông. “Bình thường chiên xong mình hay đổ vào chai để cất lại thế này, ai xin thì mình cho chứ không biết đổ đi đâu. Thấy chương trình của cô gái này hay quá nên mình mang sang đổi, nhà có mấy bé nhỏ, nên đổi lấy xà bông thiên nhiên này về dùng rất tốt”, chị Hương nói.
Hiện nay, ngoài ở ngày hội thì thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, Thùy vẫn thực hiện chương trình đổi dầu ăn lấy xà bông ở phiên chợ xanh tử tế (135A Pasteur, Q.3, TP.HCM).

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Gian hàng của các bạn trẻ đến từ chương trình Việt Nam tái chế được rất nhiều người hiếu kỳ khi đổi rác thải điện tử lấy cây xanh, ống hút tre... Nhiều người thắc mắc rác thải điện tử là như thế nào và ảnh hưởng đến môi trường ra sao.
Mạch Thị Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết rác thải điện tử chứa hỗn hợp nhiều loại vật liệu có thành phần độc hại như chì, thủy ngân, cadmium… và nhiều chất độc hại khác gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Nếu chôn, lấp rác thải điện tử thì các chất độc hại sẽ gây ô nhiễm đất, nước và thực phẩm. Còn nếu đốt sẽ sinh ra khí độc và gây ô nhiễm không khí.
“Rất nhiều người còn khá mơ hồ về rác thải điện tử, và chưa hiểu hết những tác hại của nó nên trong ngày hội này, chương trình của tụi em thực hiện hoạt động đổi rác lấy quà để nâng cao ý thức người dân về việc xử lý đúng cách rác thải điện tử. Và tụi em khuyến khích mọi người chỉ cần mang rác thải điện tử đến là được nhận về cây xanh, cho dù chỉ mang đến một viên pin. Không những thế tụi em còn tổ chức đố vui về rác thải điện tử và bạn nào trả lời đúng sẽ được nhận các ống hút bằng tre”, Ngọc kể.
Ngọc cho biết phần lớn thành viên tham gia chương trình Việt Nam tái chế đều là sinh viên và người trẻ. Sau khi thu gom, các bạn sẽ chuyển đến những nhà máy chuyên xử lý rác thải điện tử.
Gian hàng này lúc nào cũng đông kín bạn trẻ, chen lấn nhau để được đổi cây xanh. Nguyễn Thị Minh Hằng, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Việc nhận về cây xanh không phải là đổi trị giá của sách để lấy cây xanh mà là đánh động đến ý thức sống tối giản, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Vì thế mà mình rất thích”.
Ngoài việc đổi sách, từ những hành động nhỏ nhất của dự án đều mong muốn đánh động đến ý thức tái sử dụng hoặc dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường như sử dụng túi ni lông phân hủy, tận dụng ly nhựa uống nước từ các gian hàng khác bỏ đi để tái chế thành các chậu trồng cây và đổi cho các bạn trẻ mang sách đến... Sách sau khi đổi sẽ được phân loại và thực hiện các chuyến thiện nguyện về với trẻ em vùng sâu hoặc đặt các tủ sách miễn phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.