Đối phó nguy cơ Covid-19 tái bùng phát

20/05/2020 06:14 GMT+7

Nguy cơ dịch Covid -19 tái bùng phát khiến nhiều nước phải nâng cao cảnh giác, thậm chí cân nhắc kỹ kế hoạch nới lỏng phong tỏa để khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội.

Làn sóng thứ 2 ập đến

Giới chức Hàn Quốc ngày 19.5 thông báo tính đến cùng ngày có tổng cộng 187 ca bệnh Covid-19 liên quan đến đợt bùng phát mới tại khu phố giải trí Itaewon ở Seoul, theo Yonhap. Vào cuối tháng 4, tình hình dịch Covid-19 tại Hàn Quốc ghi nhận tín hiệu khả quan khi số ca nhiễm mới trong nhiều ngày ở mức 1 chữ số. Chính quyền sau đó thông báo dỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa và cho phép mở cửa trở lại cửa hàng, quán bar, cơ sở tôn giáo...
Tuy nhiên, những diễn biến tích cực bị đảo ngược sau khi một người bị nhiễm bệnh nhưng không hay biết đã đến nhiều hộp đêm ở khu Itaewon vào tối 1.5 và đến ngày 6.5 mới được xét nghiệm dương tính. Chính quyền Seoul ngày 9.5 ra lệnh đóng cửa vô thời hạn đối với toàn bộ hộp đêm, quán bar... trong thành phố và xét nghiệm cho hàng ngàn người đã đến khu vực này.

Hàn Quốc lần dấu chuỗi lây nhiễm Covid-19 ở khu phố Itaewon bằng cách nào?

Bên cạnh đó, giới chức y tế Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng báo động về chùm lây nhiễm mới tại Trung tâm y tế Samsung, một trong 5 bệnh viện công lớn tại Hàn Quốc. Theo Yonhap, ít nhất 4 y tá tại bệnh viện đã nhiễm bệnh sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 18.5 nhưng chưa rõ nguồn lây.
Tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch Covid-19, chính quyền thành phố hồi tuần trước thông báo xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân vì các ca bệnh xuất hiện trở lại sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 4.
Trong khi đó, TP.Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa hoàn toàn sau khi phát hiện ca nhiễm mới vào ngày 7.5. Theo Trung Văn xã, chính quyền Thư Lan từ ngày 18.5 bắt đầu siết chặt thêm quy định phong tỏa khi số ca nhiễm trong đợt bùng phát này tiếp tục tăng. Tính đến hôm qua, đã có 19 người nhiễm Covid-19 trong đợt lây nhiễm mới tại thành phố gần 700.000 dân này.
Trước đó, Singapore là nước hứng chịu tác động lớn từ đợt lây nhiễm thứ 2. Trong thời gian đầu, Singapore được xem là một trong những hình mẫu về chống dịch Covid-19. Nước này ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23.1 và được cho là kiểm soát được vào tháng 2. Đến ngày 31.3, Singapore ghi nhận tổng cộng 879 ca nhiễm, trong đó 3 người tử vong. Tuy nhiên, dịch bệnh đột ngột bùng phát mạnh vào đầu tháng 4 và đến ngày 10.4, số ca nhiễm đã tăng gấp hai lên thành 1.910 người.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Singapore thấp là nhờ đâu?

Bác sĩ Dale Fisher, giáo sư y khoa thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm Singapore, cho rằng nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do chính quyền trước đó đã bỏ sót hàng trăm ngàn lao động nước ngoài sống trong các khu tập thể đông đúc và thiếu vệ sinh. Từ đầu tháng 4, Covid-19 lây lan tại đây khiến Singapore trở thành tâm dịch của khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 19.5, có hơn 28.000 ca Covid-19 tại Singapore. Số ca nhiễm mới trong cộng đồng giữ ở mức thấp khoảng trên dưới 30 ca mỗi ngày, nhưng trong các khu của người lao động nước ngoài là hàng trăm đến hàng ngàn ca mới, theo Đài CNBC.

Khó phát hiện

Giới chuyên gia nhận định khó để truy ra nguồn gốc của các ca nhiễm trong làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nhà chức trách Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn đang điều tra nguồn gốc của những trường hợp tái bùng phát trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc các nước này bắt đầu nới lỏng quy định phong tỏa và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội được cho là một phần nguyên nhân khiến Covid-19 lan rộng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng Covid-19 có thể sẽ không thể bị xóa sạch vì một bộ phận người dân có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng. Theo Bloomberg, vi rút gây Covid-19 có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trong thời gian ủ bệnh, khiến cho việc phát hiện và cách ly trở nên khó khăn.
Người dân đeo khẩu trang trong một trung tâm thương mại ở Seoul Ảnh: Reuters

Người dân đeo khẩu trang trong một trung tâm thương mại ở Seoul

Ảnh: Reuters

Phó giáo sư về y tế công cộng Nicholas Thomas thuộc ĐH Thành phố Hồng Kông nhận xét việc số ca nhiễm mới gia tăng là điều không thể tránh khỏi khi các nước tái khởi động các hoạt động xã hội. Chuyên gia Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực tây Thái Bình Dương, thì cho rằng thế giới cần tìm cách sống chung với dịch bệnh này. “Cho đến khi chúng ta tìm ra loại vắc xin an toàn và hiệu quả, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh”, ông Kasai thừa nhận.

