Đổi mới giáo dục 'vừa chạy vừa xếp hàng', giáo viên chịu áp lực lớn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/10/2022 06:00 GMT+7

Đổi mới giáo dục phổ thông trong bối cảnh giáo viên môn học mới chưa có, đội ngũ còn lại phải dạy tăng tiết hoặc kiêm nhiệm trong khi yêu cầu cao, chưa kể la liệt các công việc khác, là những áp lực giáo viên đang phải gồng gánh.

Giáo viên dạy quá số tiết, khác chuyên môn

Một giáo viên (GV) dạy môn lịch sử ở cấp THCS tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đọc thông tin thấy nói tiến tới một GV sẽ dạy hết các phân môn trong môn tích hợp. Ở môn lịch sử - địa lý của tôi, nếu phải dạy cả phân môn địa lý có lẽ tôi sẽ xin nghỉ việc hoặc chuyển sang trường khác. Không phải tôi ngại khó, ngại khổ mà vì thấy nếu bắt GV được đào tạo môn sử phải dạy cả địa thì coi nhẹ chất lượng giáo dục và học sinh (HS) quá. Đào tạo ở trường sư phạm 4 - 5 năm mà giờ lại nói bồi dưỡng 3 - 4 tháng là có thể dạy được thêm một môn học là không khả thi và GV sẽ căng thẳng, thiếu tự tin trước học trò”.

Không chỉ GV căng thẳng, một hiệu phó phụ trách chuyên môn của trường THCS trên địa bàn Q.Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết: thiếu GV khiến nhà trường phải chịu áp lực “trên đe, dưới búa”. Để dạy các môn tích hợp với lớp 6, lớp 7, nhà trường phải vận động, thuyết phục để GV dạy quá tiết theo quy định, có trường hợp phải dạy hơn 20 tiết/tuần (trong khi quy định tối đa là 18 - 19 tiết/tuần). “Các trường không có quyền gì trong việc tuyển dụng nhân sự cho chính trường mình nên rất khổ”, vị này nói.

Giáo viên dạy môn tích hợp sử - địa cho học sinh lớp 6 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều hiệu trưởng cho biết chỉ tiêu biên chế không tính đến việc GV phải chủ nhiệm lớp, trong khi đây là công việc rất mất công mất sức của GV. Nhiều GV chủ nhiệm vẫn phải làm đủ việc không tên khác mà vẫn không được trừ giờ. Áp lực cũng từ đó mà ra khi họ bị quá tải, quá sức chịu đựng mà số tiền trả thêm cho dạy bù giờ không thấm tháp vào đâu.

Áp đặt yêu cầu quá cao, GV căng thẳng

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng đổi mới nhưng phải tính đến việc đội ngũ GV hiện có, lịch sử để lại đáp ứng đến đâu chứ không thể áp đặt yêu cầu quá cao của chương trình mới với GV cũ, khiến họ căng thẳng không cần thiết.

Ví dụ việc dạy tích hợp, nếu chọn cách dễ nhất trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, xếp thời khóa biểu thì sẽ yêu cầu GV đơn môn sẽ dạy hết các phân môn tích hợp. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của Sở là phải đặt khả năng đáp ứng của GV và chất lượng lên hàng đầu nên chỉ nơi nào GV được đào tạo tích hợp hoặc thực sự đạt yêu cầu mới có thể đảm đương cả 2 - 3 môn. Điều này sẽ vừa tạo tâm lý tự tin, yên tâm cho GV khi giảng dạy, vừa vì HS. Nếu họ không được đào tạo bài bản, không nắm vững chuyên môn mà chỉ bồi dưỡng, tập huấn trong thời gian ngắn rồi bắt dạy học thì sẽ gây những hệ lụy đáng lo ngại.

Ở Hà Nội đã vậy, với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tình trạng cũng rất bi đát. Năm nay, nhiều GV tiếng Anh, tin học ở cấp THCS ở H.Mèo Vạc (Hà Giang) dù đã dạy quá tiết ở trường mình nhưng vẫn buộc phải tham gia dạy thêm mỗi tuần một vài tiết cho trường tiểu học do cấp học này không có GV. Có GV tin học cấp THCS ở huyện này mỗi tuần phải đi thêm 80 km đường đồi núi để dạy tin học cho HS lớp 3 ở trường tiểu học theo sự điều động của phòng GD-ĐT huyện.

