Đòi nợ sao cho đúng luật?

04/12/2022 09:29 GMT+7

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm cuối năm.

Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp mạnh các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp tết 2023.

Hệ lụy vay tiền qua app

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cảnh báo thời gian cuối năm “tín dụng đen” sẽ bùng phát mạnh vì công nhân không có việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và nhu cầu về đời sống dịp cuối năm tăng, dẫn đến phải đi vay tiền.

Công an TP.HCM khám xét tại Công ty luật TNHH Power Law

CÔNG AN CUNG CẤP

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02 - Công an TP.HCM), phân tích: Hiện nay các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hồi nợ, sử dụng phương thức đòi nợ, nhắc nợ gây bức xúc. Dù từ ngày 1.1.2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm hoạt động, nhưng một số doanh nghiệp đòi nợ thuê hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay để đòi nợ. Khi người vay cung cấp số điện thoại, các đối tượng xâm nhập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội và khủng bố người thân, đồng nghiệp người vay để đòi nợ.

Đại tá Hiếu cảnh báo người dân tuyệt đối không vay tiền qua các app trên mạng xã hội. Người lao động làm việc cho các công ty tài chính, công ty luật phải tuân thủ pháp luật, đòi nợ phải đúng quy định, nếu vi phạm thì PC02 Công an TP.HCM sẽ phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn xử lý nghiêm.

Cơ quan công an bắt giữ nhiều đối tượng tại Công ty luật TNHH Power Law

CACC

Ranh giới đúng - sai

Nói về ranh giới của việc đòi nợ đúng quy định pháp luật, và đòi sai dẫn đến nguy cơ tù tội, luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích pháp luật cho phép các công ty tài chính là bên cho vay có quyền triển khai các hoạt động đòi nợ, nhằm thúc giục người đi vay trả nợ, theo điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Tuy nhiên, luật sư Lượng cho hay trong thực tế nhiều công ty tài chính thực thi quyền đòi nợ thông qua đội ngũ nhân viên của công ty tài chính bằng gọi điện thoại, tin nhắn... với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên các trang mạng xã hội… Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.

“Việc đòi nợ qua điện thoại này đã làm không ít người cảm thấy phiền hà, bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, thậm chí hoang mang sợ hãi bởi những lời lẽ uy hiếp, đe dọa, khủng bố và xúc phạm của các đối tượng đòi nợ. Đây là một vấn đề nhức nhối đã được người dân phản ảnh, bao gồm những người thân, bạn bè của người đi vay tiền, bức xúc nhiều năm nay”, luật sư Lượng nói.

Về hành lang pháp lý cho các nhân viên công ty tài chính nhận thức để cảnh tỉnh, giới hạn việc gọi điện đòi nợ khách hàng mức độ nào được phép và mức độ nào vi phạm pháp luật, luật sư Lượng chỉ ra theo Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi Thông tư 43/2016) quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, nêu rõ: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật. Không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày. Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 - 21 giờ. Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Từ quy định trên, luật sư Lượng đánh giá việc gọi điện, khủng bố bằng tin nhắn với những người không có nghĩa vụ trả nợ như người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay là trái pháp luật. Đồng thời, việc gọi điện thoại quá nhiều lần một ngày để đe dọa, cũng như thúc ép những người quen biết với bên vay phải trả nợ, cũng là bất hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Ưu điểm của việc vay tiêu dùng qua công ty tài chính là điều kiện vay dễ dàng, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Song người dân cũng cần nhận diện công ty tài chính nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, hay là doanh nghiệp “núp bóng” tín dụng đen để cho vay lãi suất cao, sau đó đòi nợ một cách bất hợp pháp. Đồng thời, khi vướng trường hợp bị đòi nợ bất hợp pháp, người dân có thể liên hệ cung cấp thông tin với Ngân hàng Nhà nước hoặc công an để được giải quyết.

Khởi tố hàng chục bị can đòi nợ kiểu khủng bố

Như Thanh Niên thông tin, liên quan Công ty luật TNHH Power Law (địa chỉ QL1, P.An Phú Đông, Q.12), Công an TP.HCM xác định Ban giám đốc Công ty luật TNHH Power Law và 83 nhân viên có liên quan đến hoạt động phạm tội. Hiện 11 người đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam, 2 người bị khởi tố nhưng được tại ngoại, về hành vi vu khống. Các bị can có hành vi sử dụng, cắt ghép hình ảnh vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ. Bước đầu xác định có khoảng 300 bị hại trên cả nước.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 13 bị can để điều tra hành vi vu khống nhằm mục đích đòi nợ xảy ra tại Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu, Q.4). Công an TP.HCM xác định hoạt động cho vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset là hợp pháp, nhưng thủ đoạn đe dọa con nợ để đòi nợ của nhân viên là hành vi vi phạm pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.