Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành

23/05/2022 04:25 GMT+7

Vấn nạn đòi nợ kiểu khủng bố với đủ chiêu trò, cắt ghép hình ảnh, tung thông tin cá nhân lên mạng xã hội vu khống, bêu riếu, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức… tái diễn ngày càng nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy, bất bình trong xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng đã có hành lang pháp lý chế tài, vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc đồng bộ để nghiêm trị những kiểu đòi nợ “khủng bố” như vậy, nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, trật tự an toàn xã hội.

Một người vay, hàng trăm người bị đòi vạ

Hàng loạt hiệu trưởng, giáo viên và cán bộ thuộc Sở GD-ĐT ở Nghệ An những ngày vừa qua liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại, bị vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội để đòi trả nợ, dù họ không hề vay tiền từ một công ty tài chính.

Một hiệu trưởng ở Nghệ An bị nhóm đòi nợ dùng ảnh cá nhân để xúc phạm, đăng lên mạng xã hội

CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Ông Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 2 (H.Yên Thành, Nghệ An), cho biết những ngày gần đây, ông và nhiều giáo viên trong trường liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ nhiều số điện thoại khác nhau với lời lẽ tục tĩu, đe dọa để thông qua họ, yêu cầu một giáo viên của trường là ông L.X.L trả nợ tiền vay. Theo ông Giáp, ông L. có vay nợ bằng hình thức tín chấp qua ứng dụng online của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng, đã đến kỳ thanh toán nhưng chưa trả được. Từ đó, những người tự xưng là nhân viên công ty này đã gọi điện cho ông Giáp, yêu cầu ông phải ép ông L. trả tiền vay.

Hình ảnh lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện đa khoa Cái Nước (Cà Mau) bị nhóm đòi nợ cắt ghép với nội dung được cho là vu khống

GIA BÁCH

Sau đó, nhóm người này gọi vào số máy của nhiều giáo viên trong trường, thậm chí cả những học trò cũ của ông Giáp, vu khống ông Giáp vay tiền nhưng không chịu trả nợ. Việc “khủng bố” tinh thần này đã khiến ông Giáp cùng nhiều giáo viên vô cùng bức xúc.

Giáo viên, hiệu trưởng ở Nghệ An bị đăng ảnh lên mạng xã hội để bêu riếu, đòi nợ dù họ không vay tiền

CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Tương tự, Ban Giám hiệu và nhiều giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (H.Yên Thành), nơi vợ ông L. đang công tác, cũng bị “khủng bố” bằng điện thoại để buộc những người này yêu cầu ông L. trả tiền. Ban giám hiệu trường này còn bị tấn công, vu khống vay nợ không trả trên mạng xã hội kèm hình ảnh cá nhân. Quá lo lắng, bà Ngô Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, đã trình báo vụ việc với Công an H.Yên Thành đề nghị điều tra, xử lý.

Liên quan vụ việc, ông L.X.L cho hay, năm 2018 ông có vay tín chấp của một công ty tài chính 32 triệu đồng, trả nợ theo kỳ. Ông L. đã trả được 15 kỳ, khoảng 22 triệu đồng. Sau đó, do kinh tế khó khăn nên khoản nợ còn lại bị quá hạn. Đến nay, khoản nợ từ 32 triệu đã lên tới 50 triệu đồng. Do bị thúc ép quá nên vài ngày trước, ông đã phải xoay xở để thanh toán hết nợ cho yên chuyện.

Bà Phạm Thị Trường Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Mao (TP.Vinh, Nghệ An), cho biết những ngày qua, bà và nhiều giáo viên trong trường liên tục bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ, mặc dù giáo viên và nhân viên của trường không ai vay tiền của công ty tài chính nào. Ban đầu, nhóm người này mạo danh phụ huynh, vu khống giáo viên đánh đập học sinh rồi lăng mạ, chửi bới. Sau đó, nhóm này mới lộ rõ ý đồ gây sức ép để đòi nợ một người em chồng của một nữ giáo viên trong trường có vay tiền của một công ty tài chính.