Giảm hồ sơ, sổ sách chưa đi vào thực tế

Ngoài giờ lên lớp, GV vẫn phải chấm bài, chữa bài, soạn giáo án, làm đủ loại hồ sơ sổ sách, chiếm rất nhiều thời gian, công sức.

Từ ngày 1.11.2020, Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực, theo đó GV chỉ còn 3 loại hồ sơ, sổ sách, gồm: Kế hoạch giáo dục (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá HS. Riêng GV chủ nhiệm thì có thêm sổ chủ nhiệm. Thông tư 32 ra đời đã nhận được sự ủng hộ của GV, bởi đa phần những loại hồ sơ, sổ sách quy định trước đây chủ yếu để phòng, sở xuống kiểm tra. Tuy nhiên, khi áp dụng, nhiều GV cho rằng gánh nặng mới chỉ được giảm trên giấy.

Thông tư 32 cho phép dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của GV và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Tuy nhiên, do “tùy vào điều kiện” nên sau vài năm đi vào thực tế, phần nhiều GV vẫn đang phải sử dụng hình thức sổ in và ghi tay những nội dung theo yêu cầu.

PGS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bài phân tích về áp lực của GV đã chỉ ra rằng: Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, GV phải làm nhiều công việc khác như soạn giáo án, chấm điểm kiểm tra, tham gia rất nhiều hoạt động trong trường, các phong trào, cuộc thi, tập huấn, hội họp, nhiều GV phải kiêm công tác chủ nhiệm lớp, phải theo sát tình hình học trò, chăm lo mọi vấn đề của HS… Dù khó có thể có các tiêu chí rõ ràng để so sánh, kết luận thực sự có phải nghề GV nặng hơn các nghề khác hay không, nhưng khi GV cảm nhận như vậy thì đó đã là tác nhân gây sức ép cho họ...

Giảm áp lực cho GV cần đặt lên hàng đầu

GS Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng từ trước đến nay, ở VN vấn đề căng thẳng trong dạy học đều được nhắc tới, song dường như mức độ trầm trọng của nó ít được phân tích. Trong khi đó, các phân tích quốc tế luôn đề cập đến nghề dạy học như là một trong những nghề căng thẳng nhất, và thường được xếp hạng đầu về mức độ căng thẳng.

Rất nhiều ý kiến đồng tình rằng GV áp lực tứ bề là điều khủng khiếp nhất chứ không phải là tiền lương. Do vậy, việc giảm áp lực công việc cho GV cần đặt lên hàng đầu trong thời gian tới. Một trong những giải pháp là phải chú trọng việc thúc đẩy áp dụng các hình thức tự chủ cho các trường phổ thông công lập. Các trường được tự chủ sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng đội ngũ GV, đạt được mục tiêu thực chất đề ra, giảm thiểu tính hình thức, chủ nghĩa thành tích, giảm thiểu thủ tục hành chính, quan liêu bao cấp; cần phân tích khối lượng và nội dung làm việc của GV, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về quản lý nhân sự/GV như “bảng mô tả công việc”, “trả lương theo hiệu quả”…

Đề cập góc độ quản lý tác động đến GV, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho rằng cần tôn trọng đặc điểm lao động sư phạm của GV. Nghề giáo là một nghề đặc thù, vì vậy, GV rất mẫn cảm với cái “tôi” và chuyên môn mà mình phụ trách. Với GV, bên cạnh nhu cầu cơ bản là thu nhập hợp lý để có thể sống được bằng nghề dạy học, họ rất cần được thấu hiểu đặc điểm công việc của “người thầy tổng hợp”. Nếu hiệu trưởng không trân trọng những cố gắng và tiến bộ, thành công (có thể chỉ là rất nhỏ) của họ, thì họ cảm giác bị thiếu tôn trọng và có thể không còn muốn cố gắng nữa. Khi GV gặp khó khăn hay phạm phải sai sót, khuyết điểm trong công tác và sinh hoạt thì họ có nhu cầu được lãnh đạo và đồng nghiệp trong trường chia sẻ, cảm thông. Nếu không được đáp ứng thì họ dễ sinh tâm lý tự ti, bỏ mặc và không thiết tha với công việc chung.

Sẽ chỉnh sửa định mức GV/lớp, giảm áp lực ngoài chuyên môn

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng trong những năm qua, Bộ cũng đã quyết liệt rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách đối với GV. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát; với một số địa phương thực hiện chưa tốt, Bộ sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh. Ông Đức cho biết Bộ đang phối hợp Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức GV/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.