Đổi mới phải đồng bộ

12/01/2017 14:32 GMT+7

Bài viết Đổi mới kiểu chắp vá trên mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên phát hành ngày 11.1 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Học hỏi có chọn lọc
Hầu hết các đề án giáo dục đã và đang thất bại đều học hỏi từ các nước có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, do quá nóng vội, thiếu sự chuẩn bị mà các dự án này rơi vào phá sản. Với đề án trang bị bảng tương tác, lý tưởng nhất là mỗi lớp có 1 bảng tương tác, các giáo viên đều được đào tạo chuyên sâu kỹ thuật để sử dụng thành thạo bảng tương tác từ khâu soạn bài đến giảng dạy, học sinh nào cũng được tiếp cận với bảng tương tác mỗi ngày hay mỗi tuần. Để tránh lãng phí, các Sở GD-ĐT cần cho phép mỗi trường được sử dụng bảng tương tác cho một số lớp nhất định và đào tạo giáo viên giỏi để sử dụng. Đây cũng là một bài học về việc áp dụng kinh nghiệm của thế giới vào trong nước. Học hỏi thì tốt nhưng cần xem xét các điều kiện trong nước để áp dụng phù hợp.
Trần Minh Phong (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

tin liên quan

Bệnh viện công xóa bỏ tâm lý 'bệnh nhân cần mình'
“Đổi mới ở bệnh viện công, trước tiên phải đổi mới từ ý thức. Bệnh nhân đến bệnh viện cần nhận được sự tôn trọng và đồng cảm”, đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Thiếu tầm nhìn
Vấn đề lãng phí trong sử dụng bảng tương tác chỉ là phần nhỏ trong một “đại dương” những cải cách thiếu tầm nhìn, thiếu một quyết sách có thể thay đổi ngành giáo dục hiện nay của những vị đứng đầu ngành. Đó là lý do giáo dục càng đổi mới, càng xoay xở thì càng lạc hậu. Thiết nghĩ, Chính phủ, nhà nước cần có một cuộc cách mạng nhân sự trong ngành giáo dục, nên tuyển chọn những cá nhân có trình độ cao, đầy tâm huyết để đưa ra chính sách, chiến lược có tính sáng tạo, tương thích với nền giáo dục quốc tế lẫn phù hợp với điều kiện trong nước. Có như vậy mới đưa ngành giáo dục thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, rối rắm như hiện nay.
Nguyễn Khanh (TP.HCM)
Giáo dục là khoa học
Giáo dục là khoa học. Do đó, mọi cải cách, đề án áp dụng trong giáo dục đòi hỏi phải mang tính khoa học, không thể làm càn, làm bừa, làm cho có phong trào. Một số phương pháp dạy và học có thể tốt đối với nền giáo dục nào đó nhưng chưa chắc hoàn hảo đối với nền giáo dục của nước ta. Khi học sinh vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên, tài liệu học tập thiếu, học sinh chưa chủ động trong học tập thì đề án muôn thuở vẫn là làm sao nâng cao trình độ của giáo viên. Vì vậy, nên tập trung đầu tư cho giáo viên nhiều hơn là đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhưng không sử dụng được.
Bùi Tố Nga (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)
Phải thống nhất
Đổi mới giáo dục phải thống nhất trên toàn quốc và đổi mới đồng bộ, từ con người tới cơ sở vật chất… Trang thiết bị hiện đại nhưng con người không sử dụng được cũng chịu. Ngược lại, con người thông minh, giỏi nhưng không có cơ sở vật chất hiện đại hỗ trợ sẽ gây khó khăn. Mỗi đề án có số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng chứ không phải vài triệu đồng. Do đó, nên chăng Bộ Tài chính cần phải thẩm định các đề án một cách kỹ càng rồi hãy cấp kinh phí để thực hiện. Phải làm sao đồng tiền của dân, của phụ huynh đóng góp mang lại lợi ích thiết thực, cụ thể là chất lượng đào tạo được nâng cao, sản sinh ra những người tài giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Nguyễn Thanh Hùng (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu)
       
Đổi mới mà lãng phí tiền bạc, không mang lại lợi ích cho đào tạo thì đổi mới làm gì? Thiết nghĩ nên tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo viên. Ba tháng hè là dịp tốt nhất để giáo viên học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn qua các khóa học hoặc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên giỏi. Giáo viên giỏi ắt sẽ có học sinh giỏi, phương tiện kỹ thuật chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi.
Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
       
Đề án đổi mới cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cộng với việc tham khảo ý kiến của đa số giáo viên ở nhiều địa phương khác nhau. Tỉnh này với tỉnh kia, thành thị với  nông thôn, miền núi... luôn có sự chênh nhau về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất... Trong khi đó, đổi mới là đổi mới trong cả nước. Do vậy, phải nghiên cứu làm sao đề án đổi mới phải phù hợp với mọi địa phương. Có như thế mới đem lại hiệu quả khả quan, tránh tình trạng đổi mới kiểu chắp vá như vừa qua.
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.