Sau nhiều cuộc gọi để quấy rối bà Giang và giáo viên trong trường, nhóm này còn sử dụng ảnh của bà Giang rồi cắt ghép, vu khống đăng lên mạng xã hội. Thậm chí, nhóm đòi nợ này còn gọi 2 đại lý gas trên địa bàn chở đến trường 2 bình gas để đe dọa, khiến ban giám hiệu và giáo viên của trường rất lo lắng.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vinh, cho biết hiện tượng quấy rối, “khủng bố”, bôi nhọ danh dự này đã và đang xảy ra đối với hàng trăm giáo viên, thành viên ban giám hiệu của các trường ở TP.Vinh với mục đích đòi nợ vô cớ. Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 30 trường học tại TP.Vinh bị quấy rối. Có nhiều trường, toàn bộ giáo viên trong trường đều bị gọi điện để đe dọa, xúc phạm danh dự. Bà Thảo cho hay, phòng đã xác minh và các trường hợp này đều không vay tiền hoặc có vay nhưng đã trả. Một số giáo viên phản ánh bị mất CMND, nhưng không hề vay tiền.

Bà Thảo cũng cho hay, Phòng GD-ĐT TP.Vinh đã nhiều lần làm việc với cơ quan công an, đề nghị điều tra xử lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Việc này đã ảnh hưởng đến danh dự, công việc điều hành, giảng dạy của ban giám hiệu và các giáo viên. Ngay bà Thảo cũng liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đến đe dọa, quấy rầy, thúc ép giáo viên trả nợ, dù qua xác minh, những giáo viên đó cho biết họ không vay. “Buổi tối, chúng tôi phải để điện thoại ở chế độ im lặng, có người phải tắt máy mới được yên”, bà Thảo nói.

Tương tự, ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Anh Sơn (Nghệ An), cũng cho biết một nữ giáo viên trên địa bàn huyện vay tiền của một công ty tài chính quá hạn nhưng chưa trả được. Ông đã bị những kẻ đòi nợ lấy hình ảnh của ông với gia đình người bạn chụp chung rồi vu khống trên mạng xã hội rằng ông ngoại tình với vợ bạn, nhằm gây sức ép buộc giáo viên vay tiền phải trả nợ.

Con của nhân viên vay tiền, ban giám hiệu bị “khủng bố”

Ngày 22.5, cô Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Khánh Lâm, H.U Minh, Cà Mau), cho biết 2 tuần nửa đầu tháng 5 là khoảng thời gian khủng khiếp đối với gia đình cô. Vợ chồng cô mất ăn mất ngủ vì bị nhóm đòi nợ quấy rối, khủng bố tinh thần.

Theo cô Giang, con của một nhân viên trong trường có vay 30 triệu đồng qua app nhưng không trả, nên cả ban giám hiệu trường và lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.U Minh bị gọi điện đòi nợ. “Họ có rất nhiều số điện thoại, chặn số này họ lấy số khác gọi; gọi liên tục từ 11 giờ đến 14 giờ nghỉ gọi, đến 17 giờ họ gọi đến đêm. Vừa gọi, họ vừa nhắn tin. Gọi tôi không nghe máy thì họ gọi cho chồng tôi. Họ hăm dọa sẽ đập gãy chân con tôi khiến vợ chồng tôi lo lắng, hoang mang cực độ”, cô Giang kể. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tình trạng khủng bố qua điện thoại kéo dài, cho đến khi gia đình nhân viên kia chạy vạy trả hết nợ thì mới chấm dứt.

Trước đó, cuối tháng 3.2022, thầy Phan Thế Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (P.1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), cũng có đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp việc bản thân bị một số đối tượng “khủng bố” gây ảnh hưởng đến uy tín và cuộc sống.

Theo đó, khoảng thời gian trên, có số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu thầy Điệp phải đề nghị giáo viên trong trường là cô H. trả nợ. Những ngày sau đó, thầy Điệp và người thân tiếp tục bị gọi điện “khủng bố”, yêu cầu tác động cô H. trả nợ. Ông Điệp còn phát hiện trên mạng xã hội Facebook đăng hình ảnh của ông ghép với cô H. với nội dung: “Đối tượng bao che người trốn nợ P.T.Đ là Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền có mối quan hệ bí mật với giáo viên M.T.T.T.H...”.

“Họ gọi điện chửi bới tôi với những lời tục tĩu. Thậm chí còn đe dọa nếu cô H. không trả nợ thì sẽ cho xe tông tôi gây tai nạn vì tôi bao che cho cô H.”, thầy Điệp bức xúc.

Trong khi đó, theo giải trình của cô H., khoảng tháng 1.2019, cô có vay bên ngân hàng có chi nhánh tại P.7, TP.Cà Mau với số tiền 15 triệu đồng, đến ngày 25.12.2020 dứt hợp đồng, mỗi tháng đóng 845.000 đồng. Tuy nhiên, vì khó khăn nên cô H. không hoàn thành đúng hợp đồng và nợ ngân hàng hơn 11 triệu đồng. Vào ngày 21.3.2022, cô H. nhận được điện thoại từ một người đàn ông báo phải thanh toán hợp đồng 20 triệu đồng và người này cho biết “đã mua nợ bên ngân hàng”.