Biện pháp đề phòng

Trong cuộc họp báo gần đây, đại diện WHO Maria Van Kerkhove nhấn mạnh các nước dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội để mở cửa nền kinh tế cần phải chuẩn bị các phương án xác định và dập dịch nhanh chóng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.
Theo bà Kerkhove, việc nới lỏng quy định không nên được thực hiện quá nhanh vì Covid-19 có thể bùng phát mạnh. Vị chuyên gia cho rằng cách duy nhất để kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh này là truy dấu các ca bệnh và cách ly những người có tiếp xúc.

Trung Quốc tăng cường xét nghiệm Covid-19 diện rộng thế nào?

Phó giáo sư Chu Tử Quân, chuyên gia y tế công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh, nói với tờ Hoàn Cầu thời báo rằng năng lực xét nghiệm của Trung Quốc đã được cải thiện và nước này hiện có đủ khả năng xử lý các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài về. Mặc dù ban hành lệnh phong tỏa mới tại một số nơi, chính quyền Trung Quốc được cho là sẽ cân nhắc việc nới lỏng kiểm soát biên giới để khôi phục giao thương với quốc tế vì tình hình dịch trên tổng thể tại nước này đã suy giảm.
Riêng tại Bắc Kinh, kể từ ngày 1.6, người dân bắt buộc phải tuân thủ một loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo tờ China Daily, quy định mới bắt buộc người bị ốm phải đeo khẩu trang nơi công cộng, khi hắt hơi hoặc ho phải che mũi và miệng, không được ăn trên phương tiện giao thông công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 1 m với người khác tại nơi công cộng...
Trong khi đó tại Hàn Quốc cũng như Hồng Kông, việc tái mở cửa được đánh giá là thành công dù có các trường hợp lây nhiễm mới. Giới chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố góp phần cho sự thành công này gồm: xét nghiệm trên diện rộng, chia sẻ dữ liệu với người dân về địa điểm lây nhiễm, truy dấu người bị nhiễm và những người tiếp xúc gần để cách ly.
Mới đây, Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc đã đưa ra hướng dẫn mới về việc giữ khoảng cách trong cuộc sống thường ngày. Theo đó, người bị ốm phải ở nhà theo dõi từ 3 - 4 ngày. Khi ra ngoài phải giữ khoảng cách ít nhất 2 cánh tay với người khác; phải đeo khẩu trang tại tất cả sự kiện trong nhà, và tại những sự kiện ngoài trời trong trường hợp không thể giữ khoảng cách 2 m với người khác; phải thường xuyên rửa tay, khi ho hoặc hắt hơi phải dùng khăn che; mở cửa sổ cho thoáng khí văn phòng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đồng thời phải thường xuyên tẩy trùng.

Đức vừa mở cửa kinh tế, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 liền tăng

Đồng thời, nhà chức trách cũng xây dựng những phương án cách ly đặc biệt có thể áp dụng cho những nơi đông người như trường học, văn phòng, nhà hàng, rạp phim, nhà thi đấu thể thao, cơ sở tôn giáo, trung tâm thương mại... dựa trên mức nguy cơ lây nhiễm. Theo Yonhap, một số quy định chính có thể được áp dụng theo dạng bắt buộc tại những cơ sở nói trên.
Anh vừa bổ sung tình trạng mất cảm giác mùi vị vào các triệu chứng nhận biết bệnh nhân mắc Covid-19, đồng thời mở rộng các đối tượng thuộc diện xét nghiệm nhằm phòng ngừa làn sóng lây nhiễm thứ 2. Chính phủ đang gấp rút áp dụng phương thức mới nhằm phát hiện và theo dõi tình trạng dịch bệnh lây lan, trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tự cách ly nếu bị ho kéo dài, sốt hoặc mất cảm giác mùi vị.

Thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 cho kết quả khả quan

AFP ngày 19.5 dẫn thông báo của Hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cho hay việc thử nghiệm vắc xin Covid-19 đối với một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh đã có kết quả sơ bộ khả quan.
Theo đó, vắc xin mRNA-1273 an toàn và giúp hình thành kháng thể cho toàn bộ 45 người tham gia thử nghiệm, sau khi họ được chia thành 3 nhóm với liều lượng tiêm khác nhau. Trong số này, 8 người có mức kháng thể còn cao hơn so với những bệnh nhân đã hồi phục, sau khi được tiêm các liều 25 microgram và 100 microgam. Theo Moderna, dù đây chỉ là giai đoạn 1 nhưng kết quả cho thấy vắc xin mRNA-1273 có tiềm năng ngăn ngừa Covid-19. Dự kiến Moderna sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong quý 2 và giai đoạn 3 vào tháng 7.
Tổng thống Trump trước đó hy vọng vắc xin sẽ được phát triển xong trước cuối năm và sản xuất được 300 triệu liều vào tháng 1.2021 để cung cấp cho người dân.
Tại Trung Quốc, các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh cho biết họ đang thử nghiệm một thuốc đặc trị Covid-19 không chỉ giúp rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân mà còn giúp tạo sức đề kháng ngắn hạn. Chuyên gia Tạ Hiểu Lượng cho biết thuốc đã thử nghiệm thành công trên động vật. Theo đó, tải lượng vi rút ở chuột nhiễm bệnh giảm đáng kể sau khi tiêm kháng thể trung hòa 5 ngày, hứa hẹn khả năng chữa trị trên người.
Khánh An 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.