Đề nghị công an điều tra

Ngày 22.5, ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở TT-TT Cà Mau, cho biết cơ quan ông cũng nhận được nhiều phản ánh tự dưng bị “khủng bố” đòi nợ. “Nhưng chúng tôi có văn bản hỏi cơ quan chuyên môn, thì việc điều tra xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền của công an, và Sở TT-TT là vai trò phối hợp khi công an có yêu cầu. Khi người dân đến Sở phản ánh, chúng tôi hướng dẫn đến cơ quan công an; còn nếu người dân gửi đơn qua đường bưu điện, thì chúng tôi chuyển sang cơ quan công an để xử lý”, ông Đen nói.

Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng Phòng GD-ĐT TX.Cửa Lò (Nghệ An), cho hay ông và nhiều cán bộ, giáo viên tại TX.Cửa Lò cũng rất khổ sở vì bị đòi nợ, dù không hề vay. Cách đây ít ngày, nhóm đòi nợ liên tục điện thoại đe dọa ông Nhân và nhiều cán bộ với lời lẽ thô tục, mạt sát để đòi nợ một giáo viên mầm non ở thị xã. Khi cán bộ Phòng GD-ĐT TX.Cửa Lò xuống xác minh, giáo viên này cam đoan không vay tiền của ai và cho biết cô bị mất điện thoại, có thể kẻ xấu lấy được thông tin của cô để vay tiền qua ứng dụng online. Vụ việc sau đó được trình báo công an.

Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Nghệ An), cho biết trong những ngày qua, hầu hết cán bộ, chuyên viên của Sở cũng bị quấy rối, “khủng bố” để đòi nợ dù không ai vay tiền. Những kẻ đòi nợ dùng ngôn ngữ tục tĩu để đe dọa. Nhóm này còn sử dụng hình ảnh cá nhân để vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội, gửi nhiều tin nhắn vào điện thoại, email cá nhân để “khủng bố”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết việc quấy rối để đòi nợ này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín và công việc của các giáo viên, lãnh đạo phòng, sở. Sở đã gửi văn bản đến Công an tỉnh Nghệ An đề nghị điều tra xử lý nhóm người đòi nợ này và đã có văn bản cảnh báo để giáo viên cân nhắc khi vay tiền tín chấp qua các ứng dụng online, không nên vay tiền ở những tổ chức không có uy tín, những tổ chức tín dụng đen để ngăn ngừa tình trạng đòi nợ kiểu “xã hội đen” này. Đối với những giáo viên đã vay tiền, nên trả đúng hạn để không gây liên lụy đến những người khác.

Chiều 22.5, thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an TP.Vinh và các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc đòi nợ này.

Cả bệnh viện hoang mang vì bị đòi nợ

Bác sĩ Nguyễn Xuân Duyên, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa Cái Nước (H.Cái Nước, Cà Mau), cho hay khoảng 2 tháng nay, hình ảnh ông và nhiều nhân viên của BV bị lấy để đăng lên mạng xã hội rồi vu khống, bêu riếu, xúc phạm danh dự nhằm gây áp lực để đòi nợ tiền vay qua app.

“Ngay sau khi có việc hình ảnh lãnh đạo, nhân viên BV xuất hiện trên mạng xã hội để đòi nợ, BV chỉ đạo Phòng hành chính mời tất cả nhân viên của BV để tìm hiểu sự việc. Tất cả đều cho biết và khẳng định không có việc vay tiền qua app. Gia đình tôi cũng thế, không có ai vay tiền như nhóm người kia đăng tải”, ông Duyên thông tin.

Ông Duyên bức xúc nói: “Không chỉ lấy hình ảnh lãnh đạo và nhân viên của BV đa khoa Cái Nước đăng lên mạng xã hội để đòi nợ vô cớ, hằng ngày, nhóm người này còn gọi điện vào số máy của Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực. Tần suất gọi liên tục khiến cho việc tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu và điều trị bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có nhiều lúc, điện thoại của 2 khoa bị đứng máy, không thể tiếp nhận cuộc gọi khác vì cuộc gọi của nhóm đòi nợ gọi vào liên tục”.

“Tự dưng lãnh đạo và nhiều nhân viên của BV bị khủng bố đòi nợ khiến họ rất hoang mang, lo lắng và mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến điều trị bệnh cho bệnh nhân. Tôi mong cơ quan chức năng tiến hành xác minh xử lý để chúng tôi an tâm công tác”, ông Duyên chